Bị đuổi đánh như cơm bữa, nghe chửi như “hát hay”
Tâm điểm tại Nghệ An và cả nước nhiều ngày qua là sai phạm của giám đốc và phó giám đốc Trung tâm BTXH Nghệ An trong chi tiêu, đã chi sai gần 800 triệu đồng tiền chế độ của các đối tượng.
Trong lúc sai phạm tại Trung tâm BTXH Nghệ An đang được cơ quan chức năng làm rõ việc có chuyện tư túi cá nhân trong việc chi tiêu thì mọi hoạt động tại đây vẫn diễn ra như thường ngày. Phóng viên Báo PLVN có mặt chứng kiến và nghe những tâm sự của các cán bộ Trung tâm về những công việc hàng ngày, những khó khăn vất vả, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp thì bên cạnh đó có cả sự hy sinh.
Mỗi buổi sáng, các đối tượng ăn sáng xong, mới đến lượt cán bộ trung tâm ăn, xong đâu đó người nào việc nấy, không ai bảo ai, người quét, người giặt giũ, người rửa đồ đoàn, người đi chợ…
Các đối tượng già cả neo đơn, không nơi nương tựa sinh hoạt tại Trung tâm |
Những ngày đầu, Trung tâm mới thành lập (1977) chỉ gọi là Trại nuôi dưỡng xã hội nằm trên mảnh đất hoang vu, toàn rừng rú tại xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An), giờ đây khi Trung tâm đã xây dựng được một cơ sở vật chất khá khang trang.
Với "thâm niên" hơn 30 năm làm tại nhà bếp của Trung tâm, chị Hồ Thị Ánh (SN 1962) kể trước đây trung tâm là bãi đất hoang, nằm trong rừng, bếp ăn cũng gần với chỗ các đối tượng tâm thần. Mỗi đêm tiếng kêu gào, tiếng hét, tiếng chửi bới cùng với cái hoang vu nơi đây khiến người ta lạnh gáy.
Chuẩn bị bữa cơm trưa cho các đối tượng |
Hằng ngày, khoảng 10h30 – 11h trưa, các cụ ông, cụ bà thuộc đối tượng neo đơn có sức khỏe tập trung tại nhà bếp nhận khẩu phần ăn cho mình. Một số các cụ không đứng dậy được phải mang cơm tận phòng và đút cơm cho các cụ.
Những người già khỏe mạnh đến nhà bếp nhận suất cơm trưa |
30 năm 7 tháng là thời gian anh Nguyễn Văn Ba làm việc tại Trung tâm, với vai trò là Trưởng phòng y tế thì anh còn làm kiêm cả công việc của hộ lý. “Vô đây mới đầu còn lạ chứ giờ thì thành quen rồi, chuyện bị các đối tượng đang ăn cơm cầm khay đổ lên đầu, đuổi đánh bị thương như là chuyện thường. Tiếp xúc các đối tượng từng ngày, nghe các đối tượng chửi cứ xem như là họ “hát hay”, đôi khi phải nhẹ nhàng, nịnh các đối tượng mới chịu ăn cơm, uống thuốc…”, anh Ba chia sẻ.
Chị Hồ Thị Ánh chia canh cho các đối tượng |
Tại khu vực dành cho bệnh nhân tâm thần nặng, mùi xú uế, mùi hôi sộc vào khiến chúng tôi khựng lại. Anh Ba cho biết hằng ngày các đối tượng tâm thần lên cơn đi vệ sinh không đúng chỗ, ném các phần thức ăn của mình rơi khắp nơi...
Theo quan sát, có ít nhất 4-5 bệnh nhân phải khóa trái cửa hoặc không ra được khỏi phòng vì sức khỏe yếu. Có những bệnh nhân cởi truồng vì không bao giờ mặc quần áo, cứ mặc vào là xé rách.
"Hằng ngày thấy bệnh nhân ăn hết cơm là vui lắm, ngày hôm đó mới ngủ ngon được, bệnh nhân không ăn tức là mệt trong người, tối đó trực kiểu gì cũng vất vả hơn...", anh Ba nói.
