“Chết mòn” vì...hoa

(PLO) - Nghề trồng hoa đã góp phần tích cực làm “thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, xe hơi, xe máy đắt tiền cũng được bà con làng hoa sắm sửa ngày càng nhiều. Nhưng để có được cuộc sống sung túc ấy, người dân làng hoa đang "chết mòn" vì hàng ngày phải tiếp xúc với các loại hóa chất bảo vệ hoa.
“Chết mòn” vì...hoa
Làm giàu từ hoa
Nghề trồng hoa bén duyên với người Tây Tựu bắt đầu từ những năm 1995. Khi ấy, một số người dân cảm thấy nghề trồng lúa vất vả mà lợi nhuận không cao đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa. Sự rẽ sang bất ngờ ấy là một hướng đi đúng đắn. Từ một xã mà đời sống người dân còn khó khăn, vất vả, nhờ nghề trồng hoa mà chưa đầy 20 năm sau đã trở thành một địa phương có nền kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Đến với Tây Tựu hôm nay, đường làng ngõ xóm hầu hết đã được trải nhựa đường.  Trong khu dân cư, nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát.
Anh Cúc (ở thôn 2, Tây Tựu) cho biết: “Nghề làm hoa tuy vất vả nhưng lợi nhuận cao, cũng là một động lực khiến người dân cố gắng bám trụ vào nghề. Trước đây, bố mẹ tôi cũng nhờ nghề này mà nuôi nấng anh em chúng tôi thành người. Giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng, có nhiều nghề cho chúng tôi lựa chọn nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định theo nghề cũ của cha ông. Hai vợ chồng tôi thuê gần một mẫu ruộng để trồng hoa, giờ cả năm chỉ bám vào cây hoa này để mưu sinh thôi”.
Những đổi thay từ nghề trồng hoa là điều không ai có thể phủ nhận được. Diện tích đất trồng hoa từ 18ha ban đầu nay đã mở rộng lên gần 300ha, chiếm 84,6% diện tích đất canh tác của địa phương, chưa kể nhiều hộ gia đình còn thuê thêm đất canh tác ở các vùng lân cận như Đan Phượng, Hòai Đức, Thạch Thất… Thu nhập bình quân đầu người của Tây Tựu ngày càng tăng qua mỗi năm. Những năm gần đây, một số hộ gia đình áp dụng trồng những loại hoa cao cấp như hoa ly còn đạt doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ năm. Tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu đạt trên 70%, hộ nghèo giảm xuống còn 1,7%. Những triệu phú nông dân ở Tây Tựu xuất hiện ngày một nhiều.
"Chết mòn" cũng vì hoa
Lợi nhuận là thế song ít ai biết sức khỏe của người dân Tây Tựu đang từng ngày phải vật lộn với hóa chất. Để sản xuất ra được một bông hoa đem đến người tiêu dùng là cả một quá trình gian nan, vất vả. Nói như bà Nguyễn Thị Luận (60 tuổi ở thôn 3, Tây Tựu) thì: “Nghề trồng hoa vất vả lắm. Đầu tiên chúng tôi phải đánh thuốc cho thối cỏ rồi phay lên, sau đó giồng tầm xuân (hoa hồng dây, hoa hồng dại), đợi đến thời điểm thích hợp thì ghép cây. Trong quá trình sinh trưởng, cây sẽ bị sâu bọ, nấm bệnh phá hoại, lúc ấy chúng tôi lại phải mua thuốc để trừ sâu bệnh. Hầu như mùa nào cây hoa cũng phải sử dụng đến thuốc trừ sâu. Mùa hè là sâu bệnh ăn lá ăn hoa, mùa đông thì bị nấm trên các đầu nụ hoa, hoặc bị những con kin kin làm tổ trên nụ hoa… Phòng trừ những loại sâu bệnh này chỉ có cách duy nhất là dùng thuốc bảo vệ thực vật”.
Tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhưng trang phục bảo hộ của người dân chưa đạt chuẩn
Tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhưng trang phục bảo hộ của người dân chưa đạt chuẩn
Cũng theo lời của bà Luận thì trung bình một tuần một lần, người dân phải bơm thuốc trừ sâu lên cây hoa. Vào mùa hè, sâu bệnh phát triển mạnh thì có khi cứ cách ba ngày phải bơm một lần. Nếu không bơm, sâu bệnh sẽ “ăn” hết cây, khi ấy người nông dân sẽ trắng tay.
“Ngửi nhiều quen rồi”, đó là câu nói cửa miệng của người dân Tây Tựu khi được hỏi về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến sức khỏe của họ. Một người dân cho biết rằng vẫn biết thuốc trừ sâu là độc, việc tiếp xúc hàng ngày với loại hóa chất này không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề nào nữa. Vì miếng cơm manh áo nên đành phải chấp nhận. “Người nơi khác mới đi qua đây ngửi mùi chưa quen nên còn cảm giác khó chịu, chứ chúng tôi ngày nào cũng ngửi cái mùi này thành ra quen rồi. Cũng đôi lúc khi bơm thuốc, chẳng may tôi hít phải nhiều quá cũng hơi đau đầu, chóng mặt” - bà Luận chia sẻ.
Người xung quanh cũng bị ảnh hưởng từ thuốc bảo vệ hoa
Người xung quanh cũng bị ảnh hưởng từ thuốc bảo vệ hoa 
Theo tìm hiểu, khi bơm thuốc sâu, người dân đều mặc áo mưa, chân đi ủng, đeo khẩu trang. Trong lúc bơm, người dân di chuyển ngược hướng gió để tránh tối đa việc bị ngửi hóa chất. Nhưng cách làm này dường như vẫn không hạn chế được các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, nhất là với những người không mặc đồ bảo hộ đang làm việc tại các ruộng lân cận. Nhiều người không sử dụng gang tay, sau khi bơm thuốc lại ra ruộng ngồi hút thuốc, uống nước, hoặc không đội mũ trong khi bơm thuốc cũng dễ dàng bị nhiễm hóa chất.
“Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật được nhà nước cho phép, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu đại lý nào buôn bán cả những loại thuốc cấm, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mục đích này cũng nhằm hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân nên bà con cũng ý thức và tự giác thực hiện rất tốt”. Tuy nhiên, với tần suất một tuần một lần tiếp xúc với hóa chất trừ sâu, diễn ra trong hàng chục năm trời, người trồng hoa đang từng ngày “sống mòn” trên các cánh đồng hoa.
(Ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND Phường Tây Tựu)

Đọc thêm