Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 6): Tạm biệt bờ Bắc, bất ngờ nhưng không ngẫu nhiên

(PLVN) - Đầu năm 1982 đoàn chuyên gia Liên Xô thay đổi trưởng đoàn. Trưởng đoàn cũ là ông Đanhiev, một người không phải người Nga mà là dân sắc tộc Kavkazơ thì phải…

LTS: Cầu Thăng Long, còn gọi là Cầu Hữu Nghị Việt Xô là cây cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300. Cây cầu này có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ và là công trình thế kỷ của quan hệ Liên Xô - Việt Nam. Câu chuyện Pháp luật trân trọng giới thiệu và đăng tải loạt bài viết của ông Nguyễn Văn Ất, nguyên Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long để bạn đọc không chỉ biết thêm về cây cầu đặc biệt mà còn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.

Ông Đanhiev có bộ mặt vô cùng lạnh lùng. Chưa bao giờ tôi thấy ông cười, thậm chí cười nhếch mép cũng không.

Việc thay ông không phải do sắc tộc mà có lẽ công trình sắp vào giai đoạn thi công dồn dập, chuyên gia nhiều ngành nghề sẽ sang đông mà ông Đanhiev thì mới chỉ huy một nhóm nhỏ chuyên gia từ khi mới sang khảo sát từ cuối năm 1979 đến giờ. Ngay phía Liên Xô có thể cũng thấy cần phải có một người chỉ huy có kinh nghiệm quản lý đoàn chuyên gia để hợp tác có hiệu quả trên một công trình lớn như thế này.

Trưởng đoàn mới là ông Evgheni Zelnin.

Ông Zelnin là một người có bề ngoài hết sức “lãng tử”. Trông ông không giống người Nga mà giống dân Bắc Âu kiểu Phần Lan, Thuỵ Điển thì đúng hơn: người dong dỏng cao, tóc hung vàng, râu quai nón rất oai! Hầu như lúc nào cũng diện quần trắng, giày trắng, mồm ngậm tẩu (hoặc thuốc lá cắm tẩu)… tính hay bông đùa, trông rất nghệ sỹ.

Trưởng đoàn chuyên gia E. Zelnin, Tổng Giám đốc Hoàng Minh Chúc và tác giả.

Về phía lãnh đạo Việt Nam của cầu Thăng Long. Cũng vào thời điểm đó Tổng Giám đốc ông G. về hưu. Lên thay ông G. là anh Hoàng Minh Chúc.

Anh Chúc khi lên làm Tổng Giám đốc Thăng Long mới ngoài 40 một chút. Anh người xứ Nghệ, cao to, ăn to, nói lớn, tác phong dứt khoát. Anh đã có thời gian thực tập gần 2 năm về cầu đường ở Liên Xô và ở Thăng Long đã lâu. Trước khi lên “tổng” thì anh là “phó tổng” phụ trách thi công. Đúng kiểu “dân công trường”!

***

Hôm ấy, khoảng quý II năm 1982, tân tổng giám đốc và tân trưởng đoàn Zelnin sang bờ bắc làm việc. Tôi nhớ hôm đó có cuộc họp các lãnh đạo và sau đó có mitting phát động thi đua gì đó. Họ không mang anh T. “lùn” phiên dịch theo. Tôi phiên dịch hôm ấy.

Trong cuộc họp, tôi phiên dịch cho trưởng đoàn và tổng giám đốc. Sau đó trong mấy phút giải lao, ông trưởng đoàn hỏi tôi: “Anh làm đây lâu chưa? Mà sao anh nói tiếng Nga sõi thế? Từ hôm sang Việt Nam đến hôm nay tôi mới gặp một người nói tiếng Nga dễ hiểu như anh”.

Tôi trả lời và cũng nói với ông trưởng đoàn rằng “đây không phải là lần đầu tiên tôi được người Nga khen nói tiếng Nga sõi”.

Nói câu này với ông trưởng đoàn tôi lại nhớ đến hồi học bên Liên Xô: Khi đó nhiều lần gọi điện thoại hẹn hò các cô bạn gái Tây, vì có cô là người trong phố, không ở ký túc xá. Gọi điện thoại về nhà, nhưng các cô không có nhà. Bố, mẹ các cô nghe hộ và nhắn lại. Bố mẹ các cô ấy cũng không nhận ra tôi là người nước ngoài nói tiếng Nga.

Bởi nếu nhận ra tôi là người nước ngoài chưa chắc bố mẹ các cô ấy cho rủ rê con gái họ đi chơi. Chính bản thân các cô bạn gái tôi thời học Liên Xô đã nhận xét: “Nếu không nhìn thấy mày da vàng, tóc đen mà chỉ nghe qua điện thoại thì không ai nghĩ mày là người nước ngoài nói tiếng Nga”. Khi đó tôi chỉ cười và bảo: “Nói sõi là nhờ đi chơi nhiều với mấy em đấy”.

Ngay sau cuộc làm việc kết thúc, anh Chúc Tổng Giám đốc, nói với tôi: “Không ngờ bờ bắc có cậu phiên dịch hay thế! Mà đến bây giờ tôi mới biết. Thôi! Cậu về bờ nam làm cho trưởng đoàn và tôi đi. Tôi sẽ bảo ông trưởng phòng của cậu chuyển cậu về”.

