Chính quyền tỉnh Khánh Hòa bội tín doanh nghiệp?

(PLO) - Năm 2018 đã sắp kết thúc nhưng bầu không khí đầu tư kinh doanh ở tỉnh Khánh Hòa lại trở nên căng thẳng khi chính quyền tỉnh gần như đóng băng với mọi thủ tục đầu tư của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp điêu đứng

Những ngày này, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòn Tằm biển Nha Trang đứng ngồi không yên với những chỉ đạo gần đây của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc rà soát kiểm tra toàn bộ các dự án đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực du lịch.

Đó là công văn 12134 của UBND ngày 27/11/2018 của tỉnh gửi tới 7 Sở yêu cầu rà soát gắt gao tất cả các dự án đầu tư từng khâu một, từ tham mưu cho đến phê duyệt đầu tư, lập quy hoạch...

Công văn này yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh giám sát chặt việc chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng lại là dự án của tư nhân, có vốn ngoài ngân sách.

"Trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặh thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp.... thì Sở phải lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến", công văn nêu.

Đại diện công ty trên bày tỏ: "Trong đợt rà soát này, cái nào trật thì phải điều chỉnh nhưng khi điều chỉnh như vậy thì ảnh hưởng thủ tục tiếp theo của doanh nghiệp. Nhiều khi việc không chạy ngay được".

Ông ví dụ: "Đối với các dự án phải vay vốn, nếu nhà đầu tư chưa điều chỉnh xong được thì Ngân hàng làm sao dám giải ngân? Trong khi đó, cần điều chỉnh các dự án đầu tư thì các nhà đầu tư phải làm tờ trình, rồi chính quyền lại xem xét, suy nghĩ mới ký. Rất khổ cho doanh nghiệp".

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Tp Nha Trang còn bị chính quyền bội tín vì những lời hứa phê duyệt thủ tục đầu tư hay quyết toán hợp đồng BT.

Đơn cử như trường hợp các dự án phát triển du lịch tâm linh với khoảng 200 doanh nghiệp tham gia ở khu vực núi Cô Tiên. Trong đó, không ít doanh nghiệp đã có Quy hoạch 1/500 từ năm 2013 nhưng đến năm 2016, tỉnh lại đặt vấn đề sửa đổi lại Quy hoạch và cho triển khai Quy hoạch 1/2000. Được biết, dự thảo Quy hoạch này đã được hoàn thiện nhưng gần 2 năm qua, tỉnh vẫn treo và không phê duyệt.

Đại diện chủ đầu tư dự án Làng Biệt thự núi Cô Tiên than thở: "Với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc và công ty cũng chỉ trông chờ 1 dự án này. Tỉnh để kéo dài thủ tục phê duyệt quy hoạch quá lâu, gây khó cho doanh nghiệp".

Ông đề nghị, tỉnh cần đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch 1/2000 để khai thông hoạt động đầu tư tại đây. Ngay bây giờ, các dự án đã phê duyệt quy hoạch 1/500 phù hợp với ý tưởng của quy hoạch 1/2000 thì có thể xem xét cho triển khai một số bước để dự án sớm đi vào hoạt động.

Không bị vướng thủ tục phê duyệt quy hoạch thì dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền lại là gặp khó về quyết toán hợp đồng BT.

Theo 2 hợp đồng BT đã ký với tỉnh năm 2015-2016, công ty đã bỏ vốn nâng cấp mở rộng đường Mai Xuân Thưởng và xây dựng một công trình nhà ở phục vụ cho cán bộ. Đến nay, cả 2 công trình trên đã được nghiệm thu, đi vào hoạt động từ lâu nhưng tỉnh vẫn "nợ" việc quyết toán hợp đồng. Thậm chí, gần đây, tỉnh còn ra văn bản yêu cầu các Sở phải tính lại giá đất tại thời điểm này, tức thời điểm sau 2- 3 năm so với thời điểm ký hợp đồng, giao đất và công trình chưa thành hình.

Chia sẻ với PV, đại diện công ty rất bức xúc và cho rằng, tỉnh bóp chẹt doanh nghiệp, đơn phương đòi thay đổi hợp đồng, trong khi doanh nghiệp không vi phạm gì về đất đai hay các quy định pháp luật liên quan.

Xác nhận điều này, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Văn Chi cho hay: "Tôi cũng nhận được phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp. Họ nói từ đầu năm đến giờ, chính quyền tỉnh không ký gì, không thúc đẩy dự án đầu tư nào, gần như đóng sổ cả năm nay. Các doanh nghiệp rất bức xúc".

Nền thủ tục hành chính phải liên tục, kinh tế mới chạy

Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đóng băng nền hành chính phục vụ đầu tư kinh doanh trên là do va lậy bởi việc thanh tra các dự án BT của tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, nổi cộm nhất là vụ đổi 25.000m3 đất vàng với giá bèo để di chuyển trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa sang ngoại ô do tỉnh ký hợp đồng với Công ty Thanh Yến và dự án đổi 1.000 m2 cho dự án Trung tâm Điện ảnh và dịch vụ văn hóa Sao Việt.

Ông Phạm Văn Chi nhận định: "Sau thời gian giao thầu các dự án BT vô tội vạ, giờ tỉnh lại quay sang dừng hết cả chuyện điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn, chuyển nhượng dự án mà lại là dự án vốn ngoài quốc doanh. Đó là việc rất vô lý!"

"Doanh nghiệp cần vốn, cần tăng cổ đông, dự án có lãi thì địa phương cũng có lợi. Giờ cấm đoán như vậy, các dự án đông cứng hết", ông Chi nói.

Vị nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng: "Tỉnh đang gặp nhiều vấn đề trong các dự án BT. Nhưng không thể vì đó mà dừng tất cả thủ tục đầu tư ở tất cả các dự án khác được. Dự án nào sai thì dừng, dự án nào đúng phải cho làm. Nền hành chính là phải liên tục", ông Chi nhấn mạnh.

Ông nhấn mạnh: "Người đứng đầu tỉnh phải có sự quyết đoán sáng suốt, có trách nhiệm tạo mọi thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Có như vậy, kinh tế của tỉnh mới phát triển".

Trao đổi thêm về công văn chỉ đạo trên, ông Nguyễn Đức Minh, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng: Những yêu cầu của tỉnh Khánh Hòa là không phù hợp với thực tiễn. Luật giới hạn chỉ trong 3 ngày cho các thủ tục thay đổi điều chỉnh đăng ký kinh doanh... Nếu phải xin ý kiến, báo cáo UBND tỉnh mọi vấn đề này thì chắc chắn, sẽ vượt quá thời gian luật định.

"Chưa kể, việc chuyển nhượng sở hữu phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp là tự do, trừ một số trường hợp vô cùng hãn hữu. Tỉnh Khánh Hoà nại ra bất kỳ một lý do nào khác, mà luật không cho phép, để từ chối thay đổi đăng ký doanh nghiệp là một hành vi trái luật", ông Minh lưu ý.

Đọc thêm