Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 12): Nhà tắm hơi trong khu chuyên gia và những lần làm “trợ lý” tắm hơi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm làm trợ lý kiêm phiên dịch cho Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long, ngoài công việc chuyên môn như đã kể, thì tôi có lúc, có lần còn phải giữ “trọng trách trợ lý tắm hơi” thật chứ không phải nói đùa. Mà không phải một lần!
Toàn cảnh Nhà tắm hơi trong khu chuyên gia Xuân Đỉnh khi đó.
Toàn cảnh Nhà tắm hơi trong khu chuyên gia Xuân Đỉnh khi đó.

Đầu tiên là các bạn đừng cười vì thấy tôi đặt cái “tít” có vẻ hơi “hài” của kỳ này. Không “hài” chút nào! Hoàn toàn nghiêm túc đấy!

Chuyện như thế này:

Thời kỳ đầu, năm 1980-1982 chuyên gia Liên Xô của cầu Thăng Long có vài chục người mà Hà Nội không đủ khách sạn chứa họ. Một ít thì ở khách sạn La Thành, phố Đội Cấn. Số ít còn lại phải ở tít tận Xuân Hoà, Phúc Yên, gần hồ Đại Lải.

Từ Xuân Hoà, Phúc Yên về Chèm mấy chục cây số, đường xá khi đó rất xấu. Đường đầy ổ trâu, ổ voi qua chợ Yên, các làng gần nghĩa trang Thanh Tước, Mê Linh bây giờ… Thời gian đi lại trên đường đủ hết ngày còn đâu mà lấy thời gian làm việc nên Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long nhận thấy cần phải gấp rút xây dựng khu nhà tại Xuân Đỉnh ngay gần công trường để chuyên gia ở.

Việc thi công và hoàn thành khu nhà này khá nhanh. Gồm mấy dẫy nhà khung hai tầng, lợp ngói, trần gỗ dán sơn trắng. Thứ quan trọng nhất là các trang thiết bị trong phòng đều được Liên Xô đưa sang kịp thời cùng với các chuyến tầu viễn dương chở vật liệu viện trợ cho công trình. Đó là các máy điều hoà nhiệt độ (ngày ấy chỉ có điều hoà 1 “cục” loại BK), tủ lạnh, hệ thống đun nước nóng để tắm, máy phát điện dự phòng công suất lớn…

Xin lưu ý các bạn là đầu thập niên 80 của thế kỷ trước những thứ đó ở Việt Nam rất hiếm. Thời ấy không phải khách sạn nào, kể cả các khách sạn ở trung tâm Hà Nội các phòng cũng có điều hoà máy lạnh và hệ thống tắm nước nóng.

Đầu năm 1983 khu chuyên gia trong Xuân Đỉnh (ngay gần chân cầu bờ nam, Từ Liêm) được hoàn thành. Toàn bộ chuyên gia ở Xuân Hoà và La Thành được đưa về ở tại Xuân Đỉnh. Trừ một vài người như Trưởng, Phó đoàn, Kỹ sư trưởng thì vẫn được ở khách sạn La Thành. (Ai mà chẳng thích ở trong phố. Lãnh đạo thì phải được ưu tiên chứ!) Mặc dù “khách sạn Xuân Đỉnh” lúc ấy đúng là một “ốc đảo” giữa chốn “sa mạc nhà quê”!

Cần phải mở ngoặc: trong suốt quá trình xây dựng có sự tham gia của phía Liên Xô từ tháng 6/1979 đến tháng 5/1985 chỉ có tổng số 167 lượt chuyên gia sang làm việc, thời điểm cao nhất là năm 1983 khi công trường thi công dồn dập, trải dài, rộng nhiều cây số, với hơn 7000 lao động Việt Nam, thì số chuyên gia Liên Xô có mặt đông nhất cũng chỉ có 96 người (chẳng bù cho thời Trung Quốc viện trợ trước đó).

Lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 06/3/1985 chụp ảnh kỷ niệm trước nhà tắm. Trong ảnh là ông Lê Văn Lương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội (đứng giữa có ngôi sao đỏ). Nhạc sỹ Trần Hoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội (ngôi sao vàng) và một số người khác cùng lãnh đạo Công trình cầu Thăng Long và Đoàn chuyên gia. Tôi đứng sau ông Lê Văn Lương (sao xanh).Lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 06/3/1985 chụp ảnh kỷ niệm trước nhà tắm. Trong ảnh là ông Lê Văn Lương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội (đứng giữa có ngôi sao đỏ). Nhạc sỹ Trần Hoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội (ngôi sao vàng) và một số người khác cùng lãnh đạo Công trình cầu Thăng Long và Đoàn chuyên gia. Tôi đứng sau ông Lê Văn Lương (sao xanh).

***

Giải trí cho “Tây” thời những năm 80 ấy không có gì. Cực buồn tẻ. Nên “Tây” phải tự tìm ra thú vui.

Thú vui đó chính là tắm hơi!

Họ xây một nhà tắm hơi kiểu Phần Lan trong khu chuyên gia ở Xuân Đỉnh. Nhà tắm hơi ấy rất tiện nghi và chắc là duy nhất, không chỉ ở khu vực Hà Nội mà có lẽ duy nhất ở các tỉnh phía bắc Việt Nam khi ấy. (Tắm hơi ở đó lành mạnh chứ các bạn đừng “suy diễn” đến “xông hơi, mát-xa” hiện nay để “tưởng tượng” lung tung).

