Di tích chùa Quỳnh Lâm đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ-VHTT, ngày 15/11/1991. Trải qua những biến thiên thăng trầm, ngôi chùa cổ bị xuống cấp nên được tu sửa lại. Dự án tu bổ tôn tạo chùa Quỳnh Lâm có tổng trị giá gần 200 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, hiện công trình đã khánh thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2020.
Theo lịch sử chùa Quỳnh Lâm, ngôi cổ tự được xây dựng từ thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Chùa tọa lạc trên sườn đồi núi Tiên Du thuộc xã Hà Lôi, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Quanh cảnh Lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm giai đoạn 1 (tháng 12/2020). |
Chùa do quốc sư Nguyễn Minh Không khởi dựng, đức thánh tổ Không Lộ cũng chính là người cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (cao khoảng 20m) từng được coi là một trong “An Nam tứ đại khí”.
Trong dân gian còn lưu truyền câu ca về ngôi chùa như sau: “Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông/ Tháp cao chín đợt màu mây ám/ Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng/ Trước điện thông reo cùng trúc hóa/ Trong am khánh đá với chuông đồng...” Tiếc rằng thời giặc Minh xâm lược nước ta, ngôi chùa bị tàn phá đã khiến bảo pháp này bị thất lạc.
Mái chùa Quỳnh Lâm (ảnh TTXVN). |
Ý kiến khác cho rằng, tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta bởi vì sau đó Đức thánh tổ Pháp Loa cho đúc một pho tượng lớn tương tự là tượng Di Lặc. Tương truyền khi đúc tượng, Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Động thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.
Tuy nhiên, pho tượng này cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Còn truyền thuyết dân gian thì kể rằng, quân giặc tìm mọi cách phá tượng lấy đồng nhưng không phá được, kỳ lạ thay pho tượng khổng lồ từ từ trầm mình tại hạ (chìm dần xuống đất).
Pho tượng Phật ngọc nguyên khối nặng 3,8 tấn đặt tại chùa Quỳnh Lâm. |
Theo lịch sử ngôi chùa, các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa Quỳnh Lâm. Trong đó, người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang phát triển chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa - Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, chùa Quỳnh Lâm có những giá trị to lớn đối với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam, đây cũng là niềm tự hào và là điểm tựa tâm linh, điểm tựa mang giá trị tinh thần đặc biệt đối với người dân Quảng Ninh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.