Chợ Trời vẫn tấp nập sau chỉ đạo “dẹp” của Chủ tịch Hà Nội

(PLO) - Chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng ở Thủ đô mà còn được cả đất Bắc biết đến bởi sự sầm uất, tấp nập và… thứ gì cũng có. Thế nhưng ít ai biết, đây là chợ tự phát, không được pháp luật cho phép và là nơi tiêu thụ một phần hàng hóa có nguồn gốc phi pháp.
Một cửa hàng bán phụ tùng ô tô cũ ở chợ Trời
Một cửa hàng bán phụ tùng ô tô cũ ở chợ Trời

Chính vì thế, mới đây, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo dẹp bỏ việc bán hàng cũ tại chợ này.Tuy nhiên, theo khảo sát của PLVN hôm giữa tuần, hoạt động tại đây vẫn tấp nập.

“Bách hóa tổng hợp”

Ông Nguyễn Văn Lâm, ở ngõ Thịnh Yên (chợ Trời) cho biết, từ sáng sớm, những hộ kinh doanh ở đây đã dựng bạt, bày đồ đạc ra giữa đường để kinh doanh. Đến tối muộn, hàng hóa này được chủ cửa hàng dọn vào nhà.

“Tối thì ô tô thoải mái đi lại; còn ban ngày xe máy đi cũng khó”, ông Lâm nói. Theo người dân này, chợ Trời hay còn gọi là chợ Giời, chợ Hòa Bình, được hình thành từ năm 1954. Ban đầu chợ nhỏ lẻ, chủ yếu ở khu phố Trần Cao Vân, Đỗ Ngọc Du; sau đó hoạt động chợ phát triển, chiếm ra các phố lân cận như Lê Gia Định, Nguyễn Công Trứ, Thịnh Yên.

Thắc mắc tại sao người dân ngang nhiên lấn chiếm xuống lòng đường bày bán hàng mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, ông Lâm cho biết, từ xưa đến nay vẫn vậy, như một sự mặc định nên không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ can thiệp việc lấn đường bán hàng; các hộ kinh doanh từ đời trước nối tiếp đời sau vẫn bày bán ra đường như vậy nên họ mặc định mình đúng, luật bất thành văn.

Theo khảo sát của PLVN chiều 24/2, chợ Trời nhộn nhịp khách, với hàng nghìn cửa hàng ngang nhiên bày bán. Chợ giống như một cửa hàng bách hóa tổng hợp quy mô lớn, chủ yếu bán hàng cũ về động cơ, máy móc, thiết bị. Không chỉ trong ki ốt, hàng hóa được bày bán tràn lan ở vỉa hè, lòng đường. Tại đây, có thể tìm mua từ những chiếc ốc vít, kim khâu cho đến phụ tùng ô tô, xe máy giá trị cả chục triệu đồng. 

Đáng chú ý nhất ở chợ Trời là khu phố bán phụ tùng xe ô tô. Khu này dài hàng trăm mét, hai bên đường là các cửa hàng bán phụ tùng ô tô nối tiếp nhau. Ở khu này hàng hóa không được bày bán ra giữa đường, nhưng tràn ra vỉa hè thì phổ biến.

Theo quan sát, đặc điểm chung của những cửa hàng này là khá chật chội, mặt tiền nhỏ hẹp. Tuy nhiên, những cửa hàng này thường sâu vào bên trong. Phía bên ngoài cửa hàng bày bán đủ các loại phụ tùng ô tô; chủ yếu là những đồ cũ đã hư hỏng khá nặng.

Phóng viên đóng vai khách hàng, vào một cửa hàng hỏi mua một gương  chiếu hậu loại “xịn” của ô tô Toyota. Chủ cửa hàng tỏ ý dè chừng, rồi từ chối không có bán. Ra ngoài đầu chợ, phóng viên lân la hỏi một anh xe ôm thì được biết, ở chợ Giời thứ gì liên quan đến phụ tùng ô tô đều có cả, từ “xịn” đến “nhái”. 

Theo anh xe ôm, thời gian qua ngành chức năng siết chặt quản lý, muốn mua được những mặt hàng như gương chiếu hậu ô tô “xịn” thì phải là khách quen, hoặc nhờ mối quen mua cho mới được. “Gương ô tô bị mất ở Hà Nội đều “chảy” về chợ này hết chứ đâu; nhưng phải quen mới mua được”, anh xe ôm tiết lộ.

Cũng theo người này, cửa hàng bán phụ tùng ô tô chỉ trưng những sản phẩm hết “đát”, hỏng ra bên ngoài để giới thiệu với khách hàng có hàng đó bán, còn những đồ “xịn” được cất giấu bên trong.

Có dấu hiệu hàng ăn cắp nhưng chưa bắt được

Trao đổi với PLVN, ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hàng hóa khu vực chợ Trời. Nếu phát hiện hàng giả, hàng không rõ xuất xứ sẽ cương quyết xử lí theo quy định.

Cũng theo ông Đức, thời gian sau Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường đã kết hợp cùng các đơn vị chức năng nhiều lần kiểm tra các ki ốt bán hàng ở chợ Trời, thu giữ hàng ngàn sản phẩm đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc, xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng. 

Cụ thể, Chi cục đã giao nhiệm vụ cho Đội Quản lý thị trường số 5 trực tiếp quản lý, siết chặt hàng hóa mua, bán tại chợ Trời. Ông Nguyễn Huy Cương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết, kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại chợ này là công việc, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Tuy nhiên, do chức năng hạn chế, lực lượng Quản lý thị trường cần kết hợp với các đơn vị khác, nhất là công an để cùng quản lý hàng hóa ở chợ này.

Liên quan đến việc nhiều phụ tùng ô tô như gương chiếu hậu, cần gạt nước, logo... ô tô bị đánh cắp rồi được mang tiêu thụ ở chợ này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết, qua điều tra, phát hiện có dấu hiệu hàng ăn cắp được tiêu thụ ở chợ Trời. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa bắt được vụ nào cụ thể. 

Theo Luật sư Trần Anh Tuấn (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Hà Nội),  việc tiêu thụ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ khá phổ biến hiện nay, khó khăn cho quản lý và định danh hành vi vi phạm.

Để định danh đâu là hàng hóa không giấy tờ và hàng hóa do phạm tội mà có là điều không dễ dàng, phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan công an. Những vật dụng cũ được bán ở chợ Trời như gương ô tô, cần gạt nước, logo… dễ dàng nhận biết là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng để chứng minh là hàng do phạm tội mà có thì không đơn giản.

Như “muối bỏ biển”

Sau phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc “dẹp”  hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở chợ Trời, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã siết chặt quản lý chợ này. Từ 14 - 19/2, đã kiểm tra 30 cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô cũ, thu giữ hơn 1.100 sản phẩm đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc; xử phạt khoảng 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, số lượng này chỉ như “muối bỏ biển” so với lượng hàng hóa khổng lồ ở chợ Trời. Nếu cơ quan chức năng không có những biện pháp mạnh tay, chợ Trời sẽ vẫn là nơi “dung túng” cho tội phạm trộm cắp tiêu thụ sản phẩm.

Đọc thêm