Những vất vả xen lẫn những hi sinh thầm lặng
Vừa cho một cụ bà không thể tự chủ được việc ăn trưa, chị Nguyễn Thị Minh Châu (SN 1980) lại tất bật đẩy xe cơm đến các phòng khác để kiểm tra xem có cụ nào không ăn cơm, công việc chỉ kết thúc khi tất cả các đối tượng ăn trưa xong.
Bữa cơm trưa tại khu bệnh nhân tâm thần nặng |
Theo lời kể các cán bộ tại đây thì việc chăm sóc các bệnh nhân tâm thần nam nhiều khi cũng dở khóc dở cười, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Lúc bình thường chẳng sao, lên cơn là lột hết quần áo chạy khắp nơi, nhiều lúc đang loay hoay dọn rửa thì bệnh nhân đến trêu chọc và có nhiều hành động hơi thái quá nhưng cũng chỉ biết cười.
Vì thế, nên khi vào làm ở khu bệnh nhân tâm thần nam thì phải có cả bảo vệ nam và các cán bộ nam đi cùng.
Một bệnh nhân không thể tự ăn được hộ lý phải đút cơm |
“Ban đầu vào làm ở đây cũng ngại lắm, nhất là việc chăm sóc bệnh nhân nam, giờ ở đây rồi lại yêu nghề hơn vì các đối tượng đều là những người kém may mắn hơn mình và hơn xã hội”, chị Châu nói.
Bệnh nhân tâm thần nặng không thể ra nhà ăn cán bộ phải mang cơm vào tận phòng |
Bệnh nhân lên cơn xé quần áo, không thể ra ăn cơm với các bệnh nhân khác |
Chị Đào Thị Tỵ (SN 1989) bốn năm là cán bộ nhà bếp, mới hơn một năm nay chuyển sang làm hộ lý, Tỵ kể ngày mới chuyến sang làm hộ lý được một tuần, đang loay hoay quét sân thì bệnh nhân đuổi đánh, cán bộ nam phát hiện đến giải cứu.Còn việc bị các bệnh nhân đến ôm chầm lấy mình là chuyện... như cơm bữa.
Một bệnh nhân không chịu ăn cơm, ném khay ăn cơm ra sân |
Một người cũng gắn bó với công việc từ ngày mới thành lập, Phó giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Thế Tường cho biết, ở đây giờ như ngôi nhà thứ hai của mình. Chuyện buồn khi có người mất vì bệnh tật cũng anh em trong trung tâm tự tay lo liệu. Chuyện vui khi con cái các đối tượng tại trung tâm đỗ đại học, cưới xin... cán bộ cũng tổ chức đám cưới như chính con cái trong gia đình mình.
Chị Châu hộ lý đang đút cơm cho đối tượng già cả không thể tự ăn cơm |
Thỉnh thoảng tại Trung tâm lại có bệnh nhân tâm thần bỏ trốn khiến cán bộ mất ăn mất ngủ, vừa phải lo cho cuộc sống của hàng trăm đối tượng, vừa phải chia người để đi tìm, rồi phải huy động người dân, công an, bộ đội hỗ trợ.
Cán bộ y tế mang cơm cho bệnh nhân |
Anh Tường cho biết, đến nay đã có 5 cháu là con các đối tượng trong trung tâm lập gia đình mà Trung tâm tổ chức đám cưới. Năm 2013, con gái ông Sơn bà Thủy (hai đối tượng mù và tàn tật) lấy chồng về Nam Đàn, Trung tâm cũng dựng rạp rồi nấu ăn, mời khách, tiếp khách tại khuôn viên.
Trường hợp có bệnh nhân chết thì việc mua hòm, đào huyệt, khâm lượm, hương khói... đều do cán bộ trung tâm làm vì chi phí theo quy định, thuê người ngoài không đủ, mà thuê ít quá họ lại không làm.
Bên cạnh lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp các cán bộ tại Trung tâm luôn có những sự hy sinh thầm lặng |
Ngày lễ tết đến các cán bộ chia nhau trực người trực người về, nhưng làm sao vẫn đảm bảo gần 200 con người có cơm ăn, có nước uống, được chăm sóc khi ốm đau bất thường…
Ngoài những đồng lương ít ỏi và tiền trợ cấp đặc thù thì những người công tác tại đây còn có cả những sự hy sinh thầm lặng, họ cống hiến, lao động vì cái tâm, cái tình, lòng yêu nghề, và tình thương của con người với con người...