Huyền thoại Đặc công rừng Sác: Đốt 20 triệu USD của Mỹ-Ngụy

(PLO) -Đặc công rừng Sác là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, phần đông được lựa chọn và huấn luyện bài bản ở ngoài miền Bắc. Họ được ví là “rái cá” bởi tài bơi lội và ngụy trang khéo léo. Chiến công của Đặc công rừng Sác khiến nhân dân cả nước vô cùng khâm phục.
8 chiến sĩ Đặc công đánh kho xăng Nhà Bè tuyên thệ trước khi ra trận
8 chiến sĩ Đặc công đánh kho xăng Nhà Bè tuyên thệ trước khi ra trận

Trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đội trưởng Bùi Hữu Loan cùng chiến sĩ Trịnh Xuân Bảng và Nguyễn Văn Hưởng được cử đi đánh quân cảng Nhà Bè.

Đêm 25/12/1967, sau ba ngày đêm vật lộn với sông nước, 3 chiến sĩ của Đội 5, Đoàn 10 lọt vào quân cảng, áp khối thuốc nổ vào mạn của một chiếc tàu trọng tải 10 ngàn tấn. Khối thuốc nổ 100kg đã làm nứt đôi thân và nhận chìm tàu xuống sông Nhà Bè. 

“Rái cá” rừng Sác

Khi kẻ địch bắt đầu phản công quyết liệt, dài ngày, Đặc công rừng Sác lại đánh chìm tàu Mỹ chở vũ khí cỡ lớn trên sông Đồng Nai. Chiếc tàu được canh phòng nghiêm ngặt, xung quanh có một hàng rào xuồng và sà lan, đèn pha; dưới nước có dây thép gai và mìn chống đặc công; trên không trực thăng xoay quần rọi đèn suốt đêm.

Trịnh Xuân Bảng phải ngâm mình dưới nước 6 giờ liền, không ăn, không uống, đột qua các "hàng rào sống", dùng kỹ thuật đặc công áp chất nổ vào mạn tàu... Với cách đánh biến hóa, thời gian sau họ lại đánh chìm 3 tàu hàng quân sự của Mỹ, trọng tải từ 7 đến 19 ngàn tấn. 

Ở rừng Sác, Lê Công Nghĩa - Trung đội trưởng của Đội 5 - là “rái cá” chiến đấu  “xuất quỷ nhập thần”. Một lần, khoảng 3 giờ sáng, khi Nghĩa cùng đồng đội kéo vũ khí qua sông Lòng Tàu thì gặp đoàn tàu kéo của địch, thả lưới và kéo Nghĩa đi hàng cây số. Tàu vừa cập bến, Nghĩa cũng vừa gỡ lưới chui ra được.

Phát hiện dịp “làm ăn" hiếm có, thấy bọn địch đã kéo hết lên bờ, vào đồn chơi, chỉ còn một tên gác lơ đãng ở cuối tàu, Nghĩa trèo lên cướp khẩu tiểu liên cực nhanh AR15, đập chết tên lính gác. Bọn ở tàu bên cạnh trông thấy liền hô đồng bọn trên đồn xuống bắt sống "đặc công Việt Cộng". Nghĩa nhằm vào cụm giặc đông nhất xả hết đạn rồi cầm khẩu AR15 nhảy xuống sông biến đi mất dạng.

 Một lần đi trinh sát trận địa, đang lênh đênh giữa dòng sông lớn, Nghĩa và một cán bộ chỉ huy bị tàu địch bao vây. Anh nhanh chóng luồn vào bờ, rút dao găm đâm chết hai tên giặc, thoát vây.

Trong chuyến đi điều nghiên cảng Nhà Bè, thấy một toán lính đang ngủ mê mệt trong ấp, Nghĩa vác luôn khẩu đại liên Mã Lai và khẩu cạc-bin của chúng, bơi ra sông... Trong trận đánh cuối cùng, Lê Công Nghĩa đã bị một con cá sấu hung hãn tấn công và hy sinh. 

Tiếp cận mục tiêu

Tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Miền chỉ thị cho Đoàn 10 tấn công Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. 

