Chiều 1/11, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Bộ Y gồm các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Y tế dự phòng đã cùng ngồi lại để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin với trường hợp bé Nguyễn Ngọc Tường Vi (4,5 tháng tuổi, Tứ Kỳ, Hải Dương).
Theo đó, kết luận nguyên nhân tử vong của bé Vi là do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không liên quan đến vắc xin Quivaxem và quy trình tiêm chủng.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng khẳng định vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thay vắc xin phải có bằng chứng khoa học
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vắc xin Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2019 với số lượng mỗi năm khoảng 5,5 triệu liều/năm.
Trước câu hỏi, tại sao Bộ Y tế không tính đến phương án thay thế bằng vắc xin dịch vụ?, ông Phu giải thích: "Vắc xin 6 trong 1 infanrix hexa mỗi năm hiện tiêm được có 100.000-200.000 trẻ, nhưng vắc xin Quinvaxem tiêm được 1,7 triệu trẻ.
Với giá 6 trong 1 hiện nay, nếu mua đủ cho 1,7 triệu trẻ, đàm phán rồi vẫn còn 11.900 tỷ đồng/năm, trong khi hiện tại, tổng tiền toàn bộ 10 loại vắc xin trong chương trình mở rộng mới có 300 tỷ đồng".
"Tuy nhiên việc thay hay không thay vắc xin không phải là vấn đề tài chính mà cần phải có bằng chứng khoa học, phải có kết luận của các nhà chuyên môn để chọn được vắc xin vừa đảm bảo an toàn, vừa hiệu quả.
Loại vắc xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định, không ai dám khẳng định thay vắc xin sẽ không có tử vong", ông Phu nói.
Theo ông Phu, kể cả trường hợp tử vong do vắc xin thì cũng phải xem xét, nếu tỉ lệ vẫn thấp hơn khuyến cáo thì vẫn dùng vì mục đích bảo vệ cả cộng đồng. Nếu không tiêm, dịch bệnh sẽ bùng phát, nhiều trẻ tử vong và bài học từ dịch sởi là một ví dụ.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem tại Việt Nam là 4,5 trẻ trên 1 triệu liều sử dụng, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca ca trên 1 triệu liều.
Theo ông, vắc xin Quinvaxem với thành phần toàn tế bào ho gà nên các phản ứng như sốt, sưng, đau thậm chí tím tái nhiều hơn văcxin vô bào (vắc xin dịch vụ).
WHO đánh giá vắc xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn loại vô bào và tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm của 2 loại vắc xin này là tương đương.
Chưa có vắc xin dịch vụ
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tháng 11 này vẫn chưa có thêm lô vắc xin Pentaxem (5 trong 1) và Infanrix hexa (6 trong 1) được nhập về. Do đó tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ tiếp tục xảy ra.
Bộ Y tế cho phép các công ty nhập khẩu vắc xin dịch vụ theo nhu cầu người dân, tuy nhiên phía nhà sản xuất không có đủ vắc xin để đáp ứng.
"Muốn có vắc xin phải đặt hàng trước 2-3 năm. Nhà sản xuất sẽ ưu tiên những nước đặt số lượng lớn và đặt sớm trong khi các công ty Việt Nam thường chỉ mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều", ông Phu nói.