Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa truyền thống, đặc trưng của cư dân vùng biển miền Trung, Nam bộ, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.Đây là sự kiện lớn nhất trong năm đối với ngư dân nhằm cầu mùa, tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, "tấn tài, tấn lợi, tấn bình an".
Lễ hội Cầu ngư là sản phẩm văn hóa truyền thống đặc trưng của ngư dân các vùng biển miền Trung |
Hơn nữa, Lễ hội Cầu ngư còn là nguồn sử liệu, là bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam.
Trong những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền TP. Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức của bà con ngư dân, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương thực hành nghề biển.
Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng |
Tại buổi lễ, dân làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
Tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... Năm nay Lễ hội Cầu ngư được tổ chức làm 3 phần gồm: Khai mạc với phần Lễ Nghinh thần- Trống khai hội và múa Trình tường; Phần 2 là Tôn vinh Di sản Lễ hội Cầu ngư truyền thống Đà Nẵng- công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận, phần 3 là Lễ tế chính với nhiều nghi thức được diễn ra.
Các cụ cao niên hiền đức có uy tín với ban chài được chọn tham gia trong ban nghi lễ |
Bộ VH-TT-DL đưa "Lễ hội Cầu ngư tại TP. Đà Nẵng" vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.