Ngày hôm qua báo chí đưa tin Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân “giật mình” với kết quả chống tham nhũng. Đấy là câu chuyện “rút tít” của mấy anh nhà báo. Thực ra, “nỗi đau” không hề mới, thể hiện qua “thực trạng” ở TP HCM.
Thứ nhất, toàn thành phố có hơn 37.000 bản kê khai thu nhập của cán bộ, công chức. Nhưng báo cáo nêu ra không phát hiện ra “bất minh” và không có ai bị xử lý tham nhũng. Thứ hai, thành phố chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Thành phố có gần 10 triệu dân, khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn. Nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết. Đọc mà thấy giật mình”, ông Bí thư nói (dẫn theo phản ánh của báo chí). Thứ ba, năm 2017 thành phố tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu tại 63 đơn vị và kết quả là chưa xử lý trường hợp nào.
Mãi mãi là thế thôi, đây là thực trạng chung của đất nước, không riêng bộ (ngành, lĩnh vực) và địa phương nào.
Chợt nhớ, những năm cuối của thế kỷ 20, khi Quốc hội giao cho Chính phủ và Chính phủ giao cho Thanh tra Nhà nước (bây giờ là Thanh tra Chính phủ) soạn thảo để sửa đổi nâng Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng (năm 1988) và nâng lên thành Luật năm 2005 (nay đã sửa đổi nhiều lần). Hồi đó một Vụ trưởng (sau này được bổ nhiệm Phó Tổng Thanh tra) được giao chủ trì nghiên cứu luôn ao ước: Thanh tra được giao thêm quyền, được thành lập Cục Phòng chống tham nhũng... Ao ước của ông sau này thành hiện thực. Tất nhiên, không chỉ riêng Thanh tra Chính phủ mà Bộ Công an... đều có Cục Phòng chống tham nhũng. Người ta cứ nghĩ có tổ chức chuyên trách thì tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.
Hóa ra không phải thế, có nhiều bộ phận, tầng nấc trung gian về phòng chống tham những nhưng tham nhũng vẫn không dừng. Các vụ việc được phát hiện nhiều khi chỉ bắt đầu bằng một đơn tố cáo (ngay cả vụ ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50- Bộ Công an vừa bị bắt tạm giam), hoặc mâu thuẫn từ nội bộ khơi mào cho việc thanh tra, điều tra mới phát hiện ra.
Gần như “kê khai” chỉ là thứ hình thức, gần như “học tập”, “vận động”... chỉ mang tính “biểu tượng”?
Những năm 70 của thế kỷ 20, chỉ bằng phát hiện của một người lấy nước gạo khi họ thắc mắc, “tại sao giữa thời đói khổ thế mà có nhà vứt cả cổ, cánh gà” mà chúng ta phát hiện ra một vụ ăn cắp tiền cũ (để đổi) ngay trong cơ quan ngân hàng. Thế đấy, bất minh trong sinh hoạt, thu nhập, tiêu xài của cán bộ, nhất là cán bộ có quyền, chức bao giờ cũng có giá trị như một chứng cứ.
Do vậy, thời nay, giật mình hay không giật mình tùy vào cảm xúc là bao giờ nó xảy ra mà thôi.