Theo chỉ đạo, vài ngày tới “hố tử thần” sẽ được san lấp theo quy trình: lấp bằng vật liệu đá thải đến độ cao cách miệng hố khoảng 7 m; sau đó lấp đất sét đồi đến khi đầy miệng hố.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu xã Quý Lộc duy trì nghiêm lệnh cấm người dân khoan giếng để lấy nước ngầm quanh hiện trường, đồng thời giữ cảnh báo, cấm người và phương tiện giao thông đi lại trên miệng hố để theo dõi sụt lún cho đến khi có thông báo tiếp tới. Nhằm giảm tác động địa chất khiến hố mở rộng, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng nước tại các giếng đã khoan.
Về lâu dài, để hạn chế tối đa việc “hố tử thần” gây xáo trộn cuộc sống, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chính quyền địa phương sắp xếp nơi ăn ở đảm bảo cho người dân. Theo phương án của UBND tỉnh, huyện Yên Định sẽ chịu trách nhiệm thực thi san lấp bằng kinh phí từ ngân sách huyện, tỉnh sẽ hoàn trả sau.
Trước đó khoảng 4g sáng ngày 28/10, người dân thôn 2 xã Quý Lộc hoảng hốt khi chứng kiến một khu đất rộng bị sạt lở sát 4 nhà. Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã di tản người và tài sản của các hộ trên ra khỏi nơi nguy hiểm. Đến ngày 4/11, tại khu vực hố sụt lún, lại xuất hiện thêm các hố sụt lún bên cạnh có đường kính 1,5 m, sâu gần 3 m.
Trong quá trình khảo sát, hai đoàn công tác thuộc Viện Mỏ - Địa chất và Tổng cục Mỏ - Địa chất và Khoáng sản (thuộc Bộ TNMT) đã phối hợp với Sở TNMT Thanh Hóa khảo sát và phát hiện một hang động caster gần khu vực sụt lún rộng 12m, sâu 25m cánh sông Mã khoảng 300m.