Sau này, Ngọn đèn đứng gác cũng là tuyệt bút ông sáng tác khi thanh niên cả nước đang trẩy quân vào chiến trường giải phóng miền Nam và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, càng có sức lay động lớn trong tâm hồn mỗi người...Ngày ấy, ít ai biết bài thơ Ngày về được ông sáng tác năm 1947 và nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc ngay sau đó, là tiếng lòng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô anh dũng.
1. Năm 2006, kỷ niệm 60 năm Toàn quốc kháng chiến, lần đầu tiên, tôi được nghe các cựu chiến binh - những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa, huân huy chương lấp lánh trên ngực ca vang bài hát Ngày về tại Nhà văn hóa Thông tin thành phố. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác hứng khởi hát cùng đồng đội. Âm hưởng vừa hào hùng vừa bi tráng của bài hát cuốn tôi vào không khí hào sảng của các chiến sĩ đã từng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Thật tiếc là nhà thơ Chính Hữu, tác giả của bài thơ Ngày về lúc đó đang phải chiến đấu níu giữ lại cuộc sống trên giường bệnh.
Khi tôi tìm đến ông để viết bài thì ông đã về cõi vĩnh hằng mùa đông năm 2007, để lại bao tiếc thương cho đồng đội và để lại cho đời những bài thơ rất hàm súc, kiệm lời mà lấp lánh mãi trong lòng độc giả yêu thơ.
Nhà thơ Chính Hữu, tên thật là Trần Đình Đắc, quê gốc ở Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông chào đời ở Vinh năm 1926 và gắn bó với Hà Thành khi học trường Văn Lang ở phố Lý Quốc Sư. Đỗ Tú tài phần thứ nhất, ông tiếp tục học trường Luis Paxtơ, lấy bằng Tú tài toàn phần. Đó cũng là lúc ông được tuyên truyền và tham gia Dân chủ Đảng. Sau khi tốt nghiệp, theo lời khuyên của cha, ông vào Vinh, nơi cha ông làm việc, để tuyên truyền đường lối cách mạng của Việt Minh và tham gia khởi nghĩa. Sau đó, ông là Bí thư Thanh niên Cứu quốc thành phố Vinh.
Hình ảnh minh họa cho bài thơ "Đồng chí". |
Những ngày Hà Nội sôi sục chuẩn bị kháng chiến, ông được trở lại Hà thành, cùng anh em củng cố đại đội tự vệ Hàng Gai thuộc khu Đông Thành của Liên khu I. Nhưng rồi khả năng văn chương của chàng thư sinh đã lọt vào "tầm ngắm" của ông Hoàng Đức Nghi mà anh em ngày ấy gọi thân mật là Nghi “gù”, "duyệt" ngay ông vào Ban Tuyên truyền, làm tờ báo Chiến thắng của Liên khu I. Tờ báo chỉ nhỏ bằng tờ giấy A4 bây giờ, nhưng lại thật sự là người bạn của cán bộ chiến sĩ, nó thôi thúc các chiến sĩ gìn giữ, giành lại từng ngôi nhà, góc phố...
Những ai đã quyết tử với quân thù cho đến ngày 17/2/1947 sẽ không bao giờ quên, trong đội hình lui quân, tiểu đoàn 103 đi sau cùng có nhiệm vụ đốt lửa để nghi binh quân địch. Ký ức ấy sống dậy trong ông những ngày Trung đoàn Thủ đô đóng quân ở Đại Từ: "Nhớ biết bao những mái nhà hoang/ Bức tường đổ điêu tàn ta từng trấn giữ/ Đêm ta ra đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm".
Đó là thơ kết tinh những lời gan ruột của người cán bộ đại đội Trung đoàn Thủ đô đã trải qua 60 ngày chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, để có những câu bi hùng rung động hồn người đến thế!
Bài thơ đã đi vào trái tim những người con Hà Nội đang xa nhà, xa phố phường thân yêu. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã từng là chiến sĩ của đại đội Hàng Gai kể: “Ra hậu phương, tôi mới gặp anh Chính Hữu. Anh ấy sáng tác bài thơ khi Trung đoàn Thủ đô đang ở Đại Từ (Thái Nguyên). Đói, rét, thiếu thốn từ bát cơm, manh áo.
