Chọn ngày
Trong sách về xem ngày, chọn giờ của người xưa thường có câu: Thiên bất đắc thời, nhật nguyệt vô quang; Địa bất đắc thời, vạn vật bất sinh; Thủy bất đắc thời, phong lang bất tĩnh; Nhân bất đắc thời, lợi lộ bất thông; Quỷ bất đắc thời, địa ngục bất siêu; Thần bất đắc thời, cầu chi bất linh.
Đại ý rằng nếu trời không ở vào thời điểm tốt thì không có ánh sáng của mặt trăng mặt trời; Đất không được thời điểm tốt thì vạn vật đều không thể sinh sôi nảy nở; Mặt nước vào thời điểm xấu thì sóng to gió lớn; Con người không gặp thời thì cuộc sống không thuận lợi, con đường danh lợi không hanh thông; Quỷ không gặp thời thì không thể siêu thoát; Cầu thần phật không đúng lúc thì không linh nghiệm.
Từ câu nói trên có thể thấy chọn ngày quan trọng như thế nào trong quan niệm của cổ nhân. Vì vậy, từ hàng ngàn năm trước dù việc lớn hay nhỏ như làm nhà, động thổ sửa chữa, an táng, mua bán khai trương, kết hôn, nhập trạch, xuất hành, cầu cúng, nhập học, nhận chức…đều cần tìm một ngày tốt để thực hiện công việc.
Cổ nhân cho rằng, vũ trụ liên tục vận hành và thay đổi, từ trường của các thiên thể tại mỗi thời điểm khác nhau lại gây sự ảnh hưởng khác nhau tới con người, hoặc tốt hoặc xấu, nếu biết được thì có thể tránh hung họa.
Con người là một phần nhỏ bé trong vũ trụ nên cần phải tuân theo quy luật vận hành ấy. Việc chọn ngày trong quan niệm cổ nhân thực chất là lựa chọn thời điểm phù hợp, có lợi nhất để con người có thể hòa hợp với thiên nhiên, tránh đi ngược lại với quy luật vận hành của trời đất, đem lại sự bình an cho cuộc sống.
Thế nhưng, chọn ngày là việc vô cùng phức tạp, cần hiểu biết rất nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, có nhiều phương pháp chọn ngày khác nhau, lại không thể dùng một phương pháp để sử dụng cho tất cả mọi việc.
Loạt bài này, báo Pháp luật 4 phương sẽ giới thiệu một số phương pháp mà cổ nhân thường dùng cho mỗi việc khác nhau để bạn đọc tham khảo và hiểu biết hơn về quan niệm của cổ nhân trong lĩnh vực này, trước hết là chọn ngày nhập trạch.
Tuy nhiên, trước khi chọn ngày cần phải biết được tọa và hướng của căn nhà đó ra sao. Nói một cách đơn giản là đứng từ trong nhà nhìn ra thì phía lưng của nhà được gọi là tọa, phía cửa được gọi là hướng, việc chọn ngày nhập trạch coi trọng vị trí lưng nhà, đại diện cho nhân đinh, sức khỏe, sự ổn định...
Tọa hướng của nhà được chia làm 24 phương vị khác nhau. Muốn biết tọa hướng của nhà ra sao thì phải dùng la bàn để xác định. 24 sơn hướng bao gồm: giáp mão ất; thìn tốn tỵ; bính ngọ đinh; mùi khôn thân; canh dậu tân; tuất càn hợi; nhâm tý quý; sửu cấn dần (xem hình).
Trong đó “mão” đại diện cho hướng chính Đông, “ngọ” đại diện cho hướng chính Nam, “dậu” đại diện cho hướng chính Tây, “tý” đại diện cho hướng chính Bắc, “tốn” đại diện chướng chính Đông nam, “khôn” đại diện hướng chính Tây nam, “càn” đại diện hướng chính Tây bắc, “cấn” đại diện hướng chính Đông bắc.
Đây được gọi là các chủ sơn, hai phương vị bên cạnh, ví dụ ở vị trí “thìn tốn tỵ” thuộc Đông nam, thì tốn là chủ sơn, thìn thuộc Đông nam nhưng lệch về hướng Đông gọi là Đông nam lệch đông. Tỵ thuộc Đông nam hưng lệch về hướng Nam nên gọi là Đông nam lệch Đông.
24 sơn hướng khác cũng tương tự như vậy. Sau khi xác định được sơn của nhà nằm ở vị trí nào, cổ nhân mới theo đó chọn ngày phù hợp. Về độ số của các tọa hướng được thể hiện trên la bàn được thể hiện trong bảng dưới đây:
Đông nam
Thìn 112.6 – 127.5 độ
Tốn 127.6 – 142.5 độ
Tỵ 142.6 – 157.5 độ
Chính nam
Bính 157.6 - 172.5
Ngọ 172.6 - 187.5
Đinh 187.6 - 202.5
Tây nam
Mùi 202.6 - 217.5
Khôn 217 - 232.5
Thân 232.6 - 247.5
Chính đông
Giáp 67.6 - 82.5
Mão 82.6 - 97.5
Ất 97.6 - 112.5
Chính tây
Canh 247.6 - 262.5
Dậu 262.6 - 277.5
Tân 277.6 - 292.5
Đông bắc
Sửu 22.6 - 37.5
Cấn 376 - 52.5
Dần 52.6 - 67.5 \
Chính bắc
Nhâm 337.6 - 352.5
Tý 352.6 - 22.5
Quý 7.6 - 22.5
Tây bắc
Tuất 292.6 - 307.5
Càn 307.6 - 322.5
Hợi 322.6 - 337.5
Tọa hướng của nhà được chia làm 24 phương vị khác nhau. |
Những điều kiêng kỵ
Nhập trạch vào ngày Giáp tý thì dễ bị hao tổn phá tán tiền tài, thị phi kiện tụng, họa hại không ngớt. Chủ trạch dễ phạm phải đào hoa tửu sắc xấu.
