- Thời gian qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cũng như việc cải thiện nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đó.
Ông Hồ Xuân Trăng: Trong 2 năm triển khai chương trình, đã giải quyết cho 1169 hộ gia đình nghèo vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, hư hỏng, không đảm bảo 3 cứng. Chưa thực hiện hỗ trợ đất ở theo dự án 1 và hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất đối với hộ chưa có đất ở, đất sản xuất. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 2 dự án bố trí ổn định dân cư ở xã Hương Hữu và xã Thượng Long (huyện Nam Đông) với danh sách phê duyệt là 149 hộ.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 880 hộ không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định tại Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 10/2/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó huyện A Lưới đã phê duyệt 687 hộ đủ điều kiện; huyện Nam Đông đã phê duyệt 179 hộ; thị xã Hương Trà phê duyệt 12 hộ; huyện Phú Lộc: 02 hộ; đã và đang tiến hành giải ngân.
Đã xây dựng 01 công trình nước sinh hoạt tập trung ở xã Trung Sơn (huyện A Lưới) với hơn 200 hộ được thụ hưởng và tiến hành hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 921 hộ.
|
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1169 hộ gia đình nghèo vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, hư hỏng, không đảm bảo 3 cứng đã được bố trí đất ở và xây dựng nhà kiên cố. |
- Xin ông cho biết, đến nay, công tác đầu tư sắp xếp hộ dân di cư tự phát, hộ sinh sống ở rừng phòng hộ xung yếu, khu vực hay xảy ra thiên tai, sạt lở...được triển khai như thế nào?
Ông Hồ Xuân Trăng: Công tác sắp xếp hộ dân di cư tự phát, hộ sinh sống ở rừng phòng hộ xung yếu, khu vực hay xảy ra thiên tai, sạt lở... được thực hiện theo dự án 2 của Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Theo kế hoạch thực hiện 03 điểm xây dựng và quy hoạch các định canh định cư ở A Lưới và Nam Đông, trong đó có 02 điểm đang triển khai thực hiện các nội dung giải phòng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu, phân lô và chuẩn bị đưa dân vào các khu quy hoạch đã được phê duyệt như: điểm Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Thượng Long (Diện tích sử dụng đất: 4 ha, dự kiến 83 hộ), xã Hương Hữu (diện tích sử dụng đất 4 ha, dự kiến 66 hộ) huyện Nam Đông. Dự án quy hoạch sắp xếp bố trí ổn định dân cư tại xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) đang thực hiện điều chỉnh địa điểm để phù hợp với các điều kiện thực tế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sau khi thực hiện các dự án này xong, giai đoạn 2025-2030, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương để quy hoạch các điểm có nguy cơ sạt lở cao tại xã Hồng Thuỷ, Hồng Thượng Phú Vinh (huyện A Lưới) theo quy định.
|
Lãnh đạo Ban Dân tộc và các đơn vị ban, ngành của tỉnh kiểm tra dự án Quy hoạch bố trí ổn định dân cư cho vùng có nguy cơ sạt lở, vùng biên giới...tại huyện miền núi A Lưới |
- Việc triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình?
Ông Hồ Xuân Trăng: Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận được sự kỳ vọng rất lớn của các ngành, các cấp, đặc biệt là của người dân vùng đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế xem chính sách Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những nhiệm vụ quan trọng vì thế, tỉnh luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực, kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch để chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 một cách hiệu quả, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm gần 10%, qua rà soát, dự kiến đến cuối năm 2023: huyện A Lưới giảm 16,31% (giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%); huyện Nam Đông giảm 4,32% (giảm từ 6,94% giảm xuống còn 2,62%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Chương trình đã đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non; kênh mương, đập thuỷ lợi. 100% xã miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác. 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 79%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%...
Thông qua việc thực hiện các dự án với nguồn vốn từ Chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS, bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Từ đời sống, sinh hoạt hằng ngày đến đường giao thông đi lại giữa các thôn, bản, vùng đặc biệt khó khăn; các tuyến đường vào các khu sản xuất, giúp quá trình lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện đi lại cho người dân và các sản phẩm nông nghiệp đến được với các doanh nghiệp, tăng thu nhập trong nhân dân...
|
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS cũng được chú trọng, triển khai đúng kế hoạch. |
- Để tiếp tục đồng hành cùng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế- xã hội, theo ông, tỉnh cần làm những gì?
Ông Hồ Xuân Trăng: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chính sách phát triển kinh tế - xã hội dành cho đồng bào DTTS bằng việc tiếp tục đồng hành cùng người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đôn đốc địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định. Đồng thời kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn để đảm bảo giải ngân tối đa kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được giao.
Với những kết quả đã đạt được và sự chủ động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân trong thực hiện, thụ hưởng từ chính sách, tin rằng thời gian đến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khơi dậy, phát huy nguồn nội lực, tiềm năng vốn có để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.