Công trình văn hóa cho trẻ em này mô phỏng tổ ấm, cánh diều với ý nghĩa chở che, chăm sóc, nâng cánh ước mơ và là nơi vui chơi, ươm mầm tài năng nghệ thuật,... món quà tặng tuyệt vời của chính quyền thành phố cho thế hệ tương lai đất nước.
Cũng vào dịp này, tỉnh Quảng Ninh thông xe qua cổng chào sau hơn một năm xây dựng, tiêu tốn 198 tỷ đồng, chiếm 65.000 mét vuông, ở cửa ngõ thị xã Đông Triều.. Cổng chào có ý tưởng kiến trúc dáng rồng, núi non trùng điệp, dựng bằng bê tông cốt thép, gợi nhớ đến danh thắng vịnh Hạ Long, núi Yên Tử,... Tiêu chí của những người xây nên cổng chào này là “uy nghi, vững chãi, ấn tượng”.
Một sự trùng lặp hết sức thú vị của 2 công trình văn hóa không chỉ ở dịp khánh thành mà còn ở số tiền bỏ ra nhưng công năng thì hoàn toàn khác: Cổng chào để “chào” du khách, còn Nhà văn hóa thiếu nhi để đón các em nhỏ. Một để ngắm nhìn, chui qua và một để vui chơi, luyện tập và vun đắp tương lai. Hai công trình văn hóa cùng xuất hiện trong một thời điểm khiến người ta so sánh, liên tưởng và đánh giá ý nghĩa bằng những nhận định trái ngược nhau.
Lâu nay, dư luận xã hội nói chung thường “dị ứng” trước những công trình văn hóa, dù mới ở dạng ý tưởng hoặc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Rất nhiều tai tiếng đã để lại chung quanh những công trình văn hóa phản cảm, không mang tính văn hóa, kém hình thức nghệ thuật, công năng sử dụng thấp,... và đặc biệt là tiêu tốn tiền bạc, chiếm dụng không gian, đất đai, gây lãng phí lớn. Vì thế, dư luận không tỏ ra thích thú hoặc ngưỡng mộ cái cổng chào “uy nghi, vững chãi” ở Quảng Ninh, “ấn tượng” đang diễn ra là sự đàm tiếu!
Ở chiều hướng ngược lại, Nhà văn hóa thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh được nhiệt liệt chào mừng và đón đợi, mang lại niềm vui không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn là người lớn. Một công trình văn hóa thực sự có ý nghĩa nhân văn, thiết thực với đời sống xã hội.
Người dân TP Hồ Chí Minh phấn khởi với công trình này. Còn người dân Quảng Ninh có thể tự hào với cái cổng chào to nhất nước, đắt nhất nước được không?