Chứng minh nhân dân hết hạn, có được hưởng bảo hiểm y tế không?

(PLVN) - Bạn đọc Nguyễn Hữu Khoa (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Mẹ tôi bị bệnh tai biến đã lâu không đi lại được, năm nay đã 84 tuổi (sinh 1935). Hiện nay, mẹ tôi đang ở với con trai tại TP HCM mà tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại Thái Bình. Khi nhập viện thì bệnh viện nói chứng minh nhân dân (CMND) hết hạn, bệnh viện yêu cầu CMND mới hoặc giấy xác nhận của địa phương có đúng không? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thẻ BHYT của mẹ tôi đến 31/12/2020 mới hết giá trị. Mẹ tôi là lão thành cách mạng, 50 năm tuổi Đảng, tham gia BHYT liên tục bao năm nay. Mà theo quy định tôi được biết thì ngoài 60 tuổi không cần đổi CMND. Vậy, xin hỏi trường hợp này tôi cần phải làm gì để mẹ tôi được hưởng quyền lợi BHYT khi điều trị tại bệnh viện?

- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: Người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

Như vậy, ngoài chứng minh nhân dân mẹ ông có thể xuất trình các loại giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để đi khám chữa bệnh BHYT.

Đọc thêm