Câu chuyện hai chị em gái chung chồng ở xã Sơn Hòa (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) được người dân địa phương nhắc tới đầy cảm thông. Chính quyền cũng phân trần như thế là phạm luật, nhưng không nỡ làm khó họ. Hoàn cảnh quá bi đát mới phải dẫn đến cảnh “một ông, hai bà” không ai muốn như vậy.
Thương em bại liệt, chị tự nguyện chung chồng
Thương em bại liệt, chị tự nguyện chung chồng
Căn nhà nhỏ của gia đình đặc biệt nằm cheo leo trên sườn núi ở thôn Cây Đa (xã Sơn Hòa). Đồ đạc đơn sơ. Các thành viên đều đi vắng, chỉ có chị Hồ Thị Phúc (SN 1977) đang nằm sấp trên giường bóc lạc. Chị cho biết, sau một tai nạn, chị bị liệt nửa người 16 năm nay, hai chân teo tóp không cử động được nhưng đôi bàn tay vẫn khá nhanh nhẹn.
Chị Phúc tâm sự, năm 1996, chị kết hôn với anh Tồng Trần Trí (SN 1972, cùng xã), một năm sau thì sinh con trai đầu lòng. Những lúc nông nhàn, chị Phúc đi bóc lạc thuê, chồng làm phụ hồ. Cuộc sống gia đình tuy không giàu có nhưng hết sức êm ấm.
Không may trong một lần đi làm, chị bị đống xi măng đổ ập vào người dẫn đến đứt dây thần kinh tủy sống, liệt nửa người. Lúc đó, chị mới 22 tuổi, con trai cũng mới 22 tháng.
Hơn hai tháng vợ nằm viện, chi phí thuốc thang lên đến hàng trăm triệu. Chồng chị bán hết tài sản trong nhà không đủ phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Kinh tế gia đình từ đó khánh kiệt. Anh Trí vừa phải chăm lo con nhỏ vừa phải chăm sóc vợ liệt giường, cuộc sống càng thêm túng quẫn.
Thương em, chị Hồ Thị Hạnh (SN 1974, chị gái chị Phúc) thường xuyên sang chăm sóc lo việc cơm nước, giặt giũ và sinh hoạt cá nhân cho em.
Chị Phúc liệt nửa người hơn chục năm nay vẫn bóc lạc thuê kiếm tiền. |
Chứng kiến cảnh em gái nằm một chỗ, em rể một mình xoay xở vất vả, cháu nhỏ không có người chăm bẵm, nợ nần chồng chất, chị Hạnh rất xót xa. Qua nhiều đêm đắn đo và nhiều lần chị em cùng tâm sự, năm 2000, chị Hạnh đi đến một quyết định táo bạo là kết duyên với em rể, cho rằng đây là cách duy nhất để thay em gánh vác gia đình, có thể chăm lo cho em gái và cháu suốt đời.
Chính chị Phúc cũng ngỡ ngàng khi biết chị gái chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để cưu mang gia đình mình. Quyết định của chị Hạnh được hai bên nội, ngoại chấp nhận. Từ đó đến nay đã 15 năm hai chị em chung “chồng”. Gia đình “một ông, hai bà” sống hòa thuận dưới một mái nhà chưa bao giờ có va chạm.
Hàng ngày, chồng đi phụ hồ, chị gái làm nông nghiệp, chị Phúc dùng đôi tay còn cử động được để đan lát kiếm thêm thu nhập. Trước đây, mỗi ngày nằm trên giường, chị đan được một đôi rổ bán được 10 – 15 ngàn đồng. Khoảng chục năm gần đây, chị chuyển qua bóc lạc thuê vì rổ tre không còn được ưa chuộng.
Người chị chở lạc về cho em gái bóc, sau đó chở sản phẩm đi nhập. Bóc một yến lạc được trả 13 ngàn đồng, chị Phúc gắng hết sức mỗi ngày kiếm được khoảng 20 ngàn đồng. Công việc mệt nhọc thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng chị vui vì thấy mình còn có ích, phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình.
