Chị “Jang kều” và hành trình “nhà nổi”
Trước đây mỗi lần nghe tin các nơi bị lũ lụt, Hương Giang lại lặn lội mang quần áo, chăn màn, mì tôm, thực phẩm… đến cho bà con với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cứ vậy, có lũ là chị lại khăn gói lên đường.
Và rồi năm 2009, trận lũ lịch sử đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, tại địa điểm phát quà là một ngôi trường, sau lũ bùn đất ngập ngụa cao cả thước. “Nhìn cảnh đó, tôi quyết định phải mang quà đến tận nhà cho bà con. Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, người dân bơ phờ vì đói lạnh, họ phải ăn mì gói thay cơm. Lúc ấy, có bao nhiêu tiền trong túi, tôi lấy ra cho hết, cho hết…”.
“Cảnh tượng khiến tôi ám ảnh mãi là hình ảnh một người đàn ông đứng thất thần trước ngôi nhà đổ nát với mớ nồi xoong sứt mẻ, trên tay ôm chặt bức hình thờ. Tôi gọi mãi mà ông không hề nghe thấy. Có thể nỗi đau quá lớn vì mất mát đã khiến ông bị “đông cứng”.
Ngay lúc ấy, trong tôi bừng lên một ý nghĩ: Nếu cứ cho mì, cho gạo thì sang năm và những năm sau nữa, cảnh này sẽ còn tái diễn. Với nỗi ám ảnh đó, tôi biết mình sẽ phải làm khác đi, phải mang đến cho người dân một điều gì đó mang tính bền vững, ổn định hơn”…
Thế rồi năm 2013, sau một cơn lũ, Hương Giang thấy trên Facebook của người bạn đăng tấm hình một ngôi nhà an toàn vững chãi trên 6 chiếc cột bê tông. Chị được biết, ngôi nhà đó đã xây được 11 năm mà vẫn an toàn, vững chãi với gió mưa, bão lũ. Lập tức trong đầu chị nảy ra ý nghĩ về một ngôi nhà chống lũ.
Khi đó, nhiều người cười cho rằng chị quá viển vông, nhưng Hương Giang vẫn quyết tâm theo đuổi. Chỉ một tuần lễ sau, quỹ ra đời. Với số tiền ban đầu quyên góp được là 200 triệu, chị đến Hương Sơn (Hà Tĩnh) khảo sát để xây ngay 5 căn nhà đầu tiên. Những ngôi nhà ấy đã được xây trong thời gian kỷ lục là 35 ngày, bà con kịp đón Tết trong nhà mới.
Nhiều người chất vấn Hương Giang vì sao làm từ thiện mà bắt người thụ hưởng phải chịu 50% chi phí? Bởi theo chị, phải để người dân chia sẻ trách nhiệm, gắn bó và thật sự thấy đó là “ngôi nhà của mình” khi chính họ có đóng góp công sức, tiền của trong đó.
“Chúng tôi muốn ngôi nhà không chỉ an toàn mà người dân còn phải thấy hạnh phúc khi sống trong đó. Vì vậy, tốt nhất là nên xây trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của họ; phải hiểu người dân, cùng làm điều họ muốn, chẳng hạn có người thích sơn ngôi nhà màu tím, lại có người lại thích làm cái cửa sổ hình tròn. Chính điều này làm cho ai xây xong nhà cũng hài lòng thốt lên “đây là nhà tôi”…
Có một kỷ niệm mà chị ám ảnh mãi, đó là chuyến đi khảo sát để xây những ngôi nhà đầu tiên. Chị được đưa đến nhà một bà cụ. Bước vào căn nhà trống hoác, ẩm thấp, trơn trượt, chị hỏi bà trong nhà thứ gì có giá trị nhất thì bà chỉ lên trần nhà. Chị nhìn theo hướng ấy và thấy lạnh toát cả người. Trên căn gác xép là một chiếc quan tài đỏ…
Bà cụ cho biết, ba năm trước, chồng bà mất đi giữa những ngày lũ dữ. Lúc ấy, bà chỉ tìm được một manh chiếu để chôn ông. Sau đó, trong nỗi ám ảnh, bà gom góp tiền phúng điếu ông, tiền bán hoa màu, tiền được hỗ trợ… để mua cho mình một chiếc “áo quan” và bình thản trước cái chết...
“Tôi nghe bà kể chuyện mà chết lặng. Sao trên đời lại có người khổ đến thế, khổ đến không còn nghĩ đến sự sống mà chỉ nghĩ đến cái chết. Điều đó càng thôi thúc tôi phải thực hiện cho bằng được tâm nguyện của mình là giúp những người khốn khó có được một ngôi nhà đàng hoàng, đúng nghĩa để vui sống”…
Chỉ khi mỗi người là “một căn nhà chống lũ”
Mặc dù sau 7 năm xây gần 800 ngôi nhà chống lũ trên khắp cả nước, chị không hy vọng mình sẽ gây thêm được Quỹ mà mong muốn sẽ được chuyển giao công nghệ kỹ thuật để nhân rộng mô hình Nhà Chống Lũ cho các mạnh thường quân khác. Hơn hết, chị hy vọng mỗi cá nhân có thể là một nhà chống lũ bằng những hành động nhỏ nhất như hạn chế rác thải hay trồng thêm cây xanh để bảo vệ môi trường!
