Chung tay bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 được bắt đầu từ 25/5- 30/6/2021, diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trẻ em cũng không nằm ngoài sự tác động đó và trở thành đối tượng cần quan tâm đặc biệt hơn cả.
Chung tay bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Zing
Chung tay bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Zing

COVID-19 càn quét khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ và mang đến nhiều hệ lụy, trên khắp mọi mặt của đời sống. Trẻ em cũng là đối tượng không nằm ngoài những tác động “khủng khiếp” của đại dịch.

Tờ L’Express hôm 23/5 đã có bài viết về thực trạng số lượng trẻ em có thể mắc các thể nặng của COVID-19 ở một số nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia.. Theo hãng tin BBC, có khoảng 1.300 trẻ ở Brazil đã tử vong kể từ đầu đại dịch, các số liệu cho thấy tính đến ngày 15.4 đã có 2.216 trẻ em dưới 9 tuổi tử vong vì COVID-19 và hơn 67.000 trẻ em dưới 9 tuổi phải nhập viện. Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian tới, virus có nguy cơ dễ lây lan hơn do các đột biến mới và rất có thể nghiêm trọng hơn với trẻ em.

Công bố mà Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 11/3 đã nhận định về “một bước thụt lùi sẽ để lại vết sẹo khó mờ cho cả một thế hệ”.

Cũng theo UNICEF, dịch COVID-19 không chỉ tác động nghiêm trọng tới nhóm người cao tuổi mà cả trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 20 tuổi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu mà tổ chức này công bố, nhóm tuổi này chiếm tới 13% trong tổng số 71 triệu ca COVID-19 ghi nhận tại 107 quốc gia có cung cấp dữ liệu độ tuổi trong thống kê các ca bệnh.

Không thể đến trường do trường học đóng cửa, khó khăn trong việc tiếp cận hình thức học tập trực tuyến là tình trạng chung của trẻ em tại một số quốc gia trên thế giới. Và hệ quả của tình trạng đóng cửa các trường học và kinh tế suy giảm là khoảng 10 triệu trẻ em trên thế giới có thể bị buộc kết hôn tính đến năm 2030. Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, tối thiểu 1/7 trẻ em hoặc trẻ vị thành niên trên thế giới đã phải ở nhà, làm gia tăng cảm giác lo lắng, cô độc và đầy áp lực.

Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 cũng cản trở các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa những căn bệnh khác, trong đó có tiêm chủng phòng sởi tại 26 quốc gia, làm gia tăng nguy cơ y tế với nhóm không được tiêm chủng.

Trước những tác hại của dịch, Liên hợp quốc đã kêu gọi đặt trẻ em làm trung tâm mọi nỗ lực phục hồi, đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu tiên mở cửa các trường học trước tiên trong các kế hoạch mở cửa trở lại trên thế giới. Việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng được lên kế hoạch và dần dần tiến hành ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ. Mới đây, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu cũng đã phê chuẩn sử dụng Vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer- BioNTech cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15.

Số trẻ em là nạn nhân trực tiếp của dịch có thể sẽ tăng lên

Tại Việt Nam, từ khi làn sóng COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trẻ em cũng nằm trong số nhóm chịu tác động không hề nhỏ. Theo số liệu từ Bộ lao động-Thương binh và xã hội, tính đến 28/5, cả nước có 198 trẻ thuộc diện F0; 3.915 thuộc F1, trong thời gian tới số trẻ em là nạn nhân trực tiếp của dịch có thể sẽ tăng lên.

Trao quà cho các em nhỏ đang cách ly tại Trung đoàn 833 nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Trao quà cho các em nhỏ đang cách ly tại Trung đoàn 833 nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Tại những địa phương đang được áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa hay ở khu cách ly, trong nỗi lo chung về an toàn trong dịch bệnh và sự trăn trở của phụ huynh về cuộc sống mưu sinh khi “sống chung” với dịch thì quyền được vui chơi của trẻ em cũng bị ảnh hưởng.

Nhằm chăm sóc, bảo vệ trẻ trước tác động của dịch, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 0-16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung với mức hỗ trợ là 80.000đ/ngày/cháu từ 27/4 - 31/12/2021.

Ngoài nhóm trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp thuộc diện F1,F0 đang phải chữa trị, cách ly tập trung, trẻ em nói chung đang phải chịu ảnh hưởng gián tiếp khi bị xáo trộn về điều kiện học tập, tác động về mặt tâm lý và còn nhóm trẻ phải chịu tác động kép của đại dịch như trẻ thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn, trẻ khuyết tật, mồ côi..

Năm nay, tháng hành động vì trẻ em tại nước ta được bắt đầu từ 25/5- 10/6/2021 với chủ đề “Chung tay đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh” được hưởng ứng tích cực. Công tác tuyên truyền, cung cấp những kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và đặc biệt là trẻ em được quan tâm. Đặc biệt chú trọng phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em; hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp liên quan đến trẻ em trong tình huống dịch bệnh.

Vì vậy, trong tình hình dịch COVID-19, những kỹ năng quan trọng sẽ được truyền đạt trong Tháng hành động vì trẻ em như: Chăm sóc trẻ em tại các khu cách ly, giãn cách, bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chống tai nạn thương tích và đuối nước với trẻ em cũng sẽ được triển khai.

Trẻ em chính là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương trong đại dịch COVID-19 và cần được quan tâm, hỗ trợ nhất hiện nay. Mỗi một vòng tay yêu thương, hành động thiết thực vì trẻ em trong giai đoạn này sẽ là điểm tựa cho các em vượt qua khó khăn, không trở thành đối tượng bị “bỏ lại phía sau” trong đại dịch COVID-19./

Luật Trẻ em quy định, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đồng thời tuyên truyền, phổ biến và vận động tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Liên quan đến vấn đề trẻ em, Ủy ban quốc gia về trẻ em vừa gửi Công điện số 01 ngày 20/4/2021 tới các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em.

Đọc thêm