Chiến dịch cứu vãn hình ảnh của Singapore sau nỗi nhục mang tên “Mobile Air”

(PLO) - Vụ việc một du khách người Việt bị cửa hàng bán điện thoại Mobile Air ở khu chợ điện tử Sim Lim ở Singapore chèn ép, lừa đảo bán hàng nhằm chiếm đoạt tiền một cách trắng trợn đã làm dấy lên làn sóng giận dữ ngay tại nước này. Bên cạnh việc gây sức ép khiến cửa hàng lừa đảo phải đóng cửa, tính đến ngày 5/11/2014, dân mạng Singapore cũng đã quyên góp được hơn 4.000 USD để giúp người bị nạn.
Anh Thoại và bạn gái.
Anh Thoại và bạn gái.
Vụ việc cụ thể xảy ra ngày 4/11/2014, dư luận Singapore dậy sóng sau khi đoạn video ghi lại cảnh một du khách người Việt quỳ gối khóc lóc van xin nhân viên bán hàng tại khu chợ điện tử Sim Lim trả lại tiền mà họ đã lừa đảo để chiếm đoạt của anh trước đó. 
Người dân Singapore nổi giận vì bị làm xấu hình ảnh
Vụ việc của anh Thoại ngay sau khi được công bố đã khiến người dân tại đảo quốc Sư tử bức xúc. Một người dân Singapore tên Gabriel Kang đã lên tiếng chỉ trích hành vi của cửa hàng Mobile Air: “Chúng ta không phải là đất nước của những tên trộm cắp và lừa đảo! Hành động lừa lọc đó không được phép tồn tại ở đây. Nó cần phải được xóa bỏ!”. 
Cũng ngay trong ngày 4/11, ông Kang đã đề xuất quyên góp tiền để giúp anh Thoại mua một chiếc iPhone 6 mới. Tờ Straits Times đưa tin: Đến 17h ngày 5/11, số tiền quyên góp được mới chỉ là 243 SGD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 giờ sau đó, số tiền này đã tăng lên thành 2.744 SGD và đến tối cùng ngày, tổng số tiền quyên góp đã lên đến hơn 5.000 SGD (hơn 4.000 USD). Số tiền này vượt xa kỳ vọng để mua một chiếc điện thoại mới mà ông Kang đề ra ban đầu.
Ngoài ra, nhiều người Singapore khác cũng đã đề nghị giúp đỡ anh Thoại. Straits Times cho biết, ít nhất 10 người đã viết thư cho tờ báo này, bày tỏ mong muốn giúp đỡ nạn nhân. Một trong những người này cho biết ông muốn cứu vãn danh tiếng của Singapore. Những người khác muốn giúp đỡ vì thấy anh đã phải làm việc vất vả và cảm động trước việc anh đã dám dành ra hơn 4 tháng lương để mua đồ tặng cho người bạn gái mà mình yêu thương. Một công ty công nghệ của Singapore cũng đã đề nghị tặng anh Thoại chiếc điện thoại iPhone 6.
Ngoài việc ủng hộ anh Thoại, dư luận Singapore cũng bày tỏ thái độ căm phẫn đối với chủ sở hữu Mobile Air Jover Chew. Những cư dân mạng Singapore đã bày tỏ sự giận dữ cao độ, đồng loạt kêu gọi tẩy chay cửa hàng Mobile Air nói riêng và những cơ sở kinh doanh khác của Chew.
Theo trang facebook SMRT Ltd (Feedback), ngày 5/11, Mobile Air đã phải đóng cửa tạm thời trước sức ép từ dư luận. Thông tin này đã nhận được 4.680 lượt thích. Cũng theo trang này, Chew có liên quan đến hành vi cá cược và cho vay nặng lãi. Cùng ngày, vợ Chew cho biết chồng cô ta đã không có mặt ở nhà trong nhiều ngày và không biết anh ta đang ở đâu. Cô ta cũng tuyên bố sẽ báo cảnh sát về việc trang SMRT Ltd (Feedback) công khai thông tin cá nhân của chồng mình. Mặc dù vậy nhưng những người điều hành trang trên vẫn tuyên bố sẽ không từ bỏ việc mình đang làm để gây sức ép lên Chew và cửa hàng của ông ta.
Vụ việc chấn động
Theo những hình ảnh mà camera ghi lại, ngày 3/11/2014, anh Phạm Văn Thoại, 28 tuổi, người Việt Nam đến khu chợ điện tử Sim Lim và vào cửa hàng Mobile Air mà không biết rằng cửa hàng đồ điện tử này có tên trong “danh sách đen” của Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (CASE) vì những hành vi bán hàng bất chính.