Tôi đã được tắm ở đó nhiều lần khi đảm nhận vai trò “trợ lý tắm hơi” cho lãnh đạo các cấp Việt Nam khi đoàn chuyên gia có nhã ý mời. Mà đích thân ông Trưởng đoàn mời khách “VIP” tắm “giao lưu” thì đương nhiên tôi cũng phải “đi làm nhiệm vụ”!

Kiến trúc cái nhà tắm này khá lạ mắt với người Việt Nam. Nhìn bên ngoài như cái lò nung vôi! Chân đế rộng bè, có lối lên toả ra hai bên theo các bậc chạy vòng cung. Bên ngoài phần dưới xây bằng đá. Mặt tiền có các ô cửa sổ tròn, chính giữa ngay phía trên cửa vào có trang trí chữ cách điệu chữ “CUYAH ДИHЬ” trong khung hình ô van (Xuân Đỉnh: tên gọi khu nhà ở của chuyên gia đặt tại làng Xuân Đỉnh). Phần trên là khung kính. Bên trong ốp gỗ. Họ xây rất cẩn thận cầu kỳ!

Phòng rộng nhất trong nhà tắm chính là phòng xông hơi. Hơi nóng được tạo ra từ cái lò chạy bằng điện đặt giữa phòng xông hơi. Trên lò người ta xếp các viên đá kiểu sa thạch, loại đá giữ nhiệt được lâu. Để tạo hơi, thỉnh thoảng lại vẩy một ít nước vào các hòn đá, hơi nóng sẽ bốc lên mù mịt.

Một nhóm mấy người tắm chung một lần (tất nhiên là nam tắm với nam, nữ với nữ). Mọi người xông hơi phải “nuy” (khỏa thân). Nếu ai “bẽn lẽn” hay “xấu hổ” hoặc “tế nhị” thì dùng chiếc khăn tắm che “bộ phận” bên dưới. Tất cả ngồi ở các băng ghế xung quanh lò. Ghế được làm bằng gỗ thông mang từ bên nước họ sang. Gỗ rất thơm.

Tắm hơi phải có nhiều “công đoạn”. Thích nhất là “công đoạn” dùng các “chổi” nhỏ làm từ lá bạch đàn, bạch dương hay lá sồi để đập nhẹ vào lưng khi xông hơi.

Để mời các khách “VIP” họ chuẩn bị cũng khá kỹ. Ví dụ tắm “nội bộ” với nhau thì có thể dùng lá bạch đàn tươi ngắt ở cây ngoài vườn khách sạn để làm “chổi”. Nhưng nếu có khách “VIP” thì họ có cả những bó lá bạch dương khô mang từ nước họ sang để “chiêu đãi”.

Xông hơi một lúc thì sang bên phòng bên cạnh có bể nước lạnh để “đầm mình”.

“Tây” tắm thì lâu. Tắm, xông hơi một lúc thì lên tầng trên ngồi uống rượu với các đồ nhắm kiểu Nga. Vừa nhậu vừa tán chuyện, hay chơi bài hoặc ngắm cảnh xung quanh qua các ô kính. “Nhậu” một lúc lại xuống xông hơi, tắm tiếp… Cứ như vậy.

Có cuộc “tắm” kéo dài từ 6 giờ chiều đến gần 11 giờ đêm. Lắm hôm tôi thấy đi làm “trợ lý tắm hơi” còn khổ, còn vất vả hơn nhiều so với làm “trợ lý chính thống” ở văn phòng làm việc.

Nghĩ lại thấy nhiều chuyện buồn cười lắm!

Với những lần Trưởng đoàn chuyên gia mời cán bộ lãnh đạo “nhà ta” đến “tắm hơi giao lưu”.

Vị nào nhà ta thân hình “kha khá” một chút còn đỡ! Có nhiều vị “mình hạc xương mai”, cởi quần áo ra đứng cạnh mấy ông “Tây” thì thật là…

Lại có “bác” ngượng ngịu không chịu “cởi” hết đồ, co ro trong cái quần đùi toòng teng màu cháo lòng rộng thùng thình… trông thật… “bi hài”!

Thôi… thôi… không kể nữa!

Rượu Vôđka Nga chính hiệu, cộng “mồi” ngon như giăm - bông, xúc xích, thịt hun khói kiểu Nga… nhiều “bác” nhà ta chỉ thích “khoản” này chứ không thích xông hơi, không thích tắm!!!

***

Cuối năm 1986, những chuyên gia Liên Xô cuối cùng của cầu Thăng Long rút hết về nước.

Xí nghiệp cầu Thăng Long bàn giao khu chuyên gia này cho ngành du lịch Hà Nội để làm khách sạn và nó được mang tên “Khách sạn du lịch Hoàng Long” của Du lịch Hà Nội.

Nghe nói khách sạn Hoàng Long đó một thời khá đông khách vì có cái nhà tắm hơi độc đáo, có thể nói là “độc nhất vô nhị” này ở khu vực Hà Nội!

Không hiểu cái nhà tắm hơi đó nay còn không?

Dấu ấn của một thời!

Ai có biết?

(Kỳ sau: Điếu thuốc, cái kẹo và chuyện phải nhờ Tây mới có…)

Đọc thêm