Nhập trạch ngày Ất sửu thì nhân đinh xương vượng, nhà có thêm người, cho ra quý nhân, sau khi nhập trạch khoảng 3 năm thì thấy ứng nghiệm. Nhập trạch ngày Bính dần nên cẩn thận, cũng không có lợi.
Nhập trạch ngày Đinh mão là ngày quý nhân thường trực nên có thể gặp hung hóa cát. Nhập trạch ngày Mậu thìn là ngày có thần sát hội tụ, chủ về hung họa không nên dùng.
Nhập trạch ngày Kỷ tỵ được coi là quý nhân đắc lộc, tốt trên hết, lại có thể giúp thăng tiến về đường quan quý.
Nhập trạch ngày Canh ngọ là phạm phải đích sát, chủ về hung họa không nên dùng. Nhập trạch ngày Tân mùi thì cả tài lộc lẫn nhân đinh đều hưng vượng, đại lợi đối với người tuổi hợi, mão mùi.
Nhập trạch ngày Nhâm thân thì dễ bị hao tổn tiền tài, đề phòng có họa về tai nạn, hại tới nhân mệnh, không thể dùng. Ngày Quý dậu, sau khi nhập trạch thì dễ bị thị phi kiện tụng quan trường, gây hảo tổn tiền tài, sau 2 năm thì thấy ứng nghiệm.
Nhập trạch ngày Giáp tuất thuộc về khôi tinh, đại cát đại lợi, ứng nghiệm về việc thi cử đỗ đạt, người làm trong ngành công an, bộ đội, võ chức hiển vinh.
Nhập trạch ngày Ất hợi, do nhâm lộc tại hợi nên nhân đinh thịnh vượng, cho ra người cao quý. Ngày Bính tý, nhập trạch thì có lợi cho đường võ chức, cao quý, giàu có tột bậc nhưng lại dễ bị phạm phải đào hoa.
Ngày Đinh sửu, sau khi nhập trạch nếu nhẹ thì hao tổn tiền bạc, nặng thì hại đến nhân mệnh, chủ về hung, không dùng.
Ngày Mậu dần, sau khi nhập trạch dễ gặp tai họa liên tiếp, nên tránh, nếu ngày này lại vào tháng thân thì càng thêm hung, đại bại.
Ngày Kỷ mão được coi là quan tinh quý nhân, chủ về tiến chức thăng quan, đại lợi quan quý nhân.
Ngày Canh thìn, sau khi nhập trạch nhất định phát về đường khoa giáp, thi cử đỗ đạt, trong vòng một năm sẽ thấy ứng nghiệm.
Ngày Tân tỵ, được coi là quý nhân hợp tài đem đến giàu sang phú quý, rất phát về tiền bạc buôn bán.
Ngày Nhâm ngọ, được coi là ngày gian tế lộng hành nên trong vòng một năm sẽ dễ bị nạn trộm cắp mất mát tài vật.
Ngày Quý mùi, sau khi nhập trạch dễ bị thị phi, nạn về kiện tụng quan trường.
Ngày Giáp thân, nhập trạch thì phạm phải đoản mệnh kiếp sát, vì vậy dễ bị bệnh tật khiến sức khỏe kém, làm giảm tuổi thọ.
Ngày Ất dậu, sau khi nhập trạch sẽ có lợi cho nam giới trong nhà, nhưng không lợi cho nữ giới.
Ngày Bính tuất, nhập trạch thì có lợi cho người trẻ, dễ được tài lộc nhưng lại bất lợi cho người lớn tuổi.
Ngày Đinh hợi thuộc về âm phủ nên sau khi nhập trạch dễ tổn hại tới trẻ nhỏ, trong vòng 5 năm sẽ thấy ứng nghiệm.
Ngày Mậu tý, sau khi nhập trạch sẽ thấy nhân khẩu lãnh thoái, lạnh lùng mà lui, tổn nhân đinh, cũng là bất lợi, không nên dùng.
Ngày Kỷ sửu, sau khi nhập trạch sẽ thấy gia tài lãnh thoái, dần dần tiêu tán hết.
Ngày Canh dần, nhập trạch thì nhân đinh phát triển, được quý hiển, đại cát đại lợi.
Ngày Tân mão được coi là quý nhân hợp tài nên phát về tài lộc, giàu có về sau.
Ngày Nhâm thìn, sau khi nhập trạch dễ thấy nhân khẩu bất an, tiền tài sự nghiệp tiêu vong.
Ngày Quý tỵ, được coi là quý nhân lại thêm có quan tinh nên vừa được phú lại được quý, giàu có lại được người kính trọng.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 59, ngày 27/6/2016)