Chờ bữa cơm hạnh phúc ngày Hoàng Sa “lặng sóng“

(PLO) - Vội lên đường ra Hoàng Sa khi tiệc thôi nôi của con gái mới bắt đầu, Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764 để lại đất liền bao phấp phỏng, nhớ thương cho mẹ và người vợ trẻ. 
Nỗi nhớ chồng của chị Thương (áo đỏ) vơi đi phần nào khi các đồng nghiệp thường xuyên đến động viên, hỏi thăm và chia sẻ.
Nỗi nhớ chồng của chị Thương (áo đỏ) vơi đi phần nào khi các đồng nghiệp thường xuyên đến động viên, hỏi thăm và chia sẻ.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thương (SN 1986, công tác tại Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, Đà Nẵng) vẫn nhớ như in ngày 2/5 khi đang liên hoan thôi nôi cho con gái thì chồng chị - anh Ngô Trọng Hiếu (SN 1980, Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764) nhận điện thoại từ đơn vị và vội vàng từ biệt mọi người ra khơi. 
“Anh chỉ kịp mang theo một tấm ảnh của mẹ con em và vài bộ quần áo đã sờn màu vì những tháng ngày lênh đênh trên sóng biển. Em không biết việc gì khiến anh lên đường gấp gáp vậy, đến tận khi xem ti vi, thấy con tàu Kiểm ngư 764 do anh lái đuổi tàu Trung Quốc đang áp sát giàn khoan đặt trái phép trên vùng biển nước mình. Không phải không lo lắng trước sự manh động của phía Trung Quốc nhưng em rất tự hào khi chồng em kịp có mặt nơi đầu sóng ngọn gió vào thời điểm Tổ quốc cần” - chị Thương cho biết.
Buổi hẹn hò đáng nhớ của anh lính biển
Chị Thương kể, từ khi anh đi, chị và gia đình không liên lạc  trực tiếp được với anh, chỉ dõi thông tin về anh và đồng đội qua báo chí, truyền hình và Hải trưởng. “Mới đây, khi xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam em thấy tàu do anh ấy lái là một trong những tàu tiền tiêu áp sát vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Dù không thấy được hình dáng anh nhưng em vẫn vững tin về anh ấy. Em mong anh ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của mình” - chị Thương giãi bày.
Chị Thương tâm sự, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chị về công tác tại Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, còn anh tốt nghiệp Học viện Hải quân, công tác tại Phú Quốc, sau đó chuyển về Vùng 3 Hải quân. Trong một lần giao lưu văn nghệ, từ cái nhìn đầu tiên, cô giáo trẻ và người lính có dáng dấp cương trực, rắn rỏi nhờ gió biển đã có cảm tình với nhau. Rồi họ hò hẹn… 
“Đến giờ, em vẫn nhớ mãi câu anh ấy nói khi hai đứa đi dạo với nhau: Anh sinh ra vốn đã là người của biển nên cuộc đời này anh sẽ mãi mãi cống hiến vì biển đảo quê hương” - Thương bồi hồi nhớ lại.
Câu nói đầy nghĩa khí của chàng Kiểm ngư khiến cô giáo trẻ sinh ra và lớn lên bên biển, gắn bó với biển thấy đồng cảm, cô chấp nhận lời cầu hôn của anh. Hai người nên duyên  vợ chồng vào năm 2013. “Sau khi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng em quyết định đặt biệt danh cho cháu là Thỏ Biển với ý nghĩa dù anh ấy có đi làm nhiệm vụ ở bất cứ đâu thì em và Thỏ Biển vẫn mãi ở bên anh” -  chị Thương thẹn thùng tiết lộ.
Vợ chồng chị Thương, anh Hiếu.
Vợ chồng chị Thương, anh Hiếu. 
Sau khi cưới hơn một năm, được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, đồng nghiệp, hai vợ chồng chị Thương đã mua được căn nhà nhỏ. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn yêu thương nhau, luôn đồng lòng, động viên nhau trong cuộc sống cũng như công việc. 
Nén tình riêng vì Hoàng Sa
Sau khi Cục Kiểm ngư được thành lập, anh Hiếu được chuyển sang làm Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764. “Từ đó gần như suốt ngày đêm anh ấy trực trên tàu. Dù cho trời mưa to đến mấy, sóng biển có lớn đến bao nhiêu, anh ấy và những Kiểm ngư viên khác vẫn ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, giữ vững ngư trường được giao phó - chị Thương nói - Từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 đến nay thì tàu thực sự là nhà của anh ấy. Em biết, khi nào Trung Quốc còn hiện diện trái phép ở vùng biển chủ quyền nước ta, khi ấy anh và đồng đội không thể rời tàu, rời biển”.
Nghe tin con trai lên tàu thẳng hướng Hoàng Sa làm nhiệm vụ, bà Lê Thị Thu Hà (mẹ anh Hiếu) vội bắt xe từ Thái Bình vào Đà Nẵng để chăm cháu. Bà Hà kể: “Hiếu là con thứ hai trong gia đình. Từ khi còn nhỏ, Hiếu đã rất thích màu xanh của sóng biển. Mỗi khi được ra biển chơi, nó lặn ngụp như một con rái cá. Rồi cơ duyên như không hẹn mà gặp, giờ nó lại thành Kiểm ngư viên. Con công tác xa, rất lâu mới được về thăm nhà, tôi nhớ con nhưng nén trong lòng, biết nó phục vụ vì dân, vì nước nên mỗi lần mẹ con điện thoại, tôi luôn kể chuyện vui về gia đình, động viên để con yên tâm công tác”.
Bà Hà kể, có hôm dọn cơm ra, mở truyền hình thấy thông tin tàu hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư 761 và 765, người trên tàu hải cảnh ném đá, chai lọ sang tàu Kiểm ngư 764 do anh Hiếu làm Thuyền trưởng, bà và con dâu không nuốt nổi cơm. 
“Thương con, thương đồng đội của con những ngày này chắc ăn không ngon, ngủ không yên vì sự khiêu khích của phía Trung Quốc. Thương con phải xa con gái nhỏ, phải hy sinh bữa cơm gia đình vì sự hiện diện trái phép của giàn khoan Trung Quốc, nhưng mẹ con tôi lại động viên nhau cứng rắn lên. Chúng tôi luôn xác định mình cũng như những người mẹ, người vợ của các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển thời điểm này phải là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc cho họ yên tâm bám biển, bảo vệ ngư dân, bảo vệ lãnh hải Tổ quốc. Tôi tin con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, khi trở về sẽ có bữa cơm đoàn tụ vô cùng hạnh phúc” - bà Hà nói.
Chuyện giữa người viết và bà Hà bỗng bị ngắt quãng bởi truyền hình đưa tin tàu Trung Quốc vừa hung hăng đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng. Bà Hà và con dâu cùng bé Thỏ Biển lặng người chăm chú dõi theo các hình ảnh trên màn hình tivi…
Chia tay, chị Thương trao cho chúng tôi tờ thư để ngỏ, nhờ chúng tôi nếu có dịp ra Hoàng Sa tác nghiệp thì chuyển đến anh Hiếu. Trên tờ thư ấy là những dòng chữ nắn nót chứa chan tình cảm của người vợ trẻ: “Em cùng con luôn tin tưởng và bên anh. Anh và các anh em trên tàu cứ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mãi yêu anh - Em Thương!”…

Đọc thêm