Chung tay phổ biến pháp luật tại Nghệ An

 Theo số liệu của ngành Toà án tỉnh Nghệ An, trong hàng ngàn vụ án được thụ lý hàng năm, thì tỷ lệ các vụ án mà bị cáo là người ở các vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số là rất lớn (trên 50%), chủ yếu do bị lôi kéo, dụ dỗ, nhất là trong các đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý.

Theo số liệu của ngành Toà án tỉnh Nghệ An, trong hàng ngàn vụ án được thụ lý hàng năm, thì tỷ lệ các vụ án mà bị cáo là người ở các vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số là rất lớn (trên 50%), chủ yếu do bị lôi kéo, dụ dỗ, nhất là trong các đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý.

Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ dân trí, đồng thời  phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào sẽ là cách tốt nhất để bà con nhận rõ đúng - sai, tránh các việc làm vi phạm pháp luật. 

Ảnh minh họa
Khi các ngành cùng vào cuộc

Nghệ An hiện có 10/20 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện miền núi cao, với các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ, cùng sinh sống, sản xuất. Với đặc điểm địa hình phức tạp, chia cắt bởi núi rừng hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Vì thế các thế lực thù địch và tội phạm hay lợi dụng tình hình này để hoạt động, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nắm rõ vai trò của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực để PBGDPL cho nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật, giúp đồng bào làm chủ được cuộc sống, sớm xây dựng kinh tế gia đình thoát khỏi đói nghèo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh Nghệ An, trong đó Sở Tư pháp đóng vai trò chủ trì đã phối hợp với các ngành, các cấp, thực hiện nhiều biện pháp, triển khai nhiều kế hoạch PBGDPL một cách rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới, nhiều hình thức đã được lồng ghép để tuyên truyền đạt được hiệu quả cao nhất.

Thông qua cơ quan Tư pháp, các hình thức: mở hội nghị tập huấn pháp luật; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động; in sao băng đĩa, tờ rơi, tờ gấp có nội dung pháp luật; tuyên truyền qua mạng lưới truyền thanh cơ sở; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng các bảng tin, trạm tin ở các cụm dân cư.

Hai năm lại đây, đã có 15.000 buổi tuyên truyền đã được tiến hành, hơn 6.000 cuốn tập san đã được cấp phát phục vụ cho công tác tuyên truyền. Các huyện như: Quế Phong, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương... đã tổ chức được các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng thi hiểu biết hoặc sân khấu hoá, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Phối hợp với Sở Tư pháp còn có các ngành cấp tỉnh tích cực triển khai như: Sở GD&ĐT đã mở các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy giáo dục công dân ở các huyện miền núi; tỉnh Đoàn phối hợp với các ngành chức năng mở Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở 10 huyện miền núi; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT mở nhiều lớp giảng dạy cho các học sinh lớp 9 ở địa bàn biên giới về Luật Biên giới quốc gia, Luật phòng chống ma tuý…

Lực lượng Công an công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cũng lồng ghép nhiều chương trình nhằm TTPBGDPL. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành hơn 10.000 cuốn sổ tay pháp luật và hơn 22.000 tờ gấp có nội dung pháp luật liên quan đến đời sống của người dân miền núi. Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền PBGDPL.   

Hình thức không thể dập khuôn

Thế nhưng, rõ ràng việc khác biệt giữa vùng đồng bằng và miền núi, cùng sự cách xa về địa lý, đã ảnh hưởng không nhỏ đến TTPBGDPL. Hơn nữa một số hình thức tuyên truyền đã cũ nhiều lúc đã không còn đáp ứng được với nhu cầu tiếp thu thực tế của người dân, thậm chí đồng bào ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được với những thông tin tuyên truyền.

Một số hình thức chưa phát huy hiệu quả ở khu vực miền núi như chương trình xây dựng tủ sách pháp luật, trong khi đó các chương trình có tác dụng trực tiếp như tuyên truyền miệng, xem phim ảnh, sân khấu hóa lại chưa được phát huy một cách tối đa.

Chính vì thế, để công tác TTPBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đạt được hiệu quả cao, có tác dụng sâu rộng, thì nhất thiết sự tuyên truyền đó phải gắn với thực tế trước mắt, không thể áp dụng một khuân mẫu như đối với các huyện miền xuôi. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp thực hiện cũng như tích cực kiểm tra, đôn đốc đối với việc thực hiện công tác tuyên truyền. Kết hợp tuyên truyền với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở địa phương, để người dân thật sự tin và làm theo.

Lê Thạch

Đọc thêm