Cảng và kho xăng dầu Nhà Bè cách Sài Gòn 8km đường chim bay, Mỹ cho xây dựng thành quân cảng lớn để tiếp nhận phương tiện chiến tranh, đặc biệt là xăng dầu. Bên cạnh cảng là một hệ thống kho hoàn chỉnh của ba hãng Caltex, Shell và Esso; kho Shell lớn nhất, rộng 14ha có 72 bồn, cung cấp 60% xăng dầu quân sự và dân sự cho miền Nam.

Để bảo vệ, Mỹ dựng nhiều vật cản. Trong 12 lớp rào đủ loại bao bọc, có loại đặc công của ta đã đột nhập nhiều lần, nhưng không cắt được rào song sắt và hàng rào chẻ ba thả bùng nhùng cao 3,5m.

Ngoài chó, ngỗng, mìn chiếu sáng là hệ thống đèn pha, tháp canh, tường cao 2,5m,... còn có lực lượng trên bộ, dưới nước, trên không của Chi khu Nhà Bè và lực lượng của Bộ tổng tham mưu cùng Quân đoàn 3 Ngụy sẵn sàng ứng cứu.

Người làm việc trong kho luôn phải đeo thẻ nhận dạng do hãng Shell cấp sau khi được cảnh sát điều tra lý lịch. Hết cổng chính 100m là trạm kiểm soát đặc biệt do Yếu khu cảnh sát cấp... Vào khu vực bồn chứa xăng dầu, sự kiểm soát còn gắt gao hơn.

Báo chí Sài Gòn khẳng định, Kho xăng Nhà bè bị Việt cộng pháo kích.
 Báo chí Sài Gòn khẳng định, Kho xăng Nhà bè bị Việt cộng pháo kích.

Đội 21 bàn giao mục tiêu "khó nuốt" cho Đội 5, do Cao Hồng Ngọt làm đội trưởng. Qua nhiều lần xem xét, tuyển chọn, ban chỉ huy Đội 5 quyết định cử 8 đồng chí đánh đánh kho xăng Nhà Bè: Nguyễn Văn Rực, Trần Ngọc Sĩ, Hoàng Hữu Hình, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hải Quân. Trên tăng cường thêm Hà Quang Vóc, Nguyễn Hồng Thế; đoàn trưởng Lê Bá Ước chỉ đạo trực tiếp. 

Suốt 6 tháng trời mà các chiến sĩ Đội 5 vẫn chưa tìm cách vượt qua được hàng rào chẻ ba cao 3,5m. Chuyến đi thứ 13 (18/11/1973) gặp địch dùng dao phát cỏ gần đụng đầu, anh em phải lùi ra gần 10m, nhờ vậy mà phát hiện chỗ hở của hàng rào. Chuyến đi thứ 14, tổ đặc công đột nhập được từ hướng Nam. Theo đó, Đội 5 dự kiến 11 tình huống, nhưng không có phương án rút lui nửa chừng. 

Ngày 30/11/1973, đơn vị làm lễ xuất quân với khẩu hiệu "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đội phó Hà Quang Vóc thay mặt toàn đội thề: "Chưa đốt cháy kho Shell, chưa trở về!". Câu nói cuối cùng của họ trước khi đi làm nhiệm vụ: "Đồng chí nào về được xin gởi lời thăm anh em ở nhà và bà con rừng Sác". 

Sau khi dùng kỹ thuật khắc phục các chướng ngại vật, mìn, cạm bẫy và lính tuần, 0 giờ ngày 3/12/1973, Đặc công nhảy xuống khỏi mặt tường cuối cùng, tỏa ra tìm đến mục tiêu áp trái, điểm hỏa theo qui định, rồi nhanh chóng vượt ra khỏi hàng rào 3,5m. Riêng Quân, khi thao tác gặp 3 tên lính đi tuần, phải dừng hành động, nên không ra đúng hẹn. 

