Chuyện bây giờ mới kể về những người con ưu tú của đất Hòa Cường

(PLO) - Trong số 42 người con của phường Hòa Cường, TP. Đà Nẵng nhập ngũ năm 1987, có 7 người vào Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Ngày tạm biệt gia đình ra xây đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa cũng là ngày 7 chiến sĩ ra đi mãi mãi trong trận chiến giữ đảo vào tháng 3/1988.

 9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) bị Trung Quốc bắt giữ được thả về sau 3 năm giam giữ trái phép (ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu).
9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) bị Trung Quốc bắt giữ được thả về sau 3 năm giam giữ trái phép (ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu).
Tuổi 20 hát cùng sóng biển
Trong nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trường Sa, lịch sử Quân chủng Hải quân mãi nhắc đến 7 chiến sĩ của Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1988. 
Một ngày đầu tháng 8, tôi tìm đến gặp Anh hùng Đại úy Nguyễn Văn Lanh, hiện đang công tác tại Phòng Hậu cần hành chính phía Nam Quân chủng Hải quân -  một trong các chiến sĩ của Đại đội 9 sống sót trở về. Ký ức trận hải chiến Trường Sa ùa về xúc động khi anh Lanh kể về sự hy sinh của bảy đồng đội.
Sau ngày lên đường nhập ngũ và huấn luyện tân binh, 7 người con của phường Hòa Cường được biên chế vào Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Trước dã tâm của Trung Quốc đem quân đánh chiếm trái phép một số đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa, toàn bộ các chiến sĩ của Đại đội 9 được huy động đi đảo. “Phường Hòa Cường ngày ấy nghèo lắm. Người dân chủ yếu làm nghề biển nên nói đi Trường Sa là các chiến sĩ luôn sẵn sàng lên đường. Ngày lên đường, anh em chúng tôi nói với gia đình sẽ trở về, không ngờ đó là ngày chia tay lần cuối”. 
Anh Lanh mắt đỏ hoe nhìn ra khoảng trống trước phòng làm việc, rồi quay lại kể: Chiều 13/3/1988, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân có mặt trên tàu HQ-604 chừng nửa tiếng đồng hồ thì tàu Trung quốc đến. Sáng 14/3, sau khi bắt, giết hết số chiến sĩ giữ cờ trên đảo Gạc Ma, pháo 100 ly từ tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nã vào tàu HQ-604 cho tới khi tàu chìm. Không dừng ở đó, tàu Trung quốc tiếp tục truy sát những chiến sĩ còn sống sót. Một số chiến sĩ may mắn thoát được lúc đó cũng bị Trung Quốc truy lùng bắt làm tù binh đem về giam ở nhà tù Quảng Đông.
Bảy người con của phường Hòa Cường đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Trường Sa năm 1988 sau khi kết thành vòng tròn bất tử giữ cờ trên đảo Gạc Ma là Trương Quốc Hùng, Trần Văn Tài, Phan Văn Sự, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, Lê Văn Sanh, Nguyễn Phú Đoàn. Đại đội 9, nơi mà trước đây các anh đã học tập, rèn luyện nay vẫn còn phiên hiệu, chỉ khác là khuyết 7 vị trí.  
Những dòng thư để lại
Trong số 64 liệt sĩ nằm lại dưới sóng nước Gạc Ma của quần đảo Trường Sa, có một liệt sĩ quê Điện Bàn, Quảng Nam đất thép anh hùng tên Nguyễn Bá Cường. Để tường tận về anh, tôi đã tìm gặp Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-07 để nghe ông kể về liệt sĩ Cường tại nhà riêng của ông ở phường 11, TP.Vũng Tàu.
Cột mốc chủ quyền khẳng định Trường Sa của Việt Nam
Cột mốc chủ quyền khẳng định Trường Sa của Việt Nam 
Cũng như nhiều người lính hải quân xung phong đi Trường Sa năm 1988, Nguyễn Bá Cường được điều xuống tàu HQ-604 làm nhiệm vụ. Trước khi xuống tàu, Cường thuộc quân số biên chế của Học viện Hải quân Nha Trang. Ngày ra đi, bà Trương Thị Ngò, mẹ của Cường bảo: “26 tuổi rồi mà chưa vợ con gì. Đi xong đợt này, về cưới cô vợ, đẻ cho mẹ thằng cu rồi đi. Mẹ già rồi, cần có cháu bồng bế chớ”. Cường cười: “Mẹ yên tâm, con sẽ cưới vợ và đẻ một đàn cháu, tha hồ mẹ bế”. Ai ngờ, niềm ước mong nhỏ nhoi ấy chẳng thành sự thật, Nguyễn Bá Cường mãi mãi nằm lại biển khơi.
Sau 6 ngày hy sinh tại trận hải chiến Trường Sa 1988, di vật của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường được đưa về đất liền. Hành trang của người lính đảo chỉ có chiếc ba lô đựng bộ quân trang, vài lá thư và một cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư của người lính trẻ: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình (…), trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày hai bữa...”.
Trung tá Nguyễn Viết Chức xúc động: “Chú Cường hy sinh năm 26 tuổi. Trước khi đi Trường Sa, chú ấy cũng có người yêu. Cô bạn gái học cùng trường. Những ngày ở tàu HQ-604, không có điều kiện viết thư cho người yêu, chú ấy đành ghi trong nhật ký: “Anh phải ra đi vì non sông vẫy gọi, đất nước đang cần”. Câu nói đó cứ lặp đi lặp lại. Đã một thời, tôi dùng câu nói của anh để làm lý tưởng sống cho mình”.
Bữa cơm cuối cùng
Câu chuyện bữa cơm cuối cùng của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình 26 năm qua vẫn in đậm trong tâm khảm của người vợ trẻ - chị Đỗ Thị Hà. Lần theo số điện thoại, tôi gọi cho chị Hà để đề nghị chị kể về kỷ niệm thời anh Doanh còn sống. Từ đầu dây ở  Khánh Hòa, chị Hà nghẹn giọng: “Tôi chẳng quên được bóng hình anh ấy dù đã quá lâu rồi”. “Chuyện bữa cơm cuối cùng chia tay anh Doanh đi đảo thế nào chị?”. Thay câu trả lời là tiếng nấc nghẹn trong máy điện thoại. “Chuyện cảm động lắm anh ạ”, chị Hà trả lời.
Trước ngày lên đường đi Trường Sa, anh Doanh đến nhà chị Hà và nói với mẹ vợ: “Hôm nay, con ăn cơm nhà má bữa cuối, má à”. Má chị Hà mắng: “Anh chỉ nói gở”, rồi quay đi lau giọt nước mắt. Bà không muốn con rể nhìn thấy sự đau thương trước giờ đi đảo, dẫu bà hiểu có thể lời con rể nói là sự thật. “Sớm hôm sau, anh Doanh chia tay cả nhà lên đường. Đúng một tuần sau thì nhận được tin anh hy sinh, tôi như chết lặng, còn mẹ tôi thì gào khóc. Bà bảo, anh Doanh nói linh thật. Không ngờ bữa cơm ấy là lần cuối bà nấu cho anh. Cách đây mấy năm, ngư dân vớt được một số xương cốt của các liệt sĩ ở bãi cạn gần đảo Gạc Ma. Tôi đã lấy mẫu xét nghiệm ADN, hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Năm 2009, tượng đài Cam Ranh xây dựng, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó”, chị Hà nghẹn ngào khóc trong điện thoại./.

Đọc thêm