“Tuy tiền công ít ỏi nhưng nhiều lúc cũng không có lạc mà bóc. Người ta thương tôi tàn tật nên ưu tiên đấy. Tôi rất biết ơn tình yêu thương của tất cả mọi người dành cho mình nên luôn cố gắng sống thật có ích”, chị Phúc tâm sự.
Hạnh phúc của gia đình đặc biệt
Từ ngày “lấy” em rể, chị Hạnh sinh thêm hai con trai. Hiện đang học lớp tám và mẫu giáo. Gia đình có bảy thành viên: anh Trí, hai người “vợ”, 3 người con và bố anh Trí năm nay 75 tuổi. Con trai chị Phúc năm nay đã 18 tuổi, học hết cấp 3 ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Chị Phúc xúc động: “Khi bị tai nạn phải nằm liệt giường, tôi đau khổ tuyệt vọng lắm. Lúc nào cũng nghĩ mình là gánh nặng khiến chồng con phải khổ. Bao nhiêu lần tôi chỉ muốn chết cho xong vì thấy sống khổ quá. Nhưng những suy nghĩ tiêu cực của tôi dần tiêu tan khi được chị gái động viên giúp đỡ. Tôi biết ơn chị ấy vì đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc cho tôi và con chu đáo. Tôi không hình dung được gia đình ra sao nếu không có chị”.
Chị Hạnh, người đã dũng cảm “lấy” em rể vì thương em gái. |
Toàn bộ công việc trong nhà đều do mình chị Hạnh lo liệu. Một mình chị làm chín sào ruộng, ngoài ra còn phải chăm lo cơm nước cho gia đình và vệ sinh cá nhân cho người em gái tàn tật.
Chị Hạnh đi cày vừa về, dáng gày gò và có phần già hơn tuổi. Nhắc đến chuyện “lấy” em rể, chị chia sẻ, ban đầu chị cũng băn khoăn nhiều. Phần vì sợ làng xóm dị nghị, phần vì lo bản thân không thể gánh vác được gia đình thay em gái. Nhưng nhìn cảnh gia đình em túng quẫn như vậy chị không đành lòng. Chỉ có cách này chị mới có thể chăm sóc cho em gái và cháu suốt đời.
Ngày đám cưới, hai bên gia đình chỉ làm vài mâm cơm mời họ hàng. Các cụ xưa vẫn nói, đời người con gái chỉ có một lần cưới chồng, ai không muốn tổ chức đàng hoàng, mặc váy cô dâu thật đẹp. Nhưng chị Hạnh không muốn em gái tủi thân, chỉ về với gia đình em chỉ đơn giản như vậy.
Cuộc sống gia đình từ đó đỡ túng quẫn hơn. Chị Hạnh vừa cáng đáng việc đồng áng vừa chăm lo cho em gái và đứa con nhỏ của em. Nhà cửa cơm nước có bàn tay của người phụ nữ nên cũng tươm tất hơn. Người chồng nhờ vậy có thể yên tâm đi làm kiếm tiền trả nợ.
Tiền công phụ hồ của anh Trí cộng với thu nhập từ chăn nuôi lợn gà của chị Hạnh vừa lo liệu sinh hoạt gia đình vừa lo trả nợ. Số nợ 100 triệu chữa bệnh cho chị Phúc hiện đã trả được hơn một nửa.
Mong ước lớn nhất của chị em họ lúc này là các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, trả hết nợ để có thể lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Ông Hà Học Miên, Trường thôn Cây Đa, chia sẻ: Trường hợp gia đình chị Phúc là hi hữu ở địa phương. Tuy vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng hoàn cảnh của gia đình họ quá túng quẫn, chính quyền cũng không nỡ làm khó dễ họ. Mọi người đều mong gia đình họ có thể vượt qua khó khăn, chung sống hạnh phúc bên nhau.
H1:
H2: