UBND TP Đà Nẵng đã sai khi phê duyệt dự án hai nhà máy thép bởi cụm công nghiệp nơi đặt hai nhà máy thép này “không có ngành nghề luyện thép”. Quy định rõ ràng như vậy mà nhà chức trách TP vẫn ký cho phép nghĩa là “con voi thép chui lọt qua lỗ kim” của công tác quản lý. Tiếp tục, cơ quan chức năng TP còn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà máy này tăng công suất, tăng vốn, tăng quy mô diện tích đất trước khi TP phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Về phía doanh nghiệp, sai nhiều thứ, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường trong xử lý rác thải và các biện pháp bảo vệ môi trường bắt buộc khác. Ngoài ra, họ còn sản xuất vượt công suất cho phép, thay đổi hệ thống lò luyện, không đúng với những gì được phê duyệt.
Hệ lụy của những cái sai đó, người dân ở đây phải chịu đựng đã hơn 10 năm, họ phải sống với không khí khói bụi, môi trường độc hại, nguồn nước ô nhiễm, một số gia đình không chịu nổi đã phải bỏ đi nơi khác. Dân đã kêu nhiều lần. Chính quyền đối thoại với dân cũng có nhưng chẳng có phương án giải quyết gì cả.
Đến bây giờ, khi đã có kết luận thanh tra thì số phận người dân ở đây vẫn đặt ngoài cuộc. Chính quyền sai, doanh nghiệp sai thì kiến nghị xử lý nhưng cái sai đó gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng đối với người dân thì không đến xem xét đến. Không ai chịu trách nhiệm với cuộc sống khốn khổ suốt 10 năm của các hộ dân, cũng không ai nghĩ đến họ sẽ tiếp tục sống ra sao.
Đây là một vụ việc khá điển hình trong các vụ chính quyền “bắt tay” với doanh nghiệp, bao che và dung túng cho họ làm liều, còn “thả nổi” cuộc sống của những người dân do bị mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai và buộc phải sống chung với ô nhiễm, bệnh tật. Ngay cả khi mọi cái sai đã có địa chỉ, người sai đã bị xử lý thì người dân vẫn phải chịu hậu quả cái sai đó. Một bất công xã hội nhìn thấy một cách rất rõ ràng, có lý gì mà còn để nó tồn tại?