Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 7): Phiên dịch cho “VIP” và cuộc “sát hạch” chớp nhoáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa năm 1982 tôi về bờ nam làm phiên dịch cho trưởng đoàn và lãnh đạo. Về bờ nam làm việc quả thật là rất nhiều việc, cả có tên lẫn không tên!
Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 7): Phiên dịch cho “VIP” và cuộc “sát hạch” chớp nhoáng

LTS: Cầu Thăng Long, còn gọi là Cầu Hữu Nghị Việt Xô là cây cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300. Cây cầu này có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ và là công trình thế kỷ của quan hệ Liên Xô - Việt Nam. Câu chuyện Pháp luật trân trọng giới thiệu và đăng tải loạt bài viết của ông Nguyễn Văn Ất, nguyên Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long để bạn đọc không chỉ biết thêm về cây cầu đặc biệt mà còn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.

Làm cho trưởng đoàn chuyên gia là chính nhưng không phải là phiên dịch đơn thuần như con “vẹt”! Tôi vừa làm phiên dịch vừa là trợ lý giúp ông trưởng đoàn. Ngoài phiên dịch tôi còn theo dõi tình hình thi công tại công trường, nếu phát hiện việc bố trí chuyên gia chưa hợp lý với các đơn vị Việt Nam hoặc bố trí thiết bị hay cách thức điều hành trên công trường có thể có vấn đề liên quan đến chuyên gia… tôi sẽ báo lại để ông trưởng đoàn hoặc lãnh đạo cầu Thăng Long, để họ có biện pháp điều chỉnh. Rồi theo dõi các đơn hàng viện trợ từ Liên Xô sang để báo cáo phía Việt Nam bố trí tiếp nhận (những thông tin này nội bộ họ với nhau rất nhanh, chứ đợi các văn bản hay điện tín chính thức rất lâu)… và ngược lại.

Do làm việc gần gũi, đặc biệt là với lãnh đạo đoàn chuyên gia và các nhân vật “VIP” của họ nên tôi tham mưu cho các anh lãnh đạo phía Việt Nam của công trình để có các “giải pháp” và “ứng xử” cho phù hợp, vừa hiệu quả, vừa hữu nghị… (Ví dụ như lần thăm dò và tham mưu để phía Liên Xô đồng ý bán thực phẩm từ cửa hàng của họ với giá “hữu nghị” cho công nhân Việt Nam trên công trường. Chuyện này tôi sẽ kể ở kỳ sắp tới).

Về bờ Nam, lãnh đạo hai bên họp nhiều khi rất đột xuất để giải quyết các vấn đề toàn “đại sự”! Các đoàn từ Liên Xô họ sang thị sát kiểm tra công trình xem sử dụng viện trợ thế nào, ở dưới sứ quán họ lên, rồi khách “VIP” cấp cao đến công trình v.v…

Ngay khách “VIP” trong nước, mà nay mọi người quen gọi là “tam trụ”, “tứ trụ” đến công trình khi ấy có những cuộc thăm đòi hỏi rất khắt khe. Công tác chuẩn bị phải nói rất vất vả đối với cơ quan nói chung và cá nhân tôi nói riêng.

***

…Những ngày áp Tết Giáp Tý, tháng 1 năm 1984.

Đó là những ngày sao mà bận rộn đến thế: Con giai mới được 3 tháng còn đỏ hỏn, vợ vừa phải đi dạy học lại phụ giúp với gia đình trông coi cửa hàng ở Hàng Đường, nhất là những ngày áp Tết khách mua tấp nập; cầu Thăng Long thì mới thông xe cơ giới nhẹ được mấy hôm nên các vị lãnh đạo, báo chí nước ngoài… liên tục đến công trình.

Mùa đông năm ấy cũng sao mà rét đến thế! Đã qua 23 tháng Chạp tết ông Công, ông Táo. Khoảng 25-26 tháng Chạp, chỉ còn 4-5 hôm nữa thì nghỉ Tết. Các Phòng, Ban của Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long đã nhộn nhịp lùng, tìm mua lợn, gạo nếp, đỗ xanh… để chia cho anh em về ăn Tết.

Gần trưa hôm ấy thì tự nhiên tôi được lãnh đạo cơ quan thông báo có người ở Văn phòng Chủ tịch hay Ban Trung ương gì đấy (thực sự khi ấy tôi cũng không rõ lắm, chỉ được hiểu là ở cơ quan cấp cao trung ương, cực quan trọng) lên cầu Thăng Long làm việc và báo là họ sẽ gặp tôi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cầu Thăng LongThủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cầu Thăng Long

Cũng hơi hồi hộp pha chút suy nghĩ. Nhưng không hề lo. Mặc dù không biết có chuyện gì...

Đợi mãi chẳng thấy gì, ngả cặp lồng cơm ra ăn.

Vừa ăn cơm xong, định ngả lưng xuống bàn nghỉ tí chút thì có người lên phòng báo tôi xuống ngay phòng khách cơ quan có người cần gặp.

Vội vàng vuốt lại mái tóc trên đầu vì khi đó tóc tôi dài gần chấm vai. Ngồi dậy sau khi nằm nó bù xù (Khi ấy trong túi tôi lúc nào cũng phải có cái lược. Mà là lược to như của chị em, vì tóc tôi dầy. Tôi cắt cụt cán lược cho ngắn để tiện đút túi).

