“Chùn tay” khi cưỡng chế giao người chưa thành niên?

Đưa nhau ra tòa ly hôn, anh Hoàng, chị My không thỏa thuận được việc nuôi con chung vì ai cũng muốn giữ bé trai bên mình buộc Tòa phải đứng ra phân giải. Tuy nhiên, công đoạn thi hành án (THA) thì gần như bế tắc vì bé Minh nhất định không chịu về với mẹ đẻ…

Đưa nhau ra tòa ly hôn, anh Hoàng, chị My không thỏa thuận được việc nuôi con chung vì ai cũng muốn giữ bé trai bên mình buộc Tòa phải đứng ra phân giải. Tuy nhiên, công đoạn thi hành án (THA) thì gần như bế tắc vì bé Minh nhất định không chịu về với mẹ đẻ…

Cán bộ thi hành án trao đổi nghiệp vụ

Nhất quyết không giao, thi hành án cũng chịu?

5 năm sau ngày cưới, anh Hoàng, chị My đưa nhau ra tòa xin ly hôn vì đủ thứ lý do để cuộc hôn nhân không thể tồn tại. Khi ấy, bé Minh, con chung của anh chị mới hơn ba tuổi. Chị My là chủ một doanh nghiệp lớn, rất có điều kiện về kinh tế, còn anh Hoàng thì chỉ là nhân viên ở một cơ quan nhà nước, lương tháng đủ cho cuộc sống nếu biết tằn tiện. Xét về mọi mặt, chị My đều có điều kiện để chăm sóc bé Minh tốt hơn. Cũng vì cháu Minh còn nhỏ rất cần có hơi ấm của mẹ nên sau khi xem xét, Tòa quyết định giao bé Minh cho chị My nuôi dưỡng. Bù lại, mỗi tháng anh Hoàng phải cấp dưỡng cho cháu đến khi cháu trưởng thành.

Đúng thời điểm án phúc thẩm có hiệu lực thì chị My lại có một chuyến công tác kéo dài hơn 2 tháng ở nước ngoài nên cháu Minh vẫn ở với bố. Trở về nước, chị My thường xuyên đến thăm con nhưng cũng chưa đón bé về ngay bởi chị thường bị cuốn đi bởi công việc. Có lẽ cũng chính vì thế đứa bé tỏ ra bớt quyến luyến với mẹ. Lúc này, anh Hoàng cũng không tự nguyện giao cháu bé vì cho rằng chị My quá bận rộn không có thời gian dành cho con. Nhiều lần thương lượng không được, chị My quyết định nhờ cơ quan THA “phân giải”.

Tuy nhiên, sau khi ra quyết định THA, cơ quan THA dường như bế tắc vì anh Hoàng vẫn nhất định không giao con, bé Minh nhiều lần được hỏi cũng không chịu về với mẹ, trong khi chị My nhất định đòi phải thi THA. Sự việc kéo dài đến hơn 2 năm cho đến khi anh Hoàng “kiện ngược” đòi giành quyền  thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án.

Luật cho phép, nhưng khó lòng cưỡng chế

 Điều 120 Luật THADS về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định quy định: Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện THA.

 Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Với quy định nêu trên, rõ ràng nếu như người phải THA không tự nguyện cơ quan THA có quyền cưỡng chế để giao cho người được THA. Tuy nhiên, một chấp hành viên cho biết “việc cưỡng chế hầu như không thể thực hiện”. Theo lý giải của chấp hành viên này, thì luật pháp là một chuyện, nhưng tình người còn khó xử hơn, nhất là khi đó là tình ruột thịt máu mủ giữa cha, mẹ con.

“Ai có thể đành lòng nhìn cảnh đứa trẻ bị chia rẽ thêm một lần nữa khi Tòa tuyên chúng phải ở với một người nhưng vì nhiều lý do chúng lại muốn ở với người kia. Hoặc nếu người đang nuôi dưỡng chúng cố tình tìm cách giữ chúng thì xét cho cùng cũng là tình cảm ruột thịt, đem ra cưỡng chế không nỡ”, Chấp hành viên này nói. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, việc không cưỡng chế không có nghĩa là đầu hàng, bởi với những trường hợp này, vận động thuyết phục là cách tốt nhất.

Còn trong trường hợp nếu người trực tiếp nuôi con không bảo đảm được cuộc sống cho đứa trẻ cả về vật chất, tinh thần, hoặc nếu đứa trẻ có nguyện vọng được thay đổi người nuôi dưỡng thì người không được giao quyền nuôi con có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Đó là cách tốt nhất giành lại quyền nuôi con mà không vi phạm luật pháp.

Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác

(Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình)

Duy Hưng

Đọc thêm