Đêm 15/11, Lê Thị Hương (16 tuổi, ngụ phường Trường Thạnh, quận 9, TP Hồ Chí Minh) được người yêu đến đón đi chơi. Trong lúc quay về cả hai ghen tuông cãi vã nhau. Khi đến cây Cầu Cấm cạnh nhà Hương, Tuấn dừng xe để nói chuyện.
Tranh cãi dữ dội, Hương rút điện thoại ra để vào giỏ xe máy người yêu, bước sát lại thành cầu, đuổi chàng trai đi về. Chàng trai giận dữ: “Có gì từ từ nói, chi mà đuổi hoài vậy?”. Hương khóc “em chết thì anh đừng có buồn”. Chàng trai chưa nói dứt câu “làm gì mà phải chết”, cô gái đã gieo mình xuống nước.
Tuấn thuật lại: “Thấy Hương nhảy sông, tôi hoảng hốt chạy lại thì nhìn thấy cô ấy đang chới với kêu cứu cách cầu 2m. Vì không biết bơi nên tôi chỉ biết nói Hương cố bơi vào chỗ trũng để tôi đi tìm người đến cứu. Khi chạy về phía nhà Hương thì gặp bạn của anh trai cô ấy đang đi ra. Chúng tôi quay lại rọi đèn pin xuống sông, vẫn thấy Hương còn nổi trên mặt nước. Nhưng anh ấy cũng không biết bơi, tôi lại chạy đi tìm tiếp, bắt gặp một người anh trai nữa Hương vừa đi chơi về, chạy đến không còn thấy Hương đâu nữa”.
Lặn giữa dòng sông tìm em gái hơn 15 phút không thấy, người anh bơi vào bờ chạy về nhà báo tin. Mọi người đổ xô tới tiếp tục lặn tìm, thiếu nữ đã mất tích dưới dòng nước. Phải đến hơn 1h sáng ngày 16/1, thi thể Hiền mới được phát hiện cách bờ sông 30m.
Cầu Cây Cấm, nơi xảy ra vụ tự vẫn |
Từ đầu cầu Cây Cấm, đã nghe tiếng khóc của gia đình nạn nhân. Bên quan tài, người thân ôm nhau khóc thương cho cô con gái dại dột. Thiếu nữ là con gái út trong gia đình có 3 chị em. Mẹ nạn nhân nghẹn ngào: “Tối đó bé Thỏ (tên thường gọi ở nhà của nạn nhân) ôm hôn tôi rất tình cảm. Thấy nó ra khỏi nhà, tôi hỏi giờ này đi đâu, nó bảo “Con qua nhà chú chơi”. Từ ngày quen thằng Tâm, nó mới biết lừa dối tôi đi chơi. Rồi chuyện học hành của nó cũng vì yêu mà giảm sút”.
Gia đình cho biết, trước ngày tự tử, Hương không có biểu hiện gì bất thường, hàng ngày đi học rồi về nhà lại cười nói vui vẻ. Chuyện yêu sớm, cả gia đình đều biết. Cả hai qua lại được 6 tháng thì xảy ra vụ việc. Gia đình từng nhiều lần cấm cản cô bé, không ngăn được mới đành chấp nhận. Trong thời gian qua lại, Tâm cũng chưa một lần vào nhà Hương ra mắt. Mỗi lần muốn gặp nhau, Tâm lại hẹn Hương ra cầu Cây Cấm rồi chở đi chơi, lúc về cũng chia tay nhau trên cây cầu.
Đám tang bạn gái, Tâm mới cùng bố mẹ mình đến xin thắp hương cho người yêu. Gia đình cô gái không cho vào. “Nó thấy con tôi nhảy sông mà không xuống cứu. Nó nói không biết bơi thì cũng phải la lên cho mọi người biết chứ. Tối đó cả nhà tôi đều ở nhà, người dân xung quanh cây cầu lại đông thế, nếu nó hô hoán thì có thể đã cứu được”, mẹ nạn nhân bức xúc.
Cũng từ ngày người yêu mất, Tâm buồn rầu chỉ quanh quẩn trong nhà. “Em cũng muốn đến thắp cho Hương nén nhang để xin sự tha thứ. Vì giận em nên cô ấy mới nghĩ quẩn như vậy. Khi thấy Hương chới với dưới dòng nước, em sợ hãi, trong đầu trống rỗng không thể nghĩ ra được gì, chỉ biết phóng xe máy đi trên đường tìm người đến cứu. Em yêu Hương lắm. Em không muỗn cô ấy chết một phút nào”, Tâm phân trần.
Ngày con gái mất, bố nạn nhân không thể khóc ra tiếng. Ông lẳng lặng vác cây búa tạ ra đập vỡ hồ cá trước hiên nhà để lấy đất chôn con gái. Ông muốn con gái vẫn được ở bên cạnh gia đình. Họ hàng thuyết phục mãi, bố nạn nhân mới đồng ý đưa Hương đến chôn ở nghĩa trang.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Làm gì khi phát hiện người đuối nước?
1. Trước tiên, hô hoán cho mọi người cùng đến hỗ trợ
2. Quăng cho nạn nhân một vật nổi nào đó, như phao, bình rỗng, thanh gỗ… và khuyến khích họ bám lấy.Tuy nhiên, vẫn phải đưa nạn nhân ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Cách phù hợp nhất là:
3. Cố gắng tiếp cận nạn nhân gián tiếp, qua một vật trung gian nào đó dạng cứng, như mái chèo, cây gỗ, sào tre, cây chổi… Tìm ngay xung quanh bất kỳ vật gì tương tự như thế và đưa cho nạn nhân.
3. Nếu không tìm thấy vật gì tương tự như trên, cố gắng tìm một sợi dây, tốt nhất là dây thừng, quăng cho nạn nhân và khuyến khích họ bắt lấy. Có thể cột một vật gì đó vào đầu dây để bạn dễ quăng chính xác hơn (cái phao, thùng rỗng…). Cũng có thể huy động mọi người cởi quần, áo cột lại để tạo thành một sợi dây dài, quăng cho nạn nhân.
4. Nếu nạn nhân đã quá xa khỏi tầm quăng, phải bơi ra cứu nạn nhân, nên buộc một sợi dây thừng quanh eo người cứu hộ, chừa một đoạn dài và có người nào đó trên bờ giữ đầu dây còn lại, hoặc cột dây vào một cọc neo, cây cối nào đó để giữ dây. Sau đó bơi vào hoặc nhờ người trên bờ kéo dây lôi tất cả lên bờ…
Nếu đông người, có thể phân công 1 người chạy đi tìm người hỗ trợ, những người khác còn lại tìm cách cứu nạn nhân như đã nói ở trên.