Đốt 20 triệu USD của Mỹ-Ngụy

0 giờ 35 phút, lửa bốc lên trời, Kho Nhà Bè bùng nổ. Địch phản ứng bằng các loại súng, cho máy bay lên pha đèn, tuôn đạn đỏ rực. Bao và Tiềm rơi vào vòng vây tàu địch. Sĩ, Hình, Rực bị địch phát hiện khi đã ra 1/3 sông, bị chúng ném lựu đạn ra tới tấp. Ba anh cởi dây liên kết, mỗi người thoát đi một ngả.

Lúc nổ kho xăng, Quân vẫn ở trong hàng rào 3,5m, lợi dụng nhốn nháo, vượt qua hàng rào nhưng đến bờ sông đụng xuồng lính. Bị chúng bắn bị thương, anh ném lựu đạn, thoát vây. Vóc và Thế đón đồng đội ở cửa mở, ra sau cùng bị địch phong tỏa đường rút lui, phải ém lại trong khu cảng hải quân một ngày. 

Kho xăng Shell lửa nổi lên ầm ầm như một cơn bão, càng lúc càng dữ dội, sáng rực cả bầu trời Sài Gòn. Lửa cháy suốt 9 ngày đêm.

Đến ngày 11/12, lửa bắt sang bồn dầu ma dút 11 triệu lít. Địch sợ cháy lây sang hãng Caltex, phải mở khóa xả ống dẫn dầu. Dầu chảy lênh láng ra sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp... chảy tới tận Vàm Láng, Gò Công.

Kết quả, Kho Shell bị thiêu cháy hoàn toàn với 35 triệu lít gallon xăng dầu, 12 bồn butaga, 1 tàu dầu Hà Lan 12 ngàn tấn, 1 cơ sở lọc dầu, 1 cơ sở trộn nhớt, 1 khu chứa lương thực, 1 khu nhà binh... thiệt hại tổng cộng khoảng 20 triệu đô la Mỹ. 

Trong trận đánh lịch sử này, 2 đồng chí Bao và Tiềm hi sinh, còn lại đều rút về căn cứ rừng Sác an toàn. Về sự kiện Tiềm và Bao hi sinh, nhân dân Nhà Bè cho biết hai anh bị 7 tàu giặc vây chặt, đã dùng lựu đạn "tự hi sinh" và làm chết hàng chục tên trên tàu. Sau trận đánh kho xăng Nhà Bè, báo chí Sài Gòn tới tấp đưa tin, bình luận. Chúng thừa biết là đặc công rừng Sác, nhưng bọn chóp bu vẫn tung tin là bị pháo kích cho đỡ bẽ mặt. 

Năm 1975, khi tiếp quản cơ quan Bộ Quốc phòng Ngụy, ta phát hiện hồ sơ vụ kho Shell chất đầy 4 tủ sắt, nhưng trong đó có một biên bản mang kí hiệu 081/TTLQ/ĐT kết luận "đây là một trận đánh do nội tuyến kết hợp với đặc công Việt cộng thực hiện". 

Sau trận đánh, toàn đội được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Đơn vị cũng nhận được bức thư từ nội đô: 

“Kính gửi đơn vị quân giải phóng đốt kho xăng Nhà Bè. 

Anh em công nhân chúng tôi vô cùng phấn khởi được chứng kiến cảnh hỗn loạn của đô thành Sài Gòn ngày 3/12/1973 khi các anh đốt kho xăng. 

Vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ lòng dũng cảm, tài trí của anh em, bằng cách nào mà lọt vào kho Nhà Bè với sự phòng vệ tối tân của Mỹ, Anh ở một khu chứa nhiên liệu quốc phòng lớn ở miền Nam. Anh em công nhân Sài Gòn chúng tôi xin nguyện đoàn kết đấu tranh chống bất công của chính quyền Thiệu, cùng quân giải phóng buộc chúng phải thi hành hiệp định Paris.

Chúng tôi có món quà 500 đồng gửi tặng các anh mừng chiến thắng. Thay mặt anh em công nhân Sài Gòn. 

Tư công nhân. 

Kính nhờ tỉnh Biên Hòa chuyển giùm cho đơn vị đốt kho xăng Nhà Bè".

Đây chính là phần thưởng không tên vô cùng quý giá, động viên Đoàn 10 lập công đến ngày toàn thắng…

Đọc thêm