Kỷ vật của Bác Hồ – Những câu chuyện chưa kể... Kỳ cuối:
Một trong những kỉ vật mà ông nâng niu, trân trọng nhất chính là chiếc đồng hồ mà Bác Hồ đã tặng.
Nhiệm vụ đầu tiên
Chúng tôi gặp Anh hùng LLVTND Nông Văn Nghi tại một căn nhà nhỏ cạnh ga Đồng Đăng khi ông vừa bước sang tuổi 92. Dấu tích chiến tranh để lại là một bên tai không còn nghe rõ nhưng những năm trong quân ngũ đã rèn luyện cho ông một thói quen tích cực nên ông vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn.
Đi bộ đội từ khi còn là một chàng thanh niên 17 tuổi nhưng cậu lính Nông Văn Nghi rất hăng hái mỗi khi được giao nhiệm vụ. Hồi ấy, ông được giao cho nhiệm vụ hậu cần, vận chuyển đạn dược cho các tiền tuyến. Năm 1962, khi Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng lại các lực lượng chủ lực chi viện cho chiến trường miền Nam cũng là lúc anh lính Nông Văn Nghi năm nào được cử đi học lớp bồi dưỡng về rà phá bom mìn.
Ông Nghi kể: “Nhận nhiệm vụ mới, anh em rất phấn khởi nhưng cũng hồi hộp vì chưa biết phá dỡ bom mìn như thế nào, nghĩ ra chiến trường đối diện với quân thù có khi còn thôi thúc anh em hơn. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng ngay buổi đầu tiên đi học, chúng tôi ý thức được việc phá dỡ bom mìn còn hơn cả việc ra trận. Cũng là quân thù đấy nhưng bom mìn của giặc trút xuống có thể tàn phá, giết hại đồng bào ta, phá hủy đường giao thông đi lại, nhiệm vụ phá gỡ bom mìn vì thế ý nghĩa hơn bao giờ hết để đảm bảo tuyến đường chi viện ra tiền tuyến. Học xong khóa học, tôi báo cáo về cấp trên và nhận được lệnh xuống ga Sông Hóa ngay”.
Ông Nghi kể thêm: “ga Sông Hóa có một vị trí rất quan trọng vì thông qua ga này hàng viện trợ của nước bạn qua đây về Hà Nội. Đầu những năm 1964, ga Sông Hóa trở thành mục tiêu bị ném bom, bắn phá ngày đêm”. Nhận lệnh, một chiếc xe quân sự chở anh lính gỡ bom mìn Nông Văn Nghi xuống ngay hiện trường.
Có mặt tại khu đất được xác định là có một số “kẻ giết người” đang nằm đâu đó, ông Nghi cố gắng tìm cách liên hệ với người dân gần đó nhưng vô vọng vì mọi người đã di tản hết. Không lùi bước trước khó khăn, ông Nghi bắt đầu tiếp cận trái bom đầu tiên. Qua kiểm tra đường kính trái bom, ông sửng sốt khi thấy trái bom này nặng khoảng 2000 bảng (gần 1 tấn) trong khi loại bom mà ông học tại lớp huấn luyện chỉ là 750 bảng (khoảng 3 tạ).
“Lúc ấy, tôi cũng đã lo lắng, mồ hôi toát ra ướt đầm áo. Nghĩ mình đã được Đảng giáo dục, được mọi người và nhân dân tin tưởng thì phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên này”. Dụng cụ mang theo không phù hợp nhưng đây là quả bom sẵn sàng có thể phát nổ nên ông Nghi nghĩ cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Tìm kiếm vật dụng xung quanh, cuối cùng ông dùng một chiếc đinh bù loong (ghim thanh ray đường tàu), vật lộn với “gã sát nhân nổ chậm” này.
Ông Nghi cẩn thận tháo được ngòi kích nổ của trái bom và xác định được bộ phận kích nổ có cấu tạo rất phức tạp. Ông dùng chiếc đinh bù loong đóng vào bộ phận này ngược theo chiều kim đồng hồ. “Rất nguy hiểm vì chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể khiến quả bom phát nổ nên tôi đóng nhẹ, không thấy dịch chuyển. Tôi đóng mạnh hơn, vẫn không dịch chuyển. Chỉ đến khi dùng hết sức thì các khớp vặn có dấu hiệu dịch chuyển được 2mm. Tôi mừng quá, cứ thế vật lộn với nó hơn hai giờ đồng hồ thì gỡ được. Cả ngày hôm đó, tôi phá được 2 quả bom nặng 2000 bảng Anh”.
Nhiệm vụ tiếp theo của ông Nghi là xác định các trái bom còn lại, nếu không phải là dạng nguy hiểm, ông dùng bộc phá kích nổ trái bom. Sau hai ngày, ông hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên được giao cũng là lúc các tiểu đoàn công binh yên tâm vào xây dựng lại cầu ga Sông Hóa và sửa chữa đường giao thông. Kiệt sức và mệt mỏi, ông Nghi được đồng đội dìu ra ngoài. Một cán bộ pháo binh bảo ông: “Chúng tôi vẫn theo dõi đồng chí tháo bom, thấy đồng chí cứ cặm cụi suốt hai ngày qua mà chẳng cơm nước gì. Cảm phục đồng chí quá!”
