Chưa thể cấm mạo danh trên facebook

(PLO) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son, việc đưa ra chế tài cấm mạo danh trên facebook là một thách thức, gần như là chưa thể. 
Ảnh minh họa
Khi thông tin đưa lên mạng thì phải đảm bảo an toàn
Dự thảo Luật An toàn thông tin (ATTT) vừa được Quốc hội cho ý kiến được đánh giá là “vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý ATTT trong điều kiện bùng nổ thông tin mạng hiện nay”. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
- Thực tiễn luôn luôn đi trước, chúng ta tiếp cận sau nên luôn có độ trễ nhất định. Công nghệ thông tin là động lực góp phần cho thế giới phẳng, nhanh; cũng chính vì quá nhanh nên một đạo luật chúng ta trình kỳ này thì phải tới kỳ sau mới có thể được thông qua và có hiệu lực lại phải chờ thêm 6 tháng nữa nên luật sẽ chậm so với thực tiễn. Đây cũng là tình hình chung của tất cả các dự án luật, nhất là luật liên quan tới thông tin.
Riêng về Dự thảo Luật ATTT đưa ra mục đích là để giải quyết được cả mặt an toàn, an ninh thông tin rất khó vì phạm vi phát sinh thông tin quá rộng, nên thu hẹp lại trong phạm ATTT trên mạng viễn thông, mạng máy tính… để khi thông tin đưa lên mạng thì phải đảm bảo an toàn. 
Mong muốn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi Luật ra đời phải giải quyết được tất cả các vấn đề trên mạng đang phức tạp: tin nhắn rác, thông tin mất an toàn, an ninh thông tin.., giải quyết các mâu thuẫn, bức xúc mà cuộc sống đặt ra là hoàn toàn chính đáng. 
Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng, Luật ATTT ra đời sẽ giải quyết được một số vấn đề trong đảm bảo ATTT, chứ khó có thể giải quyết hết được tất cả những gì đang mong muốn. Nhưng dù sao chúng ta vẫn phải làm và đây là thách thức lớn với cơ quan soạn thảo để làm sao khi Luật ban hành đảm bảo được tính khả thi là đảm bảo ATTT trên môi trường mạng.
Qua thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật này thì các ĐBQH cũng rất quan tâm tới hệ luỵ tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh, thiếu niên. Vậy Dự thảo Luật này đặt ra vấn đề quản lý ra sao khi vừa đảm bảo thông tin, vừa đảm bảo dân chủ?
- Để đảm bảo ATTT thì mỗi nước có nhiều đạo luật điều chỉnh khác nhau như Australia, New Zeland có một đạo luật riêng để điều chỉnh an toàn cáp quang trên biển; Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… ban hành luật riêng về đảm bảo ATTT cá nhân, còn luật của mình đã gộp tất cả ATTT mạng vào một luật. 
Những trường hợp như vụ việc nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử do không chịu nổi áp lực dư luận khi bị chính bạn trai tung clip sex lên mạng cũng đặt ra vấn đề ATTT trên mạng mà cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý, trong đó trách nhiệm của Bộ TT&TT. 
Qua vụ việc này, về mặt giáo dục đạo đức xã hội thì gia đình phải quản lý con cái, quản lý thành viên trong gia đình. Bản thân mỗi cá nhân cũng phải ý thức được rằng những thông tin mình đưa ra phải góp phần cho xã hội tốt hơn, chứ không được đưa ra những thông tin làm tổn hại người khác. 
Khi phát hiện những thông tin xấu gây ảnh hưởng lớn tới xã hội thì nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng để giúp cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời hơn, nhanh nhạy hơn. Vì lượng truy cập, sự lan truyền những thông tin xấu ngày càng tăng thì sẽ là áp lực, sức ép và bế tắc với một cá nhân hay thậm chí một cộng đồng, xã hội.
