Cho vay lãi nặng, đối diện nguy cơ mất tiền và phạm pháp

(PLO) - Thời gian qua, nhiều người phần vì thiếu hiểu biết, phần vì lòng tham nên đã cho người khác vay tiền với lãi suất cao. Hậu quả không chỉ là nguy cơ mất tiền vì con nợ vỡ nợ mà còn đối diện với pháp luật…
Cho vay lãi nặng, đối diện  nguy cơ mất tiền và phạm pháp
“Là cán bộ, công chức nhà nước nên kinh tế gia đình chúng tôi không có gì là khá giả. Sau nhiều năm tần tảo và chịu khó nên vợ chồng tôi tiết kiệm được 200 triệu đồng. Do chưa có nhu cầu sử dụng và muốn tiếp tục sinh lời nên khi anh T (người cùng cơ quan chồng tôi) huy động vốn với lãi suất 2%/tháng, vợ chồng tôi đã bàn bạc, quyết định rút toàn bộ số tiền trên từ ngân hàng về cho anh T vay. 
Thời gian đầu anh T trả lãi đầy đủ và đúng hẹn nên vợ chồng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng. Thời gian gần đây, không thấy anh T trả lãi, tôi tìm hiểu thì được biết anh T có nguy cơ bị vỡ nợ nên đến để đòi tiền nhưng anh T không còn có khả năng thanh toán, mọi tài sản có giá trị trong nhà anh T đều bị các chủ nợ khác lấy để trừ nợ. Khi sự việc vỡ lở, nhiều người còn nói rằng vợ chồng tôi cho vay lãi nặng nên phải chấp nhận rủi ro. Thực tế, vì chỗ tình cảm quen biết và vợ chồng tôi chỉ muốn làm sinh lợi thêm tiền nhàn rỗi của gia đình nên đã cho anh T vay, nhưng giờ đây tiền không những không sinh lời mà còn có nguy cơ bị mất”. 
Băn khoăn, thắc mắc của vợ chồng bạn cũng là băn khoăn, trăn trở của nhiều người khác có hoàn cảnh giống bạn. Tình trạng vỡ nợ xảy ra rất nhiều và hậu quả là người có tiền cho vay có nguy cơ bị mất do người vay không còn khả năng thanh toán. Về trường hợp này, Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự TANDTC) chia sẻ: Theo vợ chồng bạn cho biết thì các tài sản có giá trị của gia đình anh T cũng đã bị lấy để trừ nợ. Nói như vậy cũng không có nghĩa là không còn hy vọng bởi anh T vẫn xác nhận nợ tiền của vợ chồng bạn, nhưng tại thời điểm hiện tại thì anh T chưa có khả năng thanh toán nên cần phải có thời gian nhất định thì anh T mới có thể thanh toán nợ cho vợ chồng bạn. 
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng’’. Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 163 Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng cũng quy định:“Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm’’. 
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì việc cho vay với mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì có thể được coi là hành vi cho vay lãi nặng; còn theo quy định của pháp luật hình sự thì hành vi cho vay với mức lãi cao hơn gấp mười lần mức lãi suất cao nhất do pháp luật quy định và có tính bóc lột, tức là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người vay để cho vay với lãi suất cao thì bị coi là hành vi cho vay lãi nặng. 
Như vậy, việc vợ chồng bạn cho anh T vay 2%/tháng là đã vượt quá quy định cho phép của pháp luật nên có thể xác định vợ chồng bạn đã cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, việc cho vay của vợ chồng bạn là để anh T kinh doanh chứ không phải do anh T có hoàn cảnh khó khăn bị ép buộc phải vay lãi suất cao nên quan hệ cho vay tiền giữa vợ chồng bạn và anh T chỉ là quan hệ dân sự. Khi có tranh chấp xảy ra thì điều chắc chắn là mức lãi vợ chồng bạn cho anh T vay sẽ không được chấp nhận mà sẽ được tính lại theo đúng quy định của pháp luật. 
Tuy nhiên, trước mắt thì mọi việc không thể giải quyết được ngay tức khắc mà vợ chồng bạn cần phải bình tĩnh để tìm ra giải pháp tốt nhất. Trước mắt, anh T bị vỡ nợ và đang bỏ trốn vì sợ các chủ nợ nên vợ chồng bạn cần liên hệ với gia đình anh T để nắm bắt được thông tin, đồng thời thông báo cho gia đình anh T biết về số nợ này để họ có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp gia đình anh T từ chối trách nhiệm thì vợ chồng bạn phải tìm mọi cách liên lạc với anh T để thoả thuận, thương lượng cách giải quyết tốt nhất hoặc phải biết được địa chỉ, nơi ở của anh T thì  vợ chồng bạn mới có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. 
Khi có quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp việc vay tiền giữa vợ chồng bạn với anh T, vợ chồng bạn có thể làm đơn yêu cầu thi hành án. Trên cơ sở đó, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án, nếu anh T không tự nguyện thi hành trả lại số tiền đã vay cho vợ chồng bạn thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản của anh T để đảm bảo việc thi hành án, trả nợ cho vợ chồng bạn. Có như vậy thì vợ chồng bạn mới có hy vọng lấy lại số tiền đã cho vay. 
Hy vọng những phân tích trên sẽ giúp vợ chồng bạn tham khảo để có những quyết định đúng đắn trong hoàn cảnh lúc này.                             
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm