Coi những người cách ly ở đây như người thân của mình
Sinh năm 1994, năm nay 26 tuổi, Trung uý Hoàng Thị Châm đã tham gia trong ngành quân y được 8 năm. Hiện nay, Châm đang là điều dưỡng quân y trong Sư đoàn 390 thuộc Quân đoàn 1 tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, nơi đang thực hiện nhiệm vụ cách ly cho hơn 800 công dân của Việt Nam trở về từ các nước từ ngày 1/3 đến nay.
Trung uý Hoàng Thị Châm, điều dưỡng quân y trong Sư đoàn 390 thuộc Quân đoàn 1 tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. |
Chia sẻ về công việc hàng ngày của những nữ điều dưỡng quân y, nói: “Hàng ngày chúng mình đi kiểm tra sức khoẻ y tế 3 lần, sáng, trưa, và tối. Từ 7h30 sáng sẽ đo nhiệt độ, huyết áp và hỏi thăm hỏi y tế với từng người, đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường của bệnh Covid-19 thì sẽ cách ly riêng. Những trường hợp đau đầu, đau bụng và một số bệnh lý thông thường chúng mình khám và cho thuốc. Đối với những bác cao tuổi hơn thì sẽ tiến hành đo huyết áp hàng ngày và đáp ứng những yêu cầu về nhu yếu phẩm của nữ”.
Mặc dù là điều dưỡng quân y nhưng nhiều khi Châm cũng phải kiêm cả bác sĩ tâm lý để vừa thăm khám vừa động viên mọi người cố gắng cách ly tốt đảm bảo sức khoẻ để không làm ảnh hưởng cũng như lây lan ra cộng đồng.
Cô gái ấy luôn coi họ như người thân của mình nên công việc cũng đỡ đi một phần áp lực và lo lắng.
Đợt 1, Sư đoàn 390 nhận nhiệm vụ cách ly tập trung với hơn 400 công dân. Đợt 2 này cách ly khoảng hơn 400 công dân và đa số là các bạn du học sinh nên giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn do trái múi giờ. Tuy nhiên tất cả mọi người ở đây đều thực hiện cách ly một cách nghiêm túc và thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ dẫn của sư đoàn.
Trung uý Hoàng Thị Châm chụp ảnh cùng phóng viên.(ảnh Minh Trang) |
Để dành bộ đồ bảo hộ y tế tối tiếp tục đón hơn 70 công dân
Nói chuyện và tiếp xúc với chúng tôi, nữ điều dưỡng quân y vẫn trong bộ trang phục của quân đội. Châm nói: “Mình vừa đi thăm khám về nên phải thay bộ đồ y tế để giặt ngay cho khô, tối còn dùng để đón tiếp một đoàn 70 công dân về nữa.
Thời gian đầu thì bọn mình chưa đủ cơ sở vật chất, chưa đủ quần áo bảo hộ, sau này, cũng được quan tâm hơn, được cấp đồ bảo hộ nhưng thực ra không được nhiều, chỉ được khoảng 30 bộ từ ngày 31/2 đến bây giờ. Nên bọn mình phải tận dụng giặt rồi phơi nắng để mặc lại. Nhất là những hôm nghe có người dương tính, phải thay quần áo ra ngay”.
Luôn miệng tươi cười, Châm kể: “Hàng ngày vừa phải kiểm tra y tế vừa tiếp xúc với nhiều người từ nước ngoài trở về, nhưng mình rất là lạc quan, không sợ gì cả. Mình lạc quan để người xung quanh cũng như thế. Mình luôn nghĩ bệnh này mình đã chữa khỏi cho 17 bệnh nhân, nên chủ yếu sức lây lan của nó quá nhanh và rộng. Cho nên mình tiếp xúc với người ở đây mình thấy rất bình thường. Mình vẫn nói, vẫn cười với họ...”
Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày với từng người đang cách ly. (ảnh Phạm Hồng Khánh) |
Chia sẻ tại sao lại theo ngành y mà không phải là nghề khác, nữ quân y cho hay: “Vì trong gia đình mình có chị dâu là làm bác sĩ khoa sản, nên mình cũng muốn theo ngành y để giúp ích cho đời. Thực ra thì bộ đội rất là ít nữ, nhất là trong quân y chúng mình chỉ có 4 người thì cũng 3 người vào đây rồi. Sư đoàn 390 hiện tại trong này có khoảng 70 người, cả sỹ quan, chiến sĩ cả bộ phận quân y. Thực sự mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có nhiệm vụ lớn như thế này. Và mình thấy ngành này thiệt thòi hơn so với ngành khác, nhiều khi phải trực đêm, nhất là khi bọn mình là bộ đội thì thời gian dành cho gia đình khá là eo hẹp”.
“Mình muốn gửi đến mọi người là mọi người phải lạc quan lên, cứ tin tưởng vào Đảng và Nhà nước mình, những chính sách của Đảng và Nhà nước tuyệt đối an toàn không bỏ rơi bất cứ ai cả, hơn nữa phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ, hoàn thành tốt thời gian cách ly để về với gia đình”, Trung úy Châm tâm sự
"Mẹ ơi mẹ biến thành siêu nhân à?"
Khi chúng tôi hỏi về gia đình, con cái khi đi làm như thế này thì ai chăm và trông con, Châm xúc động: “Mình đã có gia đình và có 1 bé trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi, khi nhận được tin về đây thực hiện nhiệm vụ, cũng có chút thoáng buồn, nghĩ con mình phải xa mình rồi. Gia đình mình cũng có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Hồi mới sinh ra cháu đã bị viêm phổi, viêm màng não, lại do đặc thù công việc nên, từ khi cháu còn bé cháu đã thiếu thốn tình cảm của mẹ của cha, mỗi khi đi làm lại phải gửi con cho ông bà ngoại trông giúp”.
“Buổi tối hôm trước ngày nhận nhiệm vụ, mình cũng băn khoăn và không nỡ để con ở nhà, lúc bấy giờ yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, nên vẫn quyết tâm đi. Trước khi đi cũng dặn cháu là con ở nhà với ông bà ngoan, mẹ phải đi làm nhiệm vụ. Nhưng như hiểu ý mẹ, nên cháu ở nhà với ông bà cũng ngoan, và không quấy khóc.
Thi thoảng khi có thời gian rảnh 5 đến 10 phút, mình lại tranh thủ gọi về cho cháu, khi thấy mẹ mặc mặc bộ quần áo màu xanh để dùng trong y tế mỗi khi đi thăm khám cho những người đang cách ly về, con lại bảo: "Mẹ ơi, mẹ biến thành siêu nhân à?"
Mình trả lời con: "Đúng rồi mẹ biến siêu nhân để đánh corona xong rồi mẹ về với con."
Khi đấy mặc dù nhớ con lắm nhưng không dám khóc vì sợ con sẽ khóc theo”, nói đến đây mắt Châm ngấn lệ...
Các cháu nhỏ cũng kiểm tra thân nhiệt thường xuyên (ảnh Phạm Hồng Khánh) |
Khi hỏi tại sao lúc hết cách ly đợt một mà không về thăm con, Châm có chia sẻ, vừa hết đợt một Châm muốn về luôn nhà thăm con, nhưng tối ngày hôm đấy nhận nhiệm vụ sẽ đón tiếp đợt hai, cũng hơi buồn và nhớ con nhưng lại nghĩ đến đồng bào ta, cô nữ Trung úy lại gạt nỗi nhớ sang một bên để tiếp tục công viêc và nhiệm vụ.
Và lại cũng một phần do bản thân Châm trong khu vực cách ly cũng là người cách ly rồi thế nên cô cũng không dám về gặp gia đình sợ ảnh hưởng tới mọi người. Hơn nữa ông bà, mọi người ở nhà cũng rất là lo lắng thế nên cô cũng chỉ cười chứ không dám thể hiện sự hoang mang, yếu đuối.
“Cũng chỉ mong sao con mình sau này nó mạnh khoẻ và lớn lên cống hiến nhiều cho đất nước...”, nữ Trung úy Hoàng Thị Châm tâm sự.