Tôi thực sự bất ngờ trước ý kiến này của tân tổng giám đốc. Tôi nói lời cảm ơn anh.

Ngay sáng hôm sau ông trưởng phòng chuyên gia gọi điện sang bờ bắc bảo tôi thu xếp về bờ nam làm việc ngay. Nếu có thể thì chiều nay về luôn.

Tôi thì có gì mà phải thu với xếp. Có mỗi cái bếp điện dây mai-xo và một cái xoong để hôm nào mưa gió không về thì có cái nấu cơm. Để lại cho các cô phục vụ ở đấy dùng.

Khi tôi quay về bờ nam làm việc thì thái độ của ông trưởng phòng đối với tôi sao mà nó khác cái hôm tôi mới bước chân về phòng nhận việc thế!

***

Đông Anh với tôi chỉ có khoảng 500 ngày như thế, nhưng Đông Anh để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đọng lại cho đến tận bây giờ.

Dù hiện nay không còn ở Hà Nội, nhưng nhiều lần có việc ra “quê phố”, sau khi xuống sân bay Nội Bài, thay vì qua cầu Nhật Tân tôi lại bảo anh lái xe đi đường cầu Thăng Long, ghé qua các làng phía bắc đầu cầu, lượn một vòng qua các chốn cũ, ngắm lại và nhớ về “người xưa, cảnh cũ”. Mọi thứ đã “vật đổi sao dời”, có cái không còn nhận ra được nữa…

Nhưng thế cũng là đủ để nhớ về một thời, khi chàng trai “tôi ấy” ở độ tuổi mới ngoài đôi mươi.

Đã 40 năm trôi qua.

Ngần ấy năm bao nhiêu nước sông Hồng đã qua chân cầu Thăng Long để xuôi về biển.

Ai biết…

Cũng cần kể đôi lời về anh phiên dịch cho trưởng đoàn cũ tên là T.

Anh T. hơn tôi khoảng chục tuổi (độ ngót 40), vẫn độc thân, người “cực kỳ mini” nên anh em hay gọi là anh T. “lùn”! Anh học ngoại ngữ trong nước.

Anh T. “lùn” được ông trưởng phòng chuyên gia “quý” lắm. Đi đâu hai người cứ như hình với bóng!

Sau này khi đã về bờ nam làm việc cho trưởng đoàn Zelnin và tổng giám đốc tôi mới tình cờ được biết lý do tại sao tôi được về bờ nam và làm cho lãnh đạo.

Số là anh Hoàng Minh Chúc Tổng Giám đốc cũng đã từng ở Liên Xô về, biết tiếng Nga, (anh về nước đã lâu, nên để nói và trình bày cho chuyên gia hiểu hết thì cũng khó, nhưng cơ bản là anh giao tiếp và làm việc thông thường được).

Có lần anh Chúc làm việc với chuyên gia mà anh T. “lùn” phiên dịch dịch chưa đúng, anh Chúc do biết tiếng Nga nên phát hiện được. Nhất là trong các vấn đề kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi phải dịch chính xác, chứ không phải chuyện giao tiếp bình thường thì thôi thế nào cũng “khơ-ra- sô” cho qua. Đây chính là lý do tại sao tôi lại được điều về bờ nam và yêu cầu phải về ngay.

(Viết đến đây tôi lại thấy bây giờ, khi đất nước đã hội nhập mà nhiều “sếp” mù tịt ngoại ngữ quá. Làm việc với đối tác nước ngoài thông qua phiên dịch mà các cô các cậu phiên dịch tiếng tăm đâu phải thông thạo. Cái gì cũng “Yes”! cũng “Good”! Ngày xưa là “Đa” và “Nhet”! Rồi sau đó về nhà xem kỹ lại mới “Ối, thôi chết rồi…!”. Có những lần chứng kiến Chương trình truyền hình trực tiếp các sự kiện quốc tế trên truyền hình mà buồn!)

Ngoài ra, chỗ riêng tư, có lần anh Chúc tổng giám đốc nói nửa đùa, nửa thật với tôi rằng: “Tớ cao to như tây, đi làm việc với chuyên gia, khách Liên Xô, khách nước ngoài sang… đi với cậu T. “mini” trông thế nào ấy”.

Tác giả và nguyên tổng giám đốc Hoàng Minh Chúc gặp nhau tháng 1/2021

(Cái này cũng có phần thực tế. Bản thân tôi cũng đã có lần trải nghiệm. Nhiều khi “hình thức bên ngoài” cũng quan trọng đấy! Nhất là các việc đối ngoại. Có dịp tôi sẽ kể câu chuyện “Diện mạo bên ngoài và các vụ “công cán ngoại giao” của bản thân và của các bạn bè làm ngoại giao).

***

Thế là 500 ngày “Hà Nội nhưng Đông Anh” của tôi đã ở lại phía sau!

Tạm biệt Đông Anh!

Một giai đoạn mới bắt đầu…

(Còn nữa)

Đọc thêm