Cuộc khởi nghĩa khẳng định phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Yên Thế song song, tồn tại và phát triển cùng với phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896). Đến nay còn hai di tích ghi dấu cuộc khởi nghĩa Yên Thế ở Bắc Giang.
Phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế đã đánh dấu một thời kỳ quật khởi oanh liệt, chứng minh sức dự trữ hùng hậu của giai cấp nông dân trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc. Ngày 26/1/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích chùa Thông và đình Dĩnh Thép gắn với hai sự kiện lịch sử trọng đại của phong trào Yên Thế là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.
Chùa Thông thuộc xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế là nơi ghi dấu về sự kiện hoà hoãn giữa thực dân Pháp và thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa Yên Thế lần thứ nhất. Cuộc hội đàm giữa Đề Thám và giám mục Vêlátcô năm 1894 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Còn đình Dĩnh Thép thuộc xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế là công trình kiến trúc được xây dựng từ xa xưa đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 9 (năm 1907), Đề Thám đã cho tu sửa tôn tạo ngôi đình gồm ba gian hai chái kiến trúc kiểu chữ đinh. Đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra Hội nghị quan trọng của nghĩa quân Yên Thế: Hội nghị được triệu tập vào ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Tý gồm các thủ lĩnh. Hội nghị đã cử ra một Bộ chỉ huy kháng chiến gồm: Bá Phức làm tổng thống quân vụ, tức Chánh tướng, Đề Nắm làm tả dực tướng quân tức phó tướng, phụ trách hậu cần.
Đề Thám làm hữu dực tướng quân tức phó tướng chỉ huy tiền quân. Tại đình Dĩnh Thép năm 1894, Đề Thám cho bắt tên điền chủ người Pháp khét tiếng SẹtXnay và tên thư ký LôGiu buộc giặc Pháp phải thương thuyết để đi đến kết quả như đã nói ở trên. Chùa Thông, đình Dĩnh Thép là những di tích lịch sử, là chứng tích của cuộc đấu tranh của những người con chính nghĩa của dân tộc.