Chiều 30 Tết nhớ mùi thơm của những chiếc lá mùi già

(PLO) - Đêm 30 Tết, khi chiếc bánh chưng cuối cùng được vớt ra, khói bay nghi ngút khắp nhà là chị tôi bắt đầu nấu lá mùi cho cả nhà tắm gội...
Nhà toàn con gái, giáp Tết mẹ rảnh lắm, chỉ tay năm ngón cũng có 5 đứa làm việc vặt, chưa kể đám trai làng ngấp nghé đầu ngõ, chỉ chờ mẹ than "khổ cái thân tôi, đàn ông trong nhà đâu cả rồi" là xông vào để "ghi điểm". Người ta bảo "tứ nữ bất bần", mẹ tôi có những "ngũ long công chúa" cơ mà.

Đó là những năm tháng bình yên của mùa Tết thập kỷ 80, Hà Nội vẫn ngõ nhỏ, phố nhỏ, cây bàng lá đỏ nằm kề cây cơm nguội vàng. Tháng củ mật, rét cắt da cắt thịt, mảnh sân trước nhà mẹ dùng liếp để chắn gà vào vườn rau diếp, cẩn thận trồng thêm luống mùi. Vừa trồng mẹ vừa lẩm nhẩm "năm nay rét sớm, gần Tết mà nắng là hỏng hết rau, hết mùi của tôi, rồi mẹ con lại hôi hám cả năm". 

Chị cả ngồi nhặt đỗ bên hiên, "đế" theo "giờ có xà phòng thơm rồi, lo gì mẹ". "Cha bố nhà cô, xà phòng thơm một lúc, nước mưa vào chả hôi như cú". Chị thứ, chị ba cười rích rích còn cô em út bận đút cơm cho em búp bê, chẳng nói năng gì...

Nhà hồi ấy chẳng dư dả gì cho mấy, nhưng cả xã hội bấy giờ đều nghèo như nhau, Tết đến cha mẹ lo bạc tóc mới có nồi bánh chưng, cân giò, cân thịt. Chị em tôi thích ăn thịt gà được bà nội gửi từ quê ra, những con gà ri luộc lên vàng hươm, béo ngậy. 

Bố bảo đó là công bà cả năm nhặt thóc rụng nuôi gà còn bà ăn sắn, ăn ngô, ăn bo bo. Nhớ lại vẫn còn thương, người đàn ông tóc muối tiêu, nói đoạn, quay đi lấy gấu áo chấm nước mắt vừa chợt chảy tràn. Mẹ chép miệng "ra Giêng em nghỉ phép năm, vợ chồng con cái về ăn Tết lại với bà".

Chiều 30 Tết, chị cả chở tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất nữ của mẹ, chị thứ chở em tư trên chiếc xe Thống Nhất nam của bố, cô út khóc sủi bong bóng đứng đầu ngõ mếu máo dặn với theo "bóng bay". Ghi đông xe chị cả có một túi dết to, tôi ôm trong lòng một hộp đựng đường hoa mai, cô tư ôm một chục trứng gà. Bốn chị em rẽ vào ngõ chợ Khâm Thiên, chờ tới lượt làm bánh bích quy. 

Hồi ấy, lò bánh bích quy ở ngõ chợ Khâm Thiên nổi tiếng lắm, mỗi năm tới vụ Tết là nổi lửa ngày đêm. Mọi người mang tới bột mì, đường, trứng và chủ lò nhận "hiện vật" và trả lại là những chiếc bánh quy hình con cá, hình đồng xu, nóng giòn, thơm phưng phức. Đôi lúc, nhóm thợ cả nhìn các chị tôi xúng xính áo hoa, má đỏ hồng vì nhuốm hơi than, làm cháy cả mẻ, ông chủ lò đổ bánh hỏng ra chiếc mẹt con con, bọn trẻ con thi nhau vào nhón ăn. Tôi đã ăn trăm ngàn món ngon trên trái đất này nhưng vị của chiếc bánh quy hồi ấy, luôn là ngon nhất...

Làm bánh xong, bốn chị em đi chợ Tết, đứa ngồi sau ôm túi bánh trong lòng như ôm bảo vật. Tiền đi chợ Tết là tiền chị em tôi được mừng tuổi từ năm ngoái và tiền thưởng học sinh giỏi bố "treo" từ đầu năm học, chúng tôi đút cả vào ống tre, treo trên xà nhà. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác thích thú, hồi hộp khi chẻ ống tiền tiết kiệm, xếp phẳng từng đồng bạc quăn queo, nắm chặt trong tay và tung tăng, kiêu hãnh đi vào chợ Tết.
Vào chợ, đi qua gian hàng nào bốn chị em cũng ngó xem, mắt mũi sáng rực. Chị cả mua cho mỗi chị em một chiếc kẹo kéo rồi dung dăng dung dẻ đi chơi chợ. Cuối buổi, chị mua một bó violet, mấy bông thược dược, mấy bông đồng tiền, mấy bông lay ơn. Chợ chiều cuối năm hun hút gió, những gánh hàng hoa bao giờ cũng kèm theo bán những mớ mùi già, hoa xấu xí, li ti nhưng thơm nức.
Chị cả lén mua một bó mùi già to vì luống mùi của mẹ năm ấy bị "đẹn", không ra được hoa, cứ non mơn mởn cho tới ngày áp Tết. Mẹ buồn bực lắm, có vẻ như sợ năm nay cả 6 mẹ con "hôi như cú" vào ngày đầu năm thật...

...Bốn chị em về tới nhà lúc thành phố đã lên đèn, bố đang lúi húi bên nồi bánh chưng đỏ lửa cùng mấy bác hàng xóm. Mẹ đang gói giò xào, miệng hát mấy câu chèo quen thuộc "Thắm với phai nào ai có biết, Cái ngãi đá vàng ta quyết yêu nhau". Chị cả rửa đám bùn đất bám trong rễ mùi, bố bắt đầu vớt bánh ra khỏi nồi, chiếc xoong quân dụng được dùng để nấu nước tắm. Chị thả bó mùi già và mớ mùi của vườn nhà vào xoong, một thoáng, hương mùi già lan tỏa khắp gian nhà nhỏ. 

Mẹ khoan khoái hít hà mùi hương quen thuộc, giục chị thứ tắm cho em út, chị cả dành nước cho bố tắm gội trước khi thắp hương giao thừa, kiểm tra bánh chưng xem đã đủ độ rền chưa. Ngoài ngõ, mấy cậu trai "trồng cây si" hai chị tôi cũng đã chịu về sau khi giúp bố chẻ thêm củi phòng năm mới mẹ cần ninh thêm măng, luộc thêm gà. Con ngõ nhỏ vắng thênh thang chỉ còn hơi xuân nồng nàn quấn lấy hương lá mùi già ấm áp...

 
Và mùi hương ấm áp ấy là ký ức không quên, ở bên chị em chúng tôi mãi, cho đến những cái Tết của hàng chục năm sau, cả khi bố tôi đã không còn nữa. Nhiều năm về sau, khi bố mất, mẹ vẫn có thói quen để trên mâm cơm cúng giao thừa một bát nước mùi già, màu nước xanh xanh thanh khiết với những bông mùi trắng, li ti nổi trên mặt nước, ấp iu, dịu dàng như tình yêu của mẹ dành cho bố...

Đọc thêm