Chị nhẫn tâm bán em sang xứ người
Vợ chồng ông Lương Phò Vinh (SN 1952, ngụ bản Cha Ca 2, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) sinh được 4 đứa con. Vì là người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nương rẫy nên cuộc sống còn khó khăn.
Trong số các con có Lương Mẹ Khăm (SN 1993) và con gái út Lương Thị Pê (SN 2000). Hai người con này đã lập gia đình, nhưng mỗi người lại có hoàn cảnh khác nhau. Trong khi người chị có cuộc sống gia đình khá êm ấm, thì em gái lại thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ. Do vậy, chỉ một tuần sau đám cưới, Lương Thị Pê quyết định bỏ về nhà mẹ đẻ. Đó là vảo khoảng tháng 4/2016.
Theo phong tục của người Khơ mú, sau khi tổ chức đám cưới, nếu bên nhà gái muốn ly hôn phải bồi thường tất cả tổn thất về chi phí thực hiện hôn lễ cho nhà trai. Tổn thất mà nhà chồng yêu cầu là con bò, con lợn và đàn gà. Do Pê không đáp ứng được những yêu cầu đó nên nhà chồng liên tục đe dọa đánh đập, thậm chí sẽ tháo dỡ nhà bố mẹ đẻ để trừ tiền lễ.
Đang trong lúc khốn khó, em Lương Thị Pê được chị gái mình là Lương Mẹ Khăm giới thiệu sang Trung Quốc làm ăn. Tin tưởng chị gái, em Pê đã đồng ý đi sang xứ người. Tuy nhiên, người em này không hề biết rằng tất cả đã nằm trong tính toán trước của chị gái cùng 3 người khác, trong đó có vợ chồng Moong Văn Tuyên (SN 1972) và Vi Thị Hồng (SN 1974, cùng ngụ bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn).
Các bị cáo ôm mặt suy tư lúc chờ tòa nghị án |
Cáo trạng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mới diễn ra nêu rõ, đầu tháng 4/2016 Vi Thị Hồng gặp một người phụ nữ tên Yến (không xác định được nhân thân cụ thể) đặt vấn đề tìm người đưa sang Trung Quốc với giá 100 triệu đồng. Hồng đồng ý tìm các cô gái trẻ cho Yến. Sau đó, Hồng điện thoại cho Moong Mẹ Pheng (SN 1972, ngụ xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn) hỏi trong bản có ai muốn đi Trung Quốc không? Nếu giới thiệu một người đi sẽ được trả 80 triệu đồng.
Nghe lời mời chào, Pheng chợt nhớ ngay đến Lương Mẹ Khăm, cô cháu họ sống cùng bản nên điện thoại đặt vấn đề. Sau khi nghe nội dung, Khăm liền trả lời: “Ở trong nhà có em gái là Lương Thị Pê, sinh năm 2000, nếu cho ứng trước tiền thì đi luôn”. Pheng liền truyền đạt lại yêu cầu đó cho Hồng và được chấp thuận.
Ngày 18/4, Hồng thuê một người đàn ông chở Pheng và Khăm đến trang trại của gia đình để bàn bạc, thỏa thuận việc mua bán Lương Thị Pê. Tại đây, lúc đầu hai bên thống nhất em Pê với giá 80 triệu đồng, cho ứng trước 10 triệu đồng. Nhưng sau đó Lương Mẹ Khăm yêu cầu vợ chồng Hồng trả thêm 5 triệu đồng mới đồng ý bán em gái và đã được chấp thuận. Hai bên thống nhất số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi cháu Pê đặt chân sang Trung Quốc.
Đến ngày 6/5 theo lịch hẹn trước, vợ chồng Vi Thị Hồng đi xe đến nhà em Pê để đón đi Trung Quốc. Nhưng lúc này, Pê đổi ý, không chịu đi lấy chồng xứ người. Thấy vậy vợ chồng Hồng, Tuyên liền quay sang đe dọa Moong Mẹ Pheng: “Nếu không đưa được cháu Pê đi Trung Quốc thì phải trả lại số tiền 10 triệu đồng đã nhận, đồng thời tính thêm tiền lãi 50 nghìn đồng/ngày kể từ khi nhận tiền”.
Nghe nói thế, Pheng hoảng sợ tiếp tục gọi điện cho Khăm ngọt nhạt, nếu em gái không chịu đi Trung Quốc thì gia đình sẽ phải trả gấp đôi số tiền đã nhận. Vì không có tiền nên Pê đành đồng ý đi theo vợ chồng Vi Thị Hồng.
Một ngày sau, Hồng yêu cầu chồng đi xe máy đến đón Pê đưa sang Trung Quốc. Khoảng 19h30 khi Moong Văn Tuyên đang chở Pê trên địa phận xã Bảo Thắng thì bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sau đó, các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người được triệu tập, phục vụ cho công tác điều tra. Được biết, thời điểm bị bắt, nạn nhân Lương Thị Pê mới 16 tuổi, 2 tháng.
