Theo sử sách, Lê Lợi cùng nghĩa quân sau hơn mười năm “nằm gai nếm mật” kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi biên cương, đất nước thu về một mối. Tuy nhiên, ở vùng biên ải xa xôi, lợi dụng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đó ở miền xuôi, Đèo Cát Hãn tù trưởng châu Mường Lễ (nay là tỉnh Lai Châu) có ý đồ liên kết với giặc bên ngoài ở phía Tây là Lào và phía Bắc là nhà Minh ở Vân Nam để cát cứ một vùng.
Phát hiện được ý đồ đó của Đèo, nhằm ngăn chặn cái hoạ ở biên thuỳ, đích thân vua Lê đã đưa quân lên miền phên đậu phía Tây Bắc nước ta để dẹp loạn phản. Quân đi theo hai cánh đường bộ và đường thuỷ dọc theo sông Đà. Uy thế của cuộc hành quân huyền diệu, thần tốc lan ra: “tiếng gió tiếng chim cũng làm quân giặc khiếp sợ”.
|
Khu di tích lịch sử Đền thờ Lê Lợi ở Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu). |
Việc Lê Lợi thân chinh lên biên giới phía Tây Bắc để đánh dẹp bọn tù trưởng cát cứ là nhằm bảo toàn mảnh đất biên cương và cắt đứt sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài.
Đồng thời xác lập bản đồ của đất nước ở phía Tây nước Việt ta. Cuộc chinh phạt thành công, trên đường về vua Lê Thái Tổ đã đánh dấu sự kiện lịch sử này bằng bài thơ khắc trên bia đá.
|
Đường lên khu di tích. |
Dịch nghĩa: “Di địch là mối lo ở biên thuỳ từ xưa vẫn có. Dợ Hung Nô ở đời Hán, dợ Đột Quyết ở đời Đường. Các man Mường Lễ phía Tây nước Việt ta cũng vậy. Vừa rồi vì nhà Trần, Hồ chính trị suy đồi, bầy tôi ở biên thùy sinh ngạo ngược. Cát Hãn nhờn theo thói cũ giữ nơi biên thuỳ không chừa. Ta nay đem quân tới đánh. Đường thuỷ, đường bộ cùng tiến một trận dẹp yên. Nhân viết một bài thơ luật. Cho khắc vào đá để răn những kẻ tù trưởng Man không theo giáo hoá ở đời sau.
Thơ rằng: “Giặc cuồng sao dám tránh tội đáng giết/ Dân ngoài biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống/ Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có/ Đất đai hiểm trở từ nay không còn/ Cỏ cây và tiếng gío tiếng chim cũng làm quân giặc kinh sợ/ Non sông này từ nay nhập vào bản đồ nước ta/ Đề thơ khắc lên đá núi/ Để chắn giữ phía Tây nước Việt ta.”
|
Nơi trưng bày, lưu giữ Văn bia. |
Bài thơ trên của vua Lê được khắc trên một khối đá nặng 15 tấn tồn tại gần 600 năm qua. Văn bia đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1981, công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016.
Năm 2012, bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500 m. Đền thờ Lê Lợi nằm trên một ngọn đồi cao ráo với vị trí đắc địa nhìn ra được bốn phía non nước, sơn thủy hữu tình.
|
Bản dịch nghĩa tiếng Việt bài Văn bia của vua Lê. |
Văn bia là một di sản văn hóa quý báu, là một minh chứng hùng hồn, khẳng định sự kiện lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nơi biên cương.
Từng lời, từng chữ được khắc trên vách đá như lời huấn thị của vua Lê với muôn dân về trách nhiệm bảo vệ đất nước, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe những kẻ có mưu đồ chống phá sự ổn định và thống nhất đất nước chắc chắn sẽ phải chuốc lấy kết cục thảm bại. Lời huấn thị đến nay vẫn còn nguyên giá trị và như vẫn còn vang vọng đến mai sau.