Chiêm bái bia cổ chùa Bảo Ninh Sùng Phúc xứ Tuyên

(PLVN) - Tọa lạc tại thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông là ngôi chùa cổ nhất xứ Tuyên, hiện còn lưu giữ tấm bia quý giá từ thế kỷ 12, cũng là bảo vật quốc gia duy nhất tại tỉnh Tuyên Quang.
Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc
Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Tuyên Quang là vùng đất lam sơn thủy tú có vị thế quốc phòng quan trọng, để lại dấu ấn trong sử sách. Từ ngàn năm trước, bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã chung sức đồng lòng trong lao động sản xuất cũng như bảo vệ đất nước. Bởi vậy các vương triều coi Tuyên Quang là vùng phên dậu thứ ba của đất nước. 

Khu vực cổng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc
Khu vực cổng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc 

Năm 1961, trong quá trình lao động sản xuất, nhân dân đã phát hiện tấm bia đá cổ ở chân núi Đan Hán, thuộc xã Yên Nguyên, phía tây nam huyện Chiêm Hoá. Tấm bia còn nguyên vẹn được tạc bằng đá xanh nguyên khối, gắn trên lưng một con rùa đá. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” nghĩa là Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. 

Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng chầu lên chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Hình tượng hai con rồng chầu bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước và kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp cầu mong mưa thuận gió hòa.  Sau khi nghiên cứu, thảo luận, các nhà khoa học, các nhà văn hóa đã thống nhất đưa tấm bia cổ về chùa Bảo Ninh Sùng Phúc lưu giữ đến nay. 

Cảnh trí nên thơ, thanh bình của ngôi cổ tự bốn mùa hoa nở, cây cối xanh tươi
Cảnh trí nên thơ, thanh bình của ngôi cổ tự bốn mùa hoa nở, cây cối xanh tươi 

Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất phát hiện được trên đất Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay. Đây được xem là bảo vật văn hiến của đất nước, giúp thế hệ hậu sinh hiểu rõ hơn về tâm hồn tư tưởng của cha ông trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước hàng nghìn năm trước.

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ngày càng khang trang, đẹp đẽ
 Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ngày càng khang trang, đẹp đẽ

Theo quan sát, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc hiện nay tọa lạc ở nơi địa thế cao ráo, cây cối quanh năm tươi tốt. Hành hương qua những bậc thềm lát gạch đỏ đã rêu phong do nhuốm màu thời gian, du khách sẽ được lên chùa chính. Chốn cửa thiền thanh tịnh với màu xanh ngút ngàn của cây cổ thủ, cây ăn trái, hoa cảnh và rau màu khiến bạn thấy tâm hồn thanh thản, bình yên. 

Gần 1.000 năm qua, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, và nay trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh của nhân dân và phật tử xa gần. 

Ngôi chùa tọa lạc trên vùng đất cao, địa thế phong thủy đẹp
Ngôi chùa tọa lạc trên vùng đất cao, địa thế phong thủy đẹp 

Trải qua thăng trầm của nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn đó cùng với những cổ vật quý giá còn sót lại đã trở thành tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu.

Hiện nay, bên cạnh tấm bia cổ có thêm tấm bia mới, nội dung văn bia mới chính là nội dung tấm bia cổ được dịch ra chữ quốc ngữ để tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu. Năm 2007, văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, mãi là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên.

Đọc thêm