4 bị cáo phải nhận tổng mức án 16 năm tù về tội “Mua bán người” |
Nỗi buồn người cha già
Trong vụ án, các bị cáo Moong Văn Tuyên, Vi Thị Hồng, Lương Mẹ Khăm, Moong Mẹ Pheng bị truy tố vì tội “Mua bán người”. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình. Bị cáo Lương Mẹ Khăm khai, vì thấy em gái bị nhà chồng đòi bồi thường tổn thất ly hôn nên mới đồng ý bán em sang Trung Quốc.
Sau đó, xét thấy số tiền 80 triệu đồng là hơi ít nên mới đòi vợ chồng Vi Thị Hồng đưa thêm 5 triệu đồng. Sau khi ứng trước 10 triệu, Khăm đã đưa cho bố là ông Lương Phò Vinh cất giữ.
Nghe con gái trình bày, ông Vinh cho hay, bản thân hoàn toàn không biết đến âm mưu bán em sang Trung Quốc của người chị Lương Mẹ Khăm. Chỉ đến khi thấy Khăm đưa 9 triệu đồng và nói là “đây số tiền để trả cho Pê đi Trung Quốc” (Khăm đã lấy 1 triệu đồng để tiêu xài cá nhân - PV), ông Vinh mới biết chuyện.
Dù không đồng tình việc chị bán em sang xứ người, nhưng vì nghĩ Khăm sẽ không nhẫn tâm làm như vậy nên ông Vinh “không để ý”. Hơn nữa, hôm Pê được Tuyên chở đi bán là vào buổi tối nên người bố không biết sự việc.
Tại phiên tòa, vì đang mang thai nên bị hại Lương Thị Pê không bắt xe xuống tham dự. Tuy nhiên, trước đó bị hại đã có đơn xin giảm án cho chị gái, đồng thời không yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự. Ông Vinh, đại diện hợp pháp của bị hại tại tòa cũng đã đứng lên xin giảm án cho bị cáo Lương Mẹ Khăm.
Ông Vinh nói trước tòa: “Tôi chính là bố của cháu Pê và bị cáo Khăm. Sự việc xảy ra khiến tôi và gia đình tôi rất buồn, xấu hổ. Không có nỗi buồn nào bằng việc chứng kiến chính đứa con mình đứt ruột sinh ra lại cấu kết với kẻ xấu để bán em gái mình.
Điều may mắn là hành vi của các bị cáo chưa thực hiện được, chứ nếu con tôi được đưa sang bên đó không biết giờ đây đang sống chết ra sao. Trong vụ việc này, dù sao Khăm cũng là người nhà của bị hại, nó cũng nhận ra lỗi lầm nên mong Tòa giảm nhẹ”. Ông Vinh còn cho biết thêm, sau khi được cơ quan chức năng giải cứu, Pê đã quay lại chung sống với chồng cũ. Hiện Pê đang mang thai, cuộc sống khá hạnh phúc.
Các bị cáo Moong Văn Tuyên, Vi Thị Hồng, Moong Mẹ Pheng cũng lần lượt nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hồng nói tại tòa: “Bị cáo có đến 5 đứa con và hai đứa cháu nhỏ nên xin tòa xem xét cho một trong hai vợ chồng được hưởng án treo để có thể về chăm sóc con, cháu”.
Ông Vinh ngồi buồn rầu trong phiên tòa xét xử con gái |
Tòa vào nghị án, người chị gái đưa đứa con út của hai vợ chồng Hồng đến gần. Vi Thị Hồng cố nhoài người lên phía trước, nắm lấy hai bàn tay của con, hôn lên má, lên trán thằng bé. Từ hồi vợ chồng Hồng bị bắt, người chị gái đưa thằng bé về nuôi nấng. Thằng bé khóc thút thút, Hồng nắn nắn hai bàn tay con động viên: “Ngoan, mẹ đi rồi mẹ về chứ có đi luôn đâu”. Hồng dặn con không được bỏ học, không đi lang thang một mình kẻo “bị kẻ xấu bắt”.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là vô cùng nguy hiểm. Vì đồng tiền mà bất chấp tất cả, kể cả tình chị em ruột rà. Vì nhác làm ăn, muốn sống hưởng thụ mà cả hai vợ chồng cùng thực hiện hành vi phạm pháp, nên cần phải có mức án nghiêm minh để thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật.
Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo là các tình tiết giảm nhẹ. Phân hóa vai trò của tùng bị cáo trong vụ việc, HĐXX tuyên phạt bị cáo Vi Thị Hồng 5 năm tù giam, Moong Mẹ Pheng và Lương Mẹ Khăm 4 năm tù, riêng Moong Văn Tuyên lãnh mức án 3 năm tù giam.
Kết thúc phiên tòa, người cha già chỉ biết đứng lặng nhìn đứa con lầm lỡ dẫn giải ra xe bịt thùng. Cạnh đó, hai đứa trẻ nhỏ (là con, cháu nội của vợ chồng bị cáo Hồng, Tuyên - PV) cũng bật khóc khi thấy ông bà nội bị còng tay, dẫn giải đi. Riêng 4 bị cáo chỉ biết ngoái lại, cố nhìn người thân.