Chẳng có sai người hay sai thời điểm, chẳng có ai cấm cản, thời thế đổi thay lòng người thay đổi, chỉ có tử biệt mà thôi. Đi với nhau mấy mươi năm cuộc đời vui có, buồn có, giận hờn có, cãi nhau có, lớn tiếng với nhau cũng không ít lần. Có với nhau bảy tám mặt con rồi, cũng đã lên chức ông bà nội ông bà ngoại cả rồi, tưởng chừng viên mãn nhưng người lại đột ngột ra đi để mái tóc bạc của bà phủ thêm một lớp khăn tang màu trắng.
Di ảnh của ông mới vừa làm lại vào ngày ông mất, nhang khói vẫn còn nghi ngút, kinh kệ vẫn tụng liên hồi trong cái máy phát nhỏ. Bà cặm cụi đi ra đi vào làm việc này việc kia, đi qua bàn thờ ông vài chục lần mỗi ngày nhưng lại không thèm ngó ngàng đến ông. Bà giận rồi, giận ông bỏ bà đi trước, giận ông không giữ lời hứa năm xưa. Mà ông có hứa gì với bà không nhỉ? Thời gian cũng bào mòn trí nhớ của bà rồi nhưng lại vun đắp thêm tình cảm của bà dành cho ông. Nói thế thôi chứ bà không dám nhìn bàn thờ của ông vì bà sợ, sợ cầm lòng không được, sợ nỗi nhớ ông trào ra khoé mắt. Bà quen có ông rồi, vắng ông nỗi cô đơn trở nên tột cùng, quạnh quẽ, cô liêu và đau đớn.
Cũng từ ngày ông mất, bà chỉ quanh quẩn trong nhà hay đi xa lắm là gốc vườn, bà cũng sợ tiếp khách hay trò chuyện với con cái, bởi gặp ai, nói gì, nhìn đâu bà cũng nhớ ông. Nhớ cái dáng ông đứng, cái chỗ ông ngồi, ly ông uống trà, chén ông ăn cơm, món ăn ông thích ăn, nhớ cả cái tính xấu nói hoài chẳng bỏ của ông, nhớ những lần bà cằn nhằn ông, cả những trận cãi nhau cũng khiến bà nhớ. Mà nhớ là nước mắt trào ra không cầm lại được. Thấy bà thui thủi vào ra, con cháu về thăm thường hơn. Mà như thế bà lại càng nhớ ông hơn. Bà nhìn thấy mẹ lại nhớ cách ông chìu cưng mẹ, nhìn thấy cậu lại nhớ ánh mặt ông qua mắt cậu, bà nhìn chúng tôi lại bật khóc vì nhớ thương ông. Nỗi nhớ của bà da diết và sâu thăm thẳm, bởi đó là nỗi nhớ của mấy mươi năm cuộc đời, của thanh xuân, cả thời trưởng thành, cả lúc xế chiều thì làm sao mà nông cho được.
Rồi bà sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường thôi, mà cuộc sống bình thường ấy nay đã khác xưa rất nhiều rồi, đã không còn có ông nữa rồi. Bà sẽ nguôi ngoai nỗi nhớ ông theo năm tháng, theo sự trượt dài của sự mờ phai ký ức. Một ngày nào đó bà sẽ quên ông, quên cả con cháu hay quên luôn bản thân mình. Một ngày nào đó ông sẽ đến đón bà, ông và bà sẽ lại bên cạnh nhau ở một thế giới nào đó. Một ngày nào đó rất xa xôi cũng có thể rất gần.