Còn về mặt quản lý, chúng tôi cũng phải khuyến cáo tất cả các nhà mạng khi phát hiện ra những nội dung tương tự thì phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son 
Thách thức không của riêng Việt Nam
Qua phân tích của ĐBQH những thông tin của mạng xã hội có máy chủ ở trong nước thì có thể kiểm soát, nhưng nếu những trang thông tin mà máy chủ đặt ở nước ngoài thì sự kiểm soát khó khăn. Dự thảo Luật này hướng tới việc xử lý tình huống này ra sao?
- Những thông tin xuyên biên giới không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà cả thế giới. Ngay cả Mỹ cũng phải thường xuyên phát đi những thông tin cảnh báo tấn công vào mạng lưới thông tin của mình khi cả trang web của các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng bị tấn công. Nên các cơ quan an ninh tìm mọi cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn, cảnh báo, kiểm soát một số trang thông tin có máy chủ từ nước ngoài. 
Hiện chúng ta có 8 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ này, các công ty này cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, bằng cả biện pháp kỹ thuật dù biện pháp kỹ thuật thì cũng không thể nào tuyệt đối, vì hiện nay đã xuất hiện nhiều hacker với thủ đoạn tinh vi có thể vượt rào tường lửa.
Ngoài ra, cũng tăng cường biện pháp tuyên truyền để hạn chế việc tiếp cận thông tin từ những trang tin không chính thống. Đơn cử như trang tin “Quan làm báo” sau một thời gian chúng ta tích cực tuyên truyền thì nay người dân đã không còn vào truy cập xem thông tin trên trang này nữa. 
Đây là biện pháp quan trọng để mọi người có ý thức bảo vệ chính mình, cộng đồng, xã hội và đồng thời nhận biết đâu là thông tin sai trái trên mạng. Từ đó, khuyến khích mọi người cung cấp thông tin tốt, thông tin chính thống lên mạng, để những thông tin đưa lên mạng có nhiều thông tin tốt về đời sống, con người, thành tựu kinh tế...
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 72, khi đăng ký cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng thì buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt ít nhất một máy chủ phải ở Việt Nam để có thể quản lý được và dễ dàng giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà máy chủ không đặt ở Việt Nam thì hiện giờ rất khó kiểm soát hết.
Phải trong khuôn khổ pháp luật
Như vậy, để chống lại những thông tin, luận điệu xấu thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn?
- Đúng vậy. Với việc thực hiện quy chế người phát ngôn, các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin qua các cuộc họp báo, công khai thông tin trên trang điện tử. Còn nếu có việc đột xuất, nhất là những thông tin có mức độ ảnh hưởng lớn tới xã hội thì phải cung cấp ngay. Việc này đã được các cơ quan Bộ, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên, hạn chế được thông tin nhiễu tạp. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan Bộ, ngành chưa triển khai tốt và đã được Thủ tướng chỉ đạo, nhắc nhở. 
Hiện nay có tình trạng mạo danh trên facebook, ngay cả đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật ATTT, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đề nghị cấm mạo danh trên facebook. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? 
- Đó là cái khó và thách thức trong quản lý trang thông tin cá nhân, facebook có máy chủ đặt ở nước ngoài. Facebook là mạng xã hội lớn, mọi người đều có quyền sử dụng, khó có ai quản lý được nên đưa ra chế tài cấm mạo danh trên facebook là một thách thức, gần như là chưa thể. Theo Hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin nhưng nếu tự do này dẫn tới phương hại tới lợi ích người khác, tự do của mình ảnh hưởng tới tự do người khác thì phải bị xử lý.
Các cơ quan chức năng cũng đang tìm cách tiến tới để giải quyết tình trạng này để mọi hành vi được tự do nhưng trong khuôn khổ pháp luật. Đơn cử, người dân có quyền tự do sử dụng facebook, nhưng nếu dùng facebook đăng thông tin bôi xấu người khác là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của người khác thì bị lên án, đấu tranh; chưa kể nếu nói xấu Đảng, Nhà nước, cần phải nghiêm trị.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm