Đó là ông Nguyễn Viết Ty, sinh năm 1893 tại Nam Định và sang Pháp năm 1921. Năm 1923, ông Nguyễn Viết Ty đã gặp Nguyễn Ái Quốc ở Pháp.
Tấm gương về sự tận tụy
Khi biết tin người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Pháp và đang nghỉ tại khách sạn Roayl Monceau, ông Ty đã quyết định đến gặp và xin phép được phục vụ Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý và đề nghị ông ở lại cho đến khi Người về nước. Từ hôm đó, ông Nguyễn Viết Ty vinh dự trở thành đầu bếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ, nhân viên trong đoàn cùng một số trí thức Việt kiều đến giúp việc cho đoàn.
Ngày 15/7/1946, các đoàn thể Việt kiều tại Pháp tổ chức dạ hội chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang đàm phán tại Fontainebleau, có khoảng 2000 Việt kiều cùng với các vị khách Pháp và quốc tế tới dự. Trong buổi gặp mặt hết sức thân mật này, lần đầu tiên Bác Hồ gặp kỹ sư Ôbrắc.
Lúc đó Ôbrắc còn rất trẻ, nhưng ông đã là một ủy viên cộng hòa, một chức vụ tương đương một khu trưởng; từng kinh qua các chức vụ quan trọng trong chính phủ Pháp như giám đốc thanh tra trong Bộ tái thiết quốc gia, là người sáng lập cơ quan nghiên cứu về công nghiệp hiện đại…
Nói thêm về Ôbrắc, ông chào đời năm 1941 trong một gia đình Pháp gốc Do Thái. Trước đại chiến thế giới lần thứ 2, ông tham gia sinh hoạt trong nhóm có cảm tình với Đảng Cộng sản Pháp, và ở đó Raymông Ô brắc gặp Luxi Bênácđơ, một nữ sinh viên khoa sử, tính cách rất mạnh mẽ và tháo vát. Họ yêu nhau vầ cưới nhau năm 1939. Khi phát xít Đức đem quân xâm lược nước Pháp, cả Raymông và Luxi đều rút vào bí mật, tham gia phong trào kháng chiến.
Ôbrắc được giao tổ chức “đội quân ngầm” ở miền Nam nước Pháp. Mùa thu năm 1943, Ôbrắc bị bắt giam và kết án tử hình, nhưng rồi đã được cứu thoát. Lần thứ hai Ôbrắc bị chính mật vụ Đức quốc xã (Gestapo) bắt, thẩm vấn dã man. Luxi đã đích thân chỉ huy một đội du kích, tấn công vào xe chở tù của bọn phát xít Đức, tạo nên một cuộc vượt ngục đầy ấn tượng trong lịch sử kháng chiến chống phát xít Đức…
Khi biết Bác Hồ dù được bố trí nghỉ tại khách sạn Roayl Monceau một khách sạn sang trọng bậc nhất ở trung tâm thủ đô nước Pháp, nhưng ở đó không có vườn nên Người không thích, Ôbrắc đã mời Người đến thăm và nghỉ tại nhà ông một ngôi biệt thự cách thủ đô Paris 25km về phía Bắc. Bác đã vui vẻ nhận lời. Người đã rời khách sạn Roayl Monceau về sống tại đây.
Lúc này bà Luxi đã sắp tới ngày sinh nở. Gia đình Ôbrắc có rất nhiều bạn bè trong vùng. Họ đã cho Ô-brắc mượn bàn ghế, thậm chí cả thảm để trải sàn cho các căn phòng Bác Hồ làm việc và nghỉ ngơi. Còn việc bảo vệ tòa biệt thự đã được Tổng cục An ninh và các bạn bè kháng chiến của Ôbrắc chăm lo chu đáo.
Ở đó, sáng nào Bác Hồ cũng dậy thật sớm để tập thể dục rồi đọc các loại báo bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga,… Tại căn biệt thự này, Bác đã tiếp các bạn bè Pháp và quốc tế, bà con Việt kiều, các nhà báo. Các thành viên trong phái đoàn chính phủ Việt Nam từ Phôngtennơblô cũng thường tới làm việc với Bác. Những lúc rảnh rang, thư thái, Người dẫn cháu Giăng Pie, con trai đầu lòng của ông bà Ôbrắc đi dạo chơi trong làng.
Những năm tháng sau chiến tranh thế giới thứ hai, người dân Pháp còn gặp biết bao khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Thực phẩm còn phải mua theo tem phiếu. Hiểu rõ những khó khăn đó, Bác Hồ dặn ông Nguyễn Viết Ty khi đó phụ trách việc nấu ăn và phục vụ Bác trong thời gian Bác thăm nước Pháp: “Khi nấu cơm cho Bác và phái đoàn, mọi thứ chú làm thêm ra để biếu gia đình chủ nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. Nguồn Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao |
Khi bà Ôbrắc vào nằm bệnh viện để chờ ngày sinh, Bác lại dặn ông Ty: “Chú xem nấu nướng món gì, đưa cho ông Ôbrắc mang vào nhà thương cho bà ấy ăn cho thêm sức”. Hôm bà Ôbrắc sinh con xong rời bệnh viện về nhà, trông thấy ông Ty, bà ôm hôn và nói: “Được anh cho ăn uống tốt quá, không biết gì trả ơn!”. Ông Ty đáp lại: “Ông bà đã nhường nhà cho Chủ tịch chúng tôi ở. Chúng tôi có nhiệm vụ trông nom gia đình bà. Bà không nên nói lời cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi mới cảm ơn ông bà”.
Người con gái tên Êlidabet mà bà Luxi sinh trong những năm tháng ấy được Bác Hồ đến thăm ngay tại bệnh viện, bế và âu yếm gọi là Babet và tuyên bố nhận bé làm con đỡ đầu. Trong lần gặp lại vào năm 1967, Bác đã trao cho Ôbrắc một gói quà nhỏ và bảo: “Đây là tấm lụa để Babét may áo cưới!”. Bác ôm hôn ông và nhờ ông hôn giùm Babét. Đó là lần gặp mặt cuối cùng giữa Bác và Ôbrắc.
Năm 1990, Nhà nước Việt Nam đã mời Ôbrắc với tư cách là người bạn của Bác Hồ, ủy viên Hội Hữu nghị Pháp – Việt và Êlidabet, con gái đỡ đầu của Người sang Hà Nội để dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ. Êlidabét lúc này đã 44 tuổi, là một giáo viên, mẹ của 3 đứa con. Đây là lần đầu tiên chị có mặt trên quê hương của người cha đỡ đầu của mình.
Ngày 19/1/2013 trong bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Pari, ông Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Tổng thư ký Hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp (1968-1976) người Việt Nam từng sống, làm việc và tham gia giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Paris đã nhắc đến những tấm gương Việt kiều yêu nước tận tụy trong đó có ông Nguyễn Viết Ty: “Xin kể một vài tấm gương về sự tận tụy. Cụ Nguyễn Viết Ty đã chia sẻ và ôn lại cho hội viên kinh nghiệm phục vụ Bác Hồ năm 1946 nhằm đảm đương nhiệm vụ lần này chu đáo hơn nữa…”.
Tặng phẩm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ với Người, ông Nguyễn Viết Ty đã gửi đồng chí Nguyễn Đức Thọ mang từ Paris về tặng Người một số tặng phẩm, trong đó có tấm phù điêu chân dung Marcel Cachin là tặng phẩm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi Marcel Cachin (1869-1858) là một chính trị gia người Pháp, người bạn, người đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người hoạt động cách mạng ở Paris.
Về Marcel Cachin, theo tư liệu “Bác Hồ với bạn bè quốc tế” thì năm 1923 từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp bí mật đưa sang Đức bằng tàu hỏa, rồi từ Đức đi tiếp sang nước Nga Xô Viết bằng tàu thủy của Liên Xô. Ngày 30/6, tàu thả neo ở Petrogad. Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã gặp lại Marcel Cachin. Marcel Cachin và Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại tại Mátxcơva khá lâu để tham dự Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản và một số đại hội khác nữa.
Ngày 6/6/1931, mật thám Anh bắt được Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông. Ngày 19/6/1931, báo Nhân Đạo (L’Humanité) đã đăng bài của Marcel Cachin với nhan đề “Nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc”. Sau khi nhắc lại những lời hí hửng của bọn thực dân, nào là phong trào cách mạng Việt Nam đã bị chặt mất đầu, nào là Nguyễn Ái Quốc từ nay sẽ hết đường ngang dọc quậy phá, Marcel Cachin kết luận: “Cách mạng Việt Nam sẽ đánh đuổi những kẻ áp bức mình, sẽ ngợi ca những người đồng chí dũng cảm như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Ái Quốc và hàng nghìn đồng chí khác đã hết lòng vì sự nghiệp giải phóng những người lao động ở Đông Dương”.
Tiếp theo bài báo của Marcel Cachin, hàng loạt các báo chí tiến bộ lúc bấy giờ đã lên tiếng bảo vệ Nguyễn Ái Quốc. Ban thư ký của Liên đoàn chống chủ nghĩa đế quốc nên khẩu hiệu: “Hãy cứu lấy nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc!”. Hơn một năm sau, nhờ tài ứng phó với kẻ địch lại được Quốc tế Cứu tế Đỏ vận động, được những luật sư người Anh, đặc biệt là ông E.H. Loseby hết lòng giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù của đế quốc.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp. Trong 4 tháng ở đây, Người có cuộc gặp mặt thân mật với các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Trong số những vị khách quý có cả vợ chồng cụ Marcel Cachin. Cuộc gặp mặt đã diễn ra vô cùng thân mật, thắm tình đồng chí anh em. Marcel Cachin tạ thế năm 1958, thọ 89 tuổi…