Ở đời, có thương ai được thì cứ thương đi |
Hôm nay tôi thấy bà lau mộ phần cho ông. Hai chữ chiến sĩ đứng trước tên ông làm mắt tôi nhoè đi. Ông từng là một chiến sĩ, bà từng nuôi bộ đội, mẹ từng chạy giặc, chạy bom, hình như dì tôi vẫn còn một mảnh đạn trên vai chưa lấy ra hết... Tính ra nhà ngoại cũng oanh liệt lắm chứ, thật tự hào và ngưỡng mộ. Tôi nhìn bà chăm chú lau mộ cho ông mà như nghe thấy tiếng thì thầm nhớ thương, buồn tủi. Tôi tự hỏi, hồi chiến tranh, nếu ông mất thì nỗi nhớ nhung này, cô đơn này, đau đớn này có giảm bớt phần nào không? Nếu mà thời gian ở bên nhau ngắn hơn thì có vơi đi những hụt hẫng của hiện tại hay không? Mà tôi hỏi gì ác nghiệt vậy? Vậy chẳng khác nào bà tôi goá bụa ở tuổi thanh xuân, mẹ tôi, dì tôi, cậu tôi mồ côi ở tuổi thiếu thời, tôi đã chẳng có tuổi thơ ngọt ngào bên ông. Lúc ấy, không chỉ dừng lại ở đau thương mà còn là khổ cực, là bất hạnh là thiệt thòi. Chị họ của tôi cũng goá bụa ở tuổi thanh xuân, cháu tôi cũng mồ côi cha từ nhỏ. Mà cha nó sắp về dẫn chị tôi đi rồi. Nó sắp thành đứa trẻ mồ côi mồ cút rồi. Tôi nên dùng từ gì cho nó đây, bất hạnh hay đáng thương? Tự dưng nước mắt lại chảy dài theo sự xót xa vô bờ.
Ai còn người thương bên cạnh thì thương cho trọn, còn cha còn mẹ thì tranh thủ hiếu kính và tận hưởng. Đời này đâu có ai ngờ trước được chuyện gì. Mợ tôi bất ngờ goá chồng sau một giấc ngủ sâu. Sáng đó, mợ tôi gọi mãi mà cậu chẳng dậy nữa, chạm vào thì người cũng đã lạnh rồi. Đâu ai biết cậu sẽ đi, cậu cũng không biết nên đâu có lời nào để lại cho vợ, cho con cái. Đâu ai ở bên cạnh cậu phút giây cuối cùng. Không biết giây phút đó cậu có đau không, có muốn nhìn thấy ai đó làn cuối hay nói lại lời nào không? Cậu ra đi có nhẹ nhàng không chứ với những người ở lại là bão tố, mưa giông, là đớn đau cùng cực. Tôi chỉ là cháu họ thôi mà khi nghe tin cậu mất, đầu óc đã quay cuồng, choáng váng, chân tay run lẩy bẩy. Vậy giây phút mợ phát hiện ra cậu đi rồi thì sao? Bầu trời sụp xuống ư, mặt đất cũng sụp đổ theo, hay tim mợ cũng gần như ngừng lại? Tôi chẳng thể tưởng tượng ra được, chẳng thể nào tưởng tượng được. Tôi chỉ nghe kể lại rằng tiếng kêu lạc giọng của mợ xé nát tâm can người nghe
Cuộc đời này có rất nhiều sự hối tiếc to lớn như thế, có những sự đột ngột vô chừng như thế. Hay là khi còn cơ hội ta cứ ôm người ta thương một cái, biết đâu đó là cái ôm cuối cùng. Nếu còn cơ hội ngắm nhìn ai đó, nói lời yêu thương ai đó thì làm đi, lỡ như ngày sau không gặp lại ta cũng không hối tiếc, không phải thốt lên hai chữ giá như.
Chiều nay ngoại gội đầu bên bờ ao, mái tóc pha sương vẫn dài mượt. Tôi nhìn tóc bà rồi đưa mắt ngước lên nhìn mây trời tự hỏi: “Ông có đang ngắm nhìn bà không?”. Tôi lại tưởng tượng ra trong ánh chiều hôm, ông đang lau tóc cho bà, tình như đôi trẻ vừa mới cưới. Tôi thấy nụ cười của bà rạng rỡ và đầy e lệ.
Nhớ ai mái tóc pha sương
Thương ai mái tóc vấn vương một đời.
Chiều nay tóc trắng lưng trời,
Nhớ người bên gối từng lời sắc son.