Cảnh sát hình sự mà!
Mỗi vụ án là một câu chuyện dài, là những đêm dài ông cùng đồng đội thức trắng, là mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt của những chiến sĩ công an đã đổ xuống. Thế nhưng, khi được hỏi về những vất vả, những khó khăn mà ông cùng đồng đội đã trải qua trong những năm tháng đối diện với tội phạm, ông chỉ nhẹ nhàng: “Đó là công việc, là đam mê, là cái nghiệp rồi em. Có gì đâu để kể, để nói. Với tôi, chỉ khi nào chưa bắt được tội phạm thì lúc đó mới có cái để nói thôi”.
Ông luôn tâm niệm: “Mình được đào tạo để làm lính hình sự mà. Người ta không thể làm tốt công việc của mình khi mà không có được đam mê. Với tôi, công việc lúc nào cũng mới mẻ, cũng đầy nhiệt huyết như những ngày mới chập chững vào ngành”. Có lẽ với người cảnh sát đấy, công việc không còn là một nghề mà đó là cái nghiệp sẽ theo ông suốt cuộc đời.
Có những khi nửa đêm gặp án, ông cùng đồng đội lập tức lên đường mà không kể đêm hay ngày, mưa nắng hay bão tố. Ông bảo, ông may mắn khi có được người “bạn đời” cùng ngành nghề nên thông cảm với công việc của mình.
Mỗi khi có án, để đảm bảo nhiệm vụ, vợ ông chỉ được thông báo rằng: “Anh đi công tác”. Ông cười: “Nếu không gặp được người phụ nữ hiểu cho công việc của mình thì có lẽ chắc tôi “mồ côi” vợ lâu rồi”. Trong câu chuyện của ông khi nhắc về vợ, tôi càng nhận ra được rằng “Đằng sau sự thành công của người đàn ông chính là một người đàn bà biết chia sẻ và thông cảm”.
Chuyện đời và chuyện nghề
Câu chuyện bỗng nhiên chùng xuống khi ông kể lại vụ án khiến ông trăn trở. Ông nói, có những tên tội phạm ra ngoài xã hội khét tiếng, giết người không “gớm” tay nhưng lại khóc tu tu như một đứa trẻ khi nhắc đến gia đình. Thế nên, ẩn sâu trong mỗi tên tội phạm vẫn có “mầm thiện” trong mỗi con người chúng. Vì thế, mình phải hiểu được tâm tư, tình cảm của những tên tội phạm đó để khi truy bắt giảm thiểu rủi ro nhất, giảm thiểu tổn thương nhất cho những người thân của chúng.
Thượng tá Nguyễn Viết Hợp nhớ như in vụ án “giết người, cướp của, hiếp dâm” tại huyện K’bang hồi năm 2013. Ngay khi nghe tin báo từ trực ban, được sự phân công của cấp trên, ông cùng đồng đội lập tức lên đường.
Do điều kiện địa hình của Gia Lai các huyện nằm xa thành phố nên ông cùng đồng đội phải tranh thủ ăn bánh mì, lương khô, mì tôm sống cho qua bữa, vừa ăn vừa di chuyển không ngơi nghỉ. Quá trình điều tra, từng có lúc vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt vì hung thủ gây án để lại rất ít dấu vết, nạn nhân khi còn sống không chồng, không con, mối quan hệ phức tạp nhưng lại không nổi lên mâu thuẫn cụ thể với ai trước đó. Ông và đồng đội đã thức thâu đêm để phân tích từng tình tiết vụ án dù nhỏ nhất.
Ảnh minh họa. |
Với kinh nghiệm cùng với quyết tâm cao, chỉ một ngày sau, ông và đồng đội đã xác định được nghi phạm gây ra vụ án. Thế nhưng, một điều khó khăn là nghi phạm lại trốn trong một làng của người đồng bào, mà với người đồng bào, khi đã uống rượu với ai thì họ đã coi người ấy là anh em. Chính vì vậy, xác định được nghi can đã là công việc vất vả, nhưng để bắt được chúng mà ít gây xáo trộn cho người dân không chỉ là một quá trình tích lũy và rèn luyện mà cần đến cả cái “tâm” nữa.
Dư luận cả nước có lẽ còn chưa hết bàng hoàng với vụ thảm sát 2 mạng người, 2 người trọng thương trong một gia đình xảy ra tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đầu năm 2015. Đây cũng chính là một trong những vụ án khiến Thượng tá Hợp tốn không ít công sức và trí lực trong cuộc đời làm nghề của mình. Vụ án xảy ra trong đêm, nhân chứng duy nhất trong vụ án thì lại bị thương nặng, tâm thần hoảng loạn nên cũng không nhớ, không thể cung cấp bất cứ thông tin nào về hung thủ gây án.
Đặc biệt, vụ việc đã gây hoang mang, lo sợ cho người dân trong vùng, điều này càng khiến cho áp lực truy bắt kẻ thủ ác đè nặng lên vai những chiến sĩ cảnh sát phòng PC45, trong đó Thượng tá Hợp là người trực tiếp chỉ huy.
Ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc, mặc dù thời gian đã là 1h sáng nhưng Thượng tá Hợp cùng đồng đội vẫn quyết định xuất quân ngay trong đêm nhằm nhanh chóng có mặt tại hiện trường tiến hành điều tra, truy xét. Với quyết tâm cao độ cùng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ, đến trưa ngày 22/1/2015, đối tượng khả nghi đã lọt vào “tầm ngắm” của các chiến sĩ công an.
Theo đó, có người đã phát hiện vào khoảng 1h5’ ngày 21/5, tại quán bi da thuộc xã Ia Din, huyện Đức Cơ có một thanh niên vào quán ngủ nhờ mà trên người có nhiều vết máu. Sau khi tiếp nhận thông tin quý báu trên từ người dân, Thượng tá Hợp cùng 2 trinh sát đã bí mật gặp mặt trực tiếp người báo tin và đến quán bi da để nắm bắt thông tin về đối tượng.
Khi chứng cứ đã được củng cố vững chắc, cơ quan điều tra nhanh chóng lên phương án bắt đối tượng về qui án. Đến 17h30’ ngày 23/5, Phòng PC45 đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tiến (SN 1992, trú tại thôn Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) khi hắn đang có ý định chạy trốn bằng xe mô tô. Tại cơ quan điều tra, bằng những chứng cứ thuyết phục buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ vụ việc.
Xuất thân từ một người lính hình sự sắc sảo, quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng đã tôi luyện nên Thượng tá Nguyễn Viết Hợp - người trực tiếp chỉ huy những chuyên án lớn, phức tạp của Công an tỉnh Gia Lai hôm nay. Tuy vậy, Thượng tá Hợp không muốn nói nhiều về thành tích của cá nhân mình vì ông cho rằng thành công của mỗi chuyên án là công sức chung của tất cả các anh em trong đơn vị, từ người lính trinh sát phải lăn lộn băng rừng, trèo đèo lội suối truy lùng, bắt hung thủ đến người cán bộ kỹ thuật hình sự thầm lặng, tỉ mỉ “soi” từng chứng cứ, dấu vết nhỏ nhất đến người giám định tìm ra sự thật vụ án.
Với ông, phá được án đương nhiên là vui nhưng lính hình sự chỉ thật sự cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi không phải chứng kiến những vụ giết người thương tâm. Một câu nói của ông tưởng như đùa mà thật nhiều ý nghĩa: “Nếu lính hình sự thất nghiệp mà người dân có được cuộc sống yên bình thì chúng tôi cũng sẵn sàng đánh đổi…”.