Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn như một thế giới tách biệt nằm khuất sau triền đê Vũ Vân (Vũ Thư, Thái Bình). Nơi đây có những người cả đời chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện có đứa con của riêng mình (vì sợ di truyền bệnh phong) nhưng lại chăm con cho bạn từ khi đứa trẻ còn đỏ hỏn.
Bất chấp “luật” cấm vẫn lén yêu
Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tẹo (75 tuổi, quê Ninh Bình) có lẽ được các bệnh nhân tại Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn kể lại nhiều nhất, với niềm cảm phục về tình mẫu tử của bà Tẹo dành cho những đứa trẻ không do bà sinh ra. Hiện bà và chồng là ông Trần Hữu Hào (75 tuổi, quê Hưng Yên) vừa dạy học vừa chăm lo cho hai đứa trẻ bị bệnh lạ được Bệnh viện nhận chăm sóc cách đây vài năm.
Nhắc lại những ngày xa xưa, ông Hào, bà Tẹo đều chùng giọng hồi ức về những năm tháng cay đắng, khó khăn cùng cực của cả hai. Ông bà vào sinh sống ở làng phong Văn Môn (tên thường gọi của Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn) khi mới là những cậu bé, cô bé 15-16 tuổi.
Vào làng, hai người cùng sinh hoạt ở đoàn thanh niên. Ban ngày làm việc của riêng mình, tối về hai người cùng đi đắp đê sông Hồng. Họ cứ giả vờ ở khu vực rửa tay chân thật lâu để được nói chuyện với nhau nhiều hơn. Tình yêu đến với họ lúc nào không hay và nảy nở mạnh mẽ.
Ông Hào nhớ lại, những năm 60-70 của thế kỷ trước, làng có lệnh cấm bệnh nhân phong lấy nhau. Hai khu nam và khu nữ tách riêng biệt nên việc đi lại, hỏi han nhau cũng khó khăn. Ông Hào ngày ấy là thành viên của Hội đồng bệnh nhân, song ông “kệ”, tình yêu của ông vượt qua mọi quy định.
Tuy vậy, ông bà vẫn không dám công khai, phải lén lút qua lại. Hai người lén yêu đến gần chục năm mà không bị phát hiện.
Sau này bà Tẹo phải nuôi hộ con của một người bạn cùng phòng (người này bệnh nhẹ, được ra sống ở làng cộng đồng và sinh con, nhờ bà Tẹo trông con giúp để đi làm - PV) nên ông Hào cũng phải liên tục bí mật qua lại giúp đỡ.
Giờ kể lại, ông Hào vẫn không thể quên những lần đang bế đứa bé giúp bà Tẹo, trông thấy đội an ninh tự quản thấp thoáng từ đằng xa là ông lại vội vàng ôm đứa bé nấp vào sau cánh cửa.
Bố mẹ mải miết đi làm từ sáng đến tối, đứa bé từ khi hơn một tuổi cũng gắn với bà Tẹo từ sáng sớm đến tối mịt. Dù nuôi con hộ bạn nhưng bà Tẹo cũng chăm chút, bận rộn “con thơ gái quấn” không khác con mình.
Bà Tẹo nuôi đến sáu tuổi thì vợ chồng người bạn đón con về. Mấy năm ròng được bà chăm sóc, đứa trẻ dù về nhà nhưng cứ ngoài thời gian học lại chạy đến với bà Tẹo, ông Hào. Nay khi đã trưởng thành, thoát khỏi làng phong, hòa nhập với xã hội, người được bà Tẹo nuôi năm xưa vẫn gọi điện về động viên, làm ông bà ấm áp hơn lúc tuổi già.
Nuôi con hộ người
Về việc ông bà không có người con nào, ông Hào tâm sự, sau gần 10 năm ông bà bí mật đi lại, có ý kiến bỏ quy định cấm bệnh nhân phong lấy nhau. Lệnh cấm dỡ bỏ, nhưng Bệnh viện không cho các cặp vợ chồng bệnh nhân sinh con (sợ di truyền bệnh). Ông Hào khi ấy đang làm trong Hội đồng bệnh nhân nên phải gương mẫu, tuân thủ các quy định của Bệnh viện.
Hơn nữa, cũng nhiều cặp vợ chồng “vượt rào” cố tình sinh con nhưng lại phải nuốt nước mắt xa con, vì ngày ấy người bệnh phong không được nuôi con, sợ lây bệnh.
Do đó, ông Hào, bà Tẹo bằng lòng với việc sống bên nhau và nuôi con… hộ những bệnh nhân khác.