Anh Đinh Bá Vinh, kiến trúc trưởng của chương trình Nhà Chống Lũ cho biết, mô hình Nhà Chống Lũ được mọi người biết đến nhiều nhất là mô hình nhà phao thực hiện ở vùng Tân Hóa, Quảng Bình. Tuy nhiên, mô hình đầu tiên là bê ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc lên 6 cột bê tông cao để tránh lũ quét hàng năm trước, về sau bà con có thể đắp thêm vách để thành nhà 2 gác.
Mọi người đều nghĩ để xây một ngôi nhà 2 tầng phải có vài trăm triệu nhưng với cách xây dựng từng bước “như nấu cháo rìu” của Nhà Chống Lũ thì bà con chỉ cần đóng góp 45-50 triệu ban đầu. Nhiều ngôi nhà được cải tạo dựa trên chính ngôi nhà hiện tại sẽ tốn kinh phí ít hơn. Hiện nay, chương trình đã phát triển đến 9 mô hình Nhà Chống Lũ phù hợp với điều kiện của từng vùng miền từ các tỉnh phía Bắc, Miền Trung đến Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Với câu hỏi “Tình hình lũ lụt miền Trung năm nay khắc nghiệt hơn mọi năm, nhiều gia đình đã mất trắng thì chương trình có thể có ngoại lệ hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà cho bà con được không?”, chị Jang Kều thẳng thắn “để đi được xa thì chương trình phải bám sát tiêu chí của mình. Bản thân người làm từ thiện cũng phải có một cái đầu lạnh biết tính toán”.
Thông thường các đoàn cứu trợ tự phát sẽ đến trao quà cho những gia đình nghèo nhất, bị thiệt hại nhiều nhất theo danh sách cán bộ xã đưa rồi mới tới các gia đình nghèo nhì, nghèo ba… Kết quả là có những hộ được cứu trợ vài trăm triệu đồng, hàng trăm thùng mì còn nhiều nhà không có gì cả trong khi thực tế chính những gia đình ít nghèo lại là những người chăm chỉ lao động hơn. Thế nên mới có chuyện nhiều người gọi là “lũ vàng” và từ chối xây lại nhà, vì cho rằng phải mất nhà như thế thì mới nhận được nhiều tiền cứu trợ.
Tuy nhiên, theo chị, dẫu có hàng trăm tổ chức Nhà Chống Lũ thì chúng ta không thể cứ xây nhà để rồi hàng năm lũ lại quét đi. Bão lũ sẽ ngày càng cực đoan khi rừng đầu nguồn không còn nữa, môi trường bị hủy hoại bởi rác thải… Và ước mông về một môi trường xanh, trong lành chỉ có khi mỗi người cùng chung tay từ những điều nhỏ nhất, ngay từ bây giờ…
Ca sỹ Hà Anh Tuấn đã trồng trên 1.800 cây xanh
Những ngày này dự án “Rừng Việt Nam” là dự án cộng đồng Hà Anh Tuấn công bố trên sân khấu live show “Truyện ngắn” tại Hà Nội vào tháng 10-2019. Anh cam kết sẽ trồng và nuôi dưỡng hai cánh rừng đầu tiên trong năm 2020. Vào tháng 8 và tháng 10, lời hứa đã được thực hiện.
Ngày 8-8, đoàn của Hà Anh Tuấn trồng cánh rừng thứ nhất tại tiểu khu 227A, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Đoàn trồng 1.500 cây mai anh đào và hỗ trợ chăm sóc toàn bộ cây thông ba lá đang tái sinh tự nhiên trên diện tích 23.000m2.
Ngày 23-10, đoàn trồng cánh rừng thứ hai tại tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Đoàn trồng 305 cây, bao gồm các loại cây bản địa như sao đen, dầu rái, chò đen trên diện tích 2.500m2.
Kinh phí được Hà Anh Tuấn và công ty trích ra từ những sản phẩm và hoạt động nghệ thuật của anh, dưới tên gọi của khán giả ủng hộ Hà Anh Tuấn. Công ty hợp tác cùng các địa phương, Đoàn thanh niên tại Lâm Đồng và Đà Nẵng, lực lượng kiểm lâm để hoạt động trồng rừng được thuận lợi.
Phía Hà Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ hết mình của Đoàn thanh niên tại Lâm Đồng và Đà Nẵng, sự tư vấn quý giá của các anh chị hạt kiểm lâm, bà con lâm nghiệp bao gồm những người đồng bào miền cao yêu và giữ rừng tại hai địa phương trên”.
Bên cạnh đó, Hà Anh Tuấn cho rằng hoạt động trồng rừng rất cần được phát huy trong bối cảnh miền Trung đón nhận thiên tai nghiêm trọng. “Với những đóng góp nhỏ bé, chúng tôi tin vào hướng đi đang theo đuổi. Thêm một người trồng cây gây rừng thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội được sống trong một đất nước giảm thiểu thiên tai”...
Dự án “Rừng Việt Nam” đang được Hà Anh Tuấn và công ty phát triển ở những địa phương khác. Bên cạnh đó, nam ca sĩ sẽ hợp tác với các địa phương trước để theo dõi, chăm sóc và nuôi lớn các cánh rừng đã trồng…