Tại cửa hàng trên, anh Thoại đồng ý trả 950 SGD (đô la Singapore) (số tiền này tương đương gần 15,6 triệu VNĐ) để mua 1 chiếc iPhone 6 làm quà sinh nhật cho bạn gái. Người bán hàng sau đó yêu cầu anh phải ký một bản thỏa thuận. Do kém về tiếng Anh, lại thêm nghĩ Singapore là một nơi an toàn để mua sắm nên anh Thoại không xem kỹ nội dung thỏa thuận mà đã đặt bút ký. 
“Họ hỏi tôi muốn bảo hành 1 năm hay 2 năm? Tôi nghĩ rằng bảo hành 1 năm là miễn phí nên nói 1 năm. Người bán hàng không nói với tôi rằng tôi phải trả khoản tiền đó”, nạn nhân về sau kể lại. 
Việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Anh Thoại rút 950 SGD ra trả cho người bán hàng. Tuy nhiên, khi anh chuẩn bị rời đi thì bị yêu cầu trả thêm... 1.500 SGD (gần 25 triệu đồng) chi phí bảo hành. Theo người bán hàng, nếu anh Thoại không trả thêm khoản tiền này, anh sẽ mất cả 950 SGD mà không được giao chiếc điện thoại. 
Sau một hồi giải thích không thành, anh Thoại đã rơi nước mắt vì quá uất ức, thậm chí đã quỳ gối xuống để cầu xin người bán hàng cho anh hủy bỏ giao dịch này và trả tiền cho anh. Nhưng đáp lại anh là gì? Là những tiếng cười cợt của kẻ bán hàng bất lương. 
“Tôi là một công nhân, kiếm được khoản tiền tương tương khoảng 200 SGD mỗi tháng. Số tiền 950 SGD là một số tiền lớn, bằng vài tháng lương của tôi”, anh Thoại cho hay.
Cuối cùng, người bán hàng đồng ý trả lại cho anh Thoại 600 SGD. Song, bạn gái của anh Thoại kiên quyết không rời cửa hàng nếu không nhận lại được toàn bộ số tiền. Cô gái quyết định báo cảnh sát. Khi cảnh sát đến nơi, nhân viên Mobile Air cho biết anh Thoại đã ký thỏa thuận với họ nên đề nghị trả lại cho anh chỉ 70 SGD. 
Nhờ sự can thiệp khẩn cấp của CASE, anh Thoại nhận lại được 400 SGD nhưng vẫn mất 550 SGD. “Theo lịch trình, 2 ngày sau tôi sẽ về nhà nên không muốn có thêm rắc rối và đã quyết định nhận một phần tiền bồi hoàn”, nạn nhân kể lại. 
Cửa hàng đầy tai tiếng
Thực ra, trước khi xảy ra vụ việc của anh Thoại, Mobile Air vẫn đang bị CASE điều tra về cáo buộc vi phạm Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng, mà cụ thể là cáo buộc kinh doanh không đúng mực khi ép khách hàng mua điện thoại iPhone 6 và iPhone 6 Plus phải trả thêm một khoản tiền bảo hiểm lớn cho chiếc điện thoại, giống như vụ việc của anh Thoại. 
Việc điều tra diễn ra sau khi Hiệp hội nhận được đến 25 đơn khiếu nại về cửa hàng này trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Trong số đó, một nữ sinh viên giấu tên đến từ Ấn Độ cũng cho biết hôm 9/10 vừa qua, cô vào Mobile Air và đồng ý trả 999 SGD cho chiếc điện thoại iPhone. Người bán hàng nói rằng chi phí bảo hành mất 39,90 SGD - mức giá mà nữ sinh viên cho là hợp lý. Nhưng, đến khi thanh toán, cô gái đã bị sốc khi biết mình bị trừ đến 1.000 SGD chỉ riêng phí bảo hành.
“Có một chữ “x” (phép nhân - PV) ở giữa 39,90 và 24 tháng mà người bán hàng đã cố tình dùng ngón tay chèn lên khi giục tôi ký giấy” - cô gái kể lại kinh nghiệm đau thương của mình.
Trước đó, cửa hàng này cũng đã khiến nhiều người kinh ngạc khi trả lại cho một phụ nữ 1.010 SGD tiền xu. Tờ New Paper cho biết, người phụ nữ họ Zhou đã phải báo cảnh sát khi những người bán hàng ném bao tải tiền xu nặng đến 18kg và yêu cầu bà phải đếm tiền ngay tại cửa hàng. 
Trước đó, người phụ nữ này mua một chiếc iPhone 6 Plus từ cửa hàng Mobile Air với giá 1.600 SGD và bị lừa ký vào hợp đồng mua phí bảo hành 2.400 SGD. Người phụ nữ sau đó đã đệ đơn lên tòa và được tòa này ra phán quyết buộc Mobile Air phải trả cho người phụ nữ 1.010 SGD và đã được cửa hành thanh toán theo cách thức trái khoáy như trên.

Đọc thêm