Họp từng là vấn nạn của chính quyền Xô-viết vào những năm 30 của thế kỷ trước. Nhà thơ Mai-a-cốp-xki đã có bài thơ “Những người loạn họp” để phê phán tình trạng này. Kỳ lạ thay, gần một thế kỷ trôi qua bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xô-viết nổi tiếng vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Hiện tại, chúng ta họp nhiều đến nỗi phải lạm phát cấp phó thì mới có người đi họp. Trong cơ quan, việc bé tý có quy định rõ ràng rồi mà vẫn họp để bàn cách giải quyết. Thậm chí, có những cuộc họp đột xuất chẳng có nội dung gì nhưng được tiến hành nhằm để trị những người hay “trốn” họp.
Còn lợi dụng danh nghĩa họp để đi chơi thì phổ biến đến mức ai cũng biết. Tất cả các khu du lịch, danh thắng, nghỉ mát,... đều xây dựng những hội trường sang trọng, tiện nghi dành cho hội nghị. Cuộc du hý của các cán bộ nhà nước sẽ được thanh toán đầy đủ tiền đi lại, lưu trú, công tác phí,... Vì thế nên chăng đây là một lý do để người ta “sống chết phải vào biên chế”, kể cả việc “chạy” tiền, phải bỏ ra một khoản “đầu tư” khổng lồ so với đồng lương bèo bọt?
Họp trở nên một đặc quyền, đặc lợi của giới công chức. Không phải họp nhưng tổ chức các cuộc đi “học tập kinh nghiệm” ở địa phương bạn thực chất cũng là một chuyến đi chơi, chủ và khách đều có lý do chính đáng để thù tiếp nhau, khoản chi đó đổ vào đầu ngân sách. Đó là chưa kể đến các cuộc xuất ngoại đi “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài tốn rất nhiều tiền thuế của dân. Người đi học tập kinh nghiệm thực hành một chuyến tham quan miễn phí, đã thế lúc trở về còn có thêm… khoản tiền đút túi.
Các đợt tập huấn cũng vậy, toàn chọn những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng, trên núi “sơn thủy hữu tình” hoặc bờ biển dập dìu du khách, thuận tiện cho việc “đổi gió” và thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương. Họp lắm, giao lưu nhiều đến nỗi các nhà hàng ở một địa phương nọ phải “treo biển” đòi nợ các cơ quan công quyền vì “cắm quán” mãi của họ mà không trả tiền. Thật là đẹp mặt!
Cái thói ứng xử với ngân sách nhà nước như vậy đã bị Chính phủ “bắt bài”. Rõ ràng, Chính phủ kiến tạo thì không được để điều đó xảy ra, thế nhưng, chấm dứt được tình trạng này lệ thuộc rất nhiều vào các thủ trưởng bên dưới. Hẳn phải có lòng tự trọng rất cao thì họ mới từ bỏ được thói quen “họp mà chơi, chơi mà họp” này!