Sau đứa trẻ đầu tiên là con của người bạn cùng phòng, bà Tẹo lại nuôi con hộ một người khác, lại là người bạn thân từng ở cùng phòng bệnh. Đứa bé này bà Tẹo nuôi từ khi mới được một tháng tuổi, người mẹ không có sữa lại bận tối mặt với ruộng đồng nên phó mặc con mình cho vợ chồng bà Tẹo.
Thời điểm ấy, chồng mải làm công việc của Hội đồng bệnh nhân, một mình bà Tẹo chăm con bạn. Bao nhiêu vất vả, một mình bà gánh. Nhưng bà không than thở nửa lời, cứ cặm cụi ngày đêm chăm lo cho đứa bé.
Đưa mắt sang nhìn chồng bên cạnh để tìm kiếm sự chia sẻ, giọng bà Tẹo chùng xuống. Bà tâm sự không thể quên những ngày đầu tiên nhận nuôi đứa bé này. Đứa trẻ sơ sinh bị ghẻ lở, bà phải rất vất vả mới giữ được khỏi nhiễm trùng, hoại tử.
Chân đau không thể đi gánh nước để tắm cho đứa bé, sau nhiều lần nhờ những người xung quanh, bà thấy ngại nên bỏ tiền thuê người làng gánh nước từ ao, hồ gần đấy về tắm cho đứa bé.
Lá cây cũng phải nhờ người hái, bà vừa đun nước tắm, vừa dỗ đứa trẻ đang khóc ngặt nghẽo trên cánh tay. Khói um trong bếp cay nhòe mắt nhưng bà vẫn ôm ấp đứa bé dỗ dành. Cặm cụi đun nước tắm, lại cặm cụi ngồi canh cho nước nguội, canh không có con ruồi, con muỗi nào đậu vào da thịt đang bị tổn thương của đứa bé.
Sau gần một tháng liên tục được tắm lá, những vết lở trên người đứa bé mới mất hẳn. Lúc ấy bà Tẹo mới thở phào nhẹ nhõm, yên tâm tiếp tục chăm đứa bé không khác gì con ruột của mình. Tình yêu bản năng của người mẹ, bà đều dành cho đứa bé không cùng huyết thống.
Khát khao làm mẹ
Bà Tẹo trầm ngâm: “Cũng không hiểu được tại sao tôi lại có tình cảm như vậy với những đứa trẻ ấy. Có thể do lòng khát khao được làm mẹ đã khiến tôi yêu thương bất kỳ đứa trẻ nào tôi gặp”.
Đứa trẻ thứ hai bà Tẹo nuôi đến sáu tuổi cũng lại được bố mẹ đón về. Ngôi nhà lại trống vắng, hụt hẫng, khiến bà bần thần mất cả tháng mới dần nguôi nỗi nhớ “con”.
Bây giờ, khi đứa trẻ ấy cũng đã trưởng thành thoát ly được khỏi làng phong, vợ chồng bà đã quen hẳn với việc chỉ có hai ông bà quanh quẩn bên nhau, cùng dạy học cho bọn trẻ trong làng, lấy đấy làm niềm vui…
Làng phong cứ đón đứa trẻ nào vào là ông bà lại mở rộng cửa chuyện trò, chăm sóc chúng. Mới đây nhất, ông bà thường xuyên săn sóc, dạy học cho hai chị em mắc bệnh lạ mới được đón về ở hẳn trong làng phong.
Ông Hảo bảo “thương chúng nó lắm, bị bệnh gì mà giờ xã hội cũng chưa thể đặt tên, cũng bị xa lánh như những bệnh nhân phong ngày xưa”. Ông dành mọi lúc có thể để dạy hai chị em học, động viên, bao bọc để các em không có cảm giác tủi thân. Ông Hào cười nhưng ánh mắt vẫn vương vấn buồn, nói: “Có lẽ số phận mình thế rồi, chỉ có thể nuôi con giúp mọi người thôi”.
Nhưng chỉ buồn thoảng qua trong khoảnh khắc, ông Hào lại vui vẻ tâm sự: “Hình như số phận của tôi và bà ấy (bà Tẹo) không thể thoát khỏi việc gắn bó với những đứa trẻ, như là định mệnh. Bọn trẻ cũng quấn quýt chúng tôi, từ đứa bé tí đến những đứa đã trên 10 tuổi. Được sống cùng, dạy học cho chúng nó khiến tôi nhớ đến những ngày xưa cực khổ.
Ngày ấy, bệnh nhân phong quá khổ nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả những định kiến, những ánh mắt khinh khi... để đến bên nhau. Chuyện khó khăn ấy còn vượt qua được thì có lẽ không gì khiến chúng tôi có thể đầu hàng cuộc sống này”.