Bài thơ gợi lại trong chúng tôi những ngày máu lửa oanh liệt trên từng đường phố thân yêu, giúp chúng tôi khuây quên thiếu thốn. Giữa năm 1947, tôi phổ nhạc và sau đó, tôi thường vừa đàn ac-cooc-đê-ông vừa hát. Đôi khi, tôi song ca với ca sĩ Trần Chất trong những dịp tổ chức văn hóa - văn nghệ của Trung đoàn”.
2. Năm 1948, độc giả biết đến Chính Hữu với bài thơ Đồng chí, và cho đến nay, vẫn là một trong số những bài thơ hay nhất viết về người lính thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Một lần nữa, ông đã cho thấm vào tác phẩm cái hồn của phố phường Hà Nội để có những câu thơ xuất thần "Mái buồn nghe sấu rụng".
Đó là thời gian các văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ cho chủ trương “Chuẩn bị Tổng phản công, tiến về giải phóng Thủ đô”: Nguyễn Đình Thi có bài thơ Hà Nội đêm nay, Văn Cao có bài hát Tiến về Hà Nội. Nhưng ông đã tạo được nét thơ riêng của mình với cảm xúc dồn nén mà vẫn đẹp trong hình tượng thơ. Sau này, ông tâm sự với bạn đọc: "Tôi thích những câu thơ hàm súc, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những ý tưởng... Tôi tự xác định mình chỉ nên là một người làm thơ nghiệp dư, để có thể chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết!".
Những năm chống Mỹ, Chính Hữu lại xuất thần với chùm thơ, trong đó nổi bật là bài thơ Ngọn đèn đứng gác, in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc. Hồn thơ của ông vẫn chung thủy với mạch nguồn kỷ niệm về đồng chí, đồng đội Trung đoàn Thủ đô.
Trò chuyện với tôi trong buổi chiều đông cuối năm, bà Nguyễn Thị Xuân Lịch, vợ nhà thơ cho biết: "Cuốn nhật ký của Chính Hữu đã giúp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tìm hiểu thực tế chiến đấu của Trung đoàn với những cán bộ có tài như Vũ Yên, Vũ Lăng, Siêu Hải, Hoàng Phương và xây dựng nhân vật Loan trong tác phẩm Sống mãi với Thủ đô. Với việc sáng tác thơ, ông không bao giờ vội vàng công bố mà thường chỉnh sửa rất lâu cho hoàn thiện, khi nào thật vừa ý mới cho đăng".
Ông về cõi vĩnh hằng với tâm thế thanh thản của người đã dâng hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và thống nhất đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt hai), năm 2000 cho tác phẩm Đầu súng trăng treo, Huân chương Độc lập hạng Nhì của Đảng và Nhà nước trao tặng là phần thưởng cao quý cho nhà thơ. Một phần thưởng vô giá nữa là độc giả không bao giờ quên thơ ông. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, mọi người lại đọc và hát “Ngày về”, đầy hào sảng, để nhớ về những tháng ngày chiến đấu trong lòng thành phố anh hùng.
Trong làng thơ Việt Nam, Chính Hữu là một trường hợp đáng để nhiều người mơ ước. Tuy viết ít nhưng thời kỳ nào, ông cũng có những bài thơ rất hay, mang đậm hơi thở thời đại. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông chỉ công bố 3 tập thơ với khoảng gần 50 bài nhưng đã ghi dấu vào thi đàn Việt Nam như một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng nhận xét: Chính Hữu là “nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm”. Sắc xanh áo lính đã gắn bó với Chính Hữu trong suốt con đường thơ của ông và nói đến thơ ông là nói đến những trang thơ về người lính.
Nói về thơ mình, nói về nghề, Chính Hữu từng tâm sự: "Thơ phải ngắn ở câu chữ, nhưng phải dài ở sự ngân vang". Và sự "xuất hiện" của con người thi nhân ở ông cũng lặng lẽ, khiêm nhường, bởi tính từ khi bài thơ “Ðồng chí” nổi tiếng đầu tiên ra đời (năm 1948), đến tập thơ cuối cùng “Tuyển tập Chính Hữu” (NXB Văn học 1998) xuất bản, tất cả chỉ có ba tập thơ với khoảng hơn 50 bài được công bố. Nhưng "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", sự nghiệp sáng tác của Chính Hữu đã chứng minh điều đó, khi tên tuổi ông trở thành không thể thiếu trong đội ngũ nhà văn - chiến sĩ với một phong cách riêng, không trộn lẫn.