Ông Nguyễn Tam Thanh - Cán bộ phúc lợi động vật - Tổ chức Động vật châu Á (AAF) chia sẻ quan điểm sau khi lễ hội chém lợn ở tỉnh Bắc Ninh vừa diễn ra vào hôm 24/2.
Ông Thanh cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng khi Ban tổ chức lễ hội làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) vẫn quyết định tổ chức phần nghi lễ chém lợn. Trước đó, AAF đã đề xuất xóa bỏ phần nghi lễ này và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số cộng đồng”.
Theo đại diện của AAF, việc giết những con lợn như vừa qua không chỉ gây đau đớn cho bản thân những con vật mà còn làm trơ lì cảm xúc của những người chứng kiến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam. Đặc biệt, có rất nhiều trẻ em chứng kiến cảnh tượng tại lễ hội này là một điều rất đáng lo ngại. Đây là nhóm người có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ học được rằng động vật chỉ là công cụ để con người sử dụng và có thể hành hạ theo bất kỳ hình thức nào thay vì cảm thông và tôn trọng chúng. Bởi động vật là những sinh vật sống có khả năng nhận biết được thế giới xung quanh và có khả năng cảm nhận nỗi đau.
Ước mong đầu xuân của AAF. |
Ngoài ra, ông Thanh viện dẫn đã có những nghiên cứu cho thấy người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng. "Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người", ông Thanh nói.
Trước ý kiến cho rằng đây là lễ hội truyền thống lâu năm thay vì xóa bỏ nên thu hẹp phạm vi và hạn chế người xem, đại diện AFF cho hay, “văn hóa” và “truyền thống” thường được đưa ra làm biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này. Nhưng văn hóa và truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian, những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới sẽ được duy trì và những cái không còn phù hợp, những điều hủ tục sẽ thay được đổi và loại bỏ.
Ông Thanh cho biết thêm, sau kiến nghị tổ chức đã nhận được sự đồng thuận của lớn từ cộng đồng, nhiều người cũng cho rằng nghi lễ này quá tàn bạo và không phù hợp. “Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối chém lợn và sẽ tiếp tục kêu gọi các cơ quan chức năng đưa ra ý kiến không tổ chức phần lễ này. Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là tại địa phương nơi diễn ra lễ hội nhằm thay đổi quan điểm của người dân trong việc coi động vật làm công cụ mua vui cho con người", ông nói.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, chuyên gia văn hóa Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) lý giải, người dân làng Ném Thượng thực hiện lễ chém lợn như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ tướng Đoàn Thượng, người có công chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ thứ 13. Dân làng Ném Thượng thông qua tục này để nhắc nhở con cháu nhớ đến vị thành hoàng làng.
Vì thế, đây là "nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể". "Tục chém lợn là một diễn xướng độc đáo thể hiện lớp văn hóa cổ xưa. Và việc kêu gọi bỏ tục lệ này thể hiện sự tự ti, mặc cảm đối với chính nền văn hóa của dân tộc mình", ông khẳng định. Song, ông cũng đồng ý với việc hạn chế những tác động của hình ảnh bạo lực của lễ hội này với đề xuất ban tổ chức dùng giải pháp như dùng phướn để che hình ảnh chém lợn. "Việc chém lợn chỉ được những người tham gia trực tiếp nhìn thấy còn những người khác sẽ vẫn được cảm nhận không khí tại lễ hội độc đáo này", ông Thắng nói.