Chống dịch khẩn trương và quyết liệt

(PLVN) - Như vậy là Việt Nam đã có ca tử vong thứ 10 liên quan đến Covid-19. Thực tế chứng minh nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… khi nhiễm Covid-19 dễ tăng nặng. 
Đo thân nhiệt người dân tại chốt kiểm tra dịch bệnh tại TP Đà Nẵng.
Đo thân nhiệt người dân tại chốt kiểm tra dịch bệnh tại TP Đà Nẵng.

Sức đề kháng của cơ thể suy giảm, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn dịch này đã có những bệnh nhân Covid-19 trên nền bệnh mạn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy… Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều, dễ diễn biến nặng dẫn đến tử vong.

Nhận ra điều này để có biện pháp phòng, chống Covid-19 là cần thiết. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chỉ vì tính mạng của người dân mà còn vì sự hồi phục và phát triển kinh tế đất nước những tháng cuối năm; nhiều địa phương đã thực sự coi chống Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều cách làm hay, sáng tạo xuất hiện, trong đó có Quảng Nam.

Tính đến ngày 5/8, thành phố Hội An ghi nhận 17 trường hợp mắc Covid-19. Số ca F1, F2 gia tăng nhanh chóng nên việc duy trì, kiểm soát việc giãn cách xã hội được thành phố triển khai quyết liệt hơn, hạn chế thấp nhất người dân ra ngoài; đồng thời đảm bảo đầy đủ việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn. Để người dân yên tâm cách ly và chấp hành lệnh phong tỏa, lãnh đạo thành phố đã tổ chức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ thực phẩm gồm gạo, rau, củ, quả, thịt… đến các hộ dân.

Tại Điện Bàn, Quảng Nam địa phương đã thành lập 993 tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng”. Sau khi thành lập các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 trên địa bàn các xã, phường, UBND 20 xã, phường đã phân công nhiệm vụ cho thành viên các tổ thực hiện một số nhiệm vụ theo chỉ đạo “khẩn” của UBND tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, tăng tốc truy vết, tìm kiếm các trường hợp F1, tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19 để tổ chức khoanh vùng, cách ly, dập dịch theo đúng các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, UBND tỉnh.

Tại Thanh Hóa, do nhiều người dân trốn về từ Đà Nẵng nên địa phương này đã nâng mức nguy cơ cao và đã xử lý tạm đình chỉ 15 ngày đối với một Phó Chủ tịch xã lơ là với nhiệm vụ chống Covid-19.

Không thể chủ quan, lơ là với Covid-19. Trong 10 ngày tới, theo dự báo của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ xuất hiện “đỉnh dịch”. Hơn bao giờ hết, thời điểm này cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng phải được thực hiện một cách quyết liệt nhất.