Phá và gỡ được nhiều bom mìn tại tỉnh Lạng Sơn, ông còn thường xuyên được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh lân cận. Ông kể, đó cũng là dịp để ông học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn của anh em và nhất là các chuyên gia của Bộ Quốc phòng. Mỗi khi có máy bay địch tới thả bom, ông Nghi chọn vị trí an toàn nhưng phải quan sát được để xem chúng thả bom vị trí nào, khu vực nào để ngay sau đó có mặt tại hiện trường thực hiện nhiệm vụ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Nghi bên kỉ vật của cuộc đời mình, chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng năm 1966 |
Trong một lần vừa phá xong một quả bom loại lớn cùng đồng đội thì bất ngờ một trái bom cách đó không xa phát nổ khiến ông bị vùi trong đống đất đá. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng cũng từ đó, một bên tai của ông đã bị tác động ít nhiều khiến khả năng nghe giảm hẳn.
Liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc, ông được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu anh hùng năm 1966. Tuy nhiên, trên đường đi xuống Hà Nội, trung úy Nông Văn Đồng (người cầm hồ sơ xét tặng của ông) đã hy sinh anh dũng khiến hồ sơ của ông cũng vì thế mà bị bom đạn giặc hủy hoại. Phải đến năm 1970, chiến sĩ Nông Văn Nghi mới được xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Kỉ vật cuộc đời
Trong chiếc thùng gỗ dã chiến có từ thời chiến trang, Trung tá Nghi đưa cho chúng tôi xem một chiếc đồng hồ màu vàng óng nhưng là kỉ vật mà ông rất quý.
Ông tâm sự: “Đây là một chiếc đồng hồ, không chỉ có ý nghĩa lớn đối với cuộc đời tôi mà còn là kỉ vật giúp tôi, nhắc nhở tôi lúc nào cũng phải tận tụy vì công việc. Chiếc đồng hồ đó là của Bác Hồ tặng cho tôi”.
Chiếc đồng hồ ghi ngày 2/6/1966, được chính Bác Hồ tặng cho chiến sĩ Nông Văn Nghi khi biết được chiến sĩ trẻ này liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc phá gỡ bom mìn tại cánh cung Đông Bắc. Món quà này đến tay người chiến sĩ trẻ ngày ấy sau một tuần bởi suốt một tuần đó, ông Nghi cùng đồng đội tiến hành phá gỡ bom mìn tại ga Bắc Lệ.
Coi đó là kỉ vật lớn nhất của đời mình, ông Nghi nói, cứ mỗi lần nhìn thấy nó như là nhìn thấy Bác Hồ khiến ông lúc nào cũng nhắc nhở mình tiến về phía trước, đối diện với những “gã sát nhân nổ chậm” và bắt chúng phải im tiếng.
Ông cũng kể cho chúng tôi nghe hai lần được gặp Bác vào năm 1962. Lần đầu, ông cùng Đoàn thanh niên tích cực miền Bắc về Thủ đô báo công với Bác. Trong tâm trí người anh hùng, buổi nói chuyện đó dường như mới chỉ là ngày hôm qua:
“Bác bảo chúng tôi, các cháu phải học tập cho tốt, có kiến thức các cháu mới có thể phục vụ tốt cho xã hội, cho Tổ quốc. Các cháu phải luôn ý thức được đất nước còn gian khó, còn chiến tranh, tuổi thanh xuân của các cháu phải đem hết sức ra vì Tổ quốc nhé. Bác chờ thành tích của các cháu báo cáo lên Bác”.
Sau lần ấy, ông Nghi còn được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm quân và dân tỉnh Lạng Sơn. Sau này, khi được chính vị lãnh tụ kính yêu tặng chiếc đồng hồ, ông Nghi vui mừng khôn tả xiết. Ông nâng niu nó và nói với chúng tôi: “Chiếc đồng hồ vẫn còn chạy được cậu ạ. Chỉ cần lên dây là được”.
Sau này, khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông Nghi vẫn tiếp tục hoàn thành việc bảo vệ biên giới phía Bắc mãi cho đến khi về hưu. Trở về bên mái ấm gia đình, ông vẫn thường xuyên đến các lớp học để nói chuyện và tâm sự với thế hệ trẻ.
Chính những câu chuyện của ông đã thôi thúc thế hệ trẻ sau này lớn lên đóng góp sức mình cho công cuộc tái thiết xây dựng đất nước. Và ông trở thành một huyền thoại về phá gỡ bom mìn tại tỉnh Lạng Sơn cho đến ngày hôm nay trong tâm trí rất nhiều thế hệ nơi đây.
Chụp tấm hình lưu niệm với ông bên bộ quân phục kín huân huy chương, chúng tôi chúc cho ông có nhiều sức khỏe hơn nữa để trở thành tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Những người như ông chính là nhân tố không thể thiếu hun đúc nên truyền thống vẻ vang và anh dũng của quân đội nhân dân Việt Nam…/.