Mấy anh em trong phòng thấy tôi giữa trưa giờ nghỉ lại có người lên gọi gấp, mà lại có vẻ “bí hiểm” nên cũng nhìn theo với ánh mắt “hơi tò mò”. Chắc “nghi ngờ” không hiểu “bố này” có chuyện gì!

Nhảy cóc hai ba bậc cầu thang để xuống nhà, vào phòng khách…

Họ lên vào giữa buổi trưa, đang ngồi ở phòng khách của Xí nghiệp cầu Thăng Long. Có hai người.

Cả hai người đàn ông tuổi khoảng ngoài 40. Tôi gọi “các anh” xưng “em”.

Xong lời chào, họ hỏi chuyện tôi. Sau mấy câu hỏi thăm như: “Học ở đâu về. Làm đây lâu chưa. Có vợ chưa…”. Thời gian còn lại câu chuyện tào lao, không có chủ đề, cũng chẳng đâu ra đâu.

Thỉnh thoảng các anh ấy lại hỏi tôi: thế tiếng Nga câu này thì nói như thế nào ấy nhỉ? Nói thế nào thì hay hơn…

Đại thể như vậy...

Cuối buổi gặp, chuẩn bị đứng lên chia tay ra về thì họ mới nói là họ đang làm công tác chuẩn bị để một đồng chí lãnh đạo cấp cao lên thăm cầu và nói chuyện với chuyên gia Liên Xô.

À ra thế!

Rất nhanh bằng linh cảm, tôi hiểu ngay mục đích họ lên làm việc và gặp tôi hôm nay: họ muốn kiểm tra, sát hạch trình độ phiên dịch tiếng Nga và “nhân thể” xem mặt mũi của tôi ra sao đây mà.

Chuyện trò khoảng 30 phút thì chia tay.

Ra tới gần cửa phòng khách, trước khi về thì một trong hai ông nói: “Hơi tiếc cho cậu. Giá cậu được ở một cơ quan kiểu như Ban đối ngoại TW hay gì đó thì phát huy được khả năng của mình tốt hơn. Cậu làm ở đây hơi phí...” và có ý nếu tôi muốn chuyển thì họ sẽ giúp…

Mới lần đầu gặp nhau, cũng chưa biết “mô - tê” thế nào nên tôi chỉ cám ơn và nói để suy nghĩ rồi sẽ nói lại với các anh ấy sau.

(Khi đó tôi nghĩ nhanh trong đầu: khó mà được cơ quan cho chuyển đi. Càng “được việc” càng khó “đi”. Ngày ấy vấn đề chỗ “đến” cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn lại là có “đi” được không. Các bạn lớn tuổi chắc chưa quên việc chuyển nơi công tác ở thời kỳ đó. Vô cùng phức tạp vì liên quan đến hộ khẩu và sổ gạo. Chuyển đi cơ quan mới mà cơ quan cũ không cho chuyển hộ khẩu và sổ gạo thì… toi! Bà xã tôi chứ đâu: bao nhiêu năm dạy học ở ngoại thành, đã xin được mấy chỗ dạy trong nội thành, họ đồng ý nhận nhưng trường cũ không cho đi, không trả hồ sơ, không cho chuyển sổ gạo… thành ra cứ “chết dí” hơn chục năm ở trường ngoại thành hẻo lánh. Hộ khẩu và Sổ gạo như một “vũ khí” cột chân hữu hiệu! Chứ không như bay giờ: chỗ “nhận” mới là quyết định).

Tuy họ không nói ai sẽ lên thăm nhưng tôi cũng loáng thoáng đoán ra là ai. Vì Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vừa lên thăm cầu cách đấy không lâu.

***

Hai ngày sau, đúng 26 Tết thì Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đến thăm công trình và nói chuyện với đoàn chuyên gia Liên Xô làm việc tại đây.

Bài nói chuyện Chủ tịch đọc trên giấy chứ không nói “vo”. Tôi đứng bên cạnh phiên dịch theo không có văn bản.

Cuộc thăm của Chủ tịch kết thúc lúc trưa đã muộn. Nhưng công việc chưa dừng lại ở đây.

Sau khi Chủ tịch Trường Chinh kết thúc cuộc thăm, rời công trình thì ngày hôm sau và hôm sau nữa các trợ lý hay cán bộ của Văn phòng Hội đồng Nhà nước hay Cơ quan nào (khi đó tôi thực sự không rõ lắm, họ từ cơ quan nào) lại lên gặp và hỏi tôi xem dư luận chuyên gia Liên Xô như thế nào đối với cuộc thăm của Chủ tịch. Họ lên gặp bất ngờ và cũng chớp nhoáng. Tôi cũng trả lời rất khách quan những gì mình biết và nắm được thông tin…

Chủ tịch Trường Chinh nói chuyện với chuyên gia Liên XôChủ tịch Trường Chinh nói chuyện với chuyên gia Liên Xô

Cuộc thăm cực kỳ nghiêm cẩn đó của Chủ tịch Trường Chinh diễn ra vào ngày 28/01/1984 thì phải 3 hôm sau, ngày 31/01/1984 các báo lớn như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới… mới đăng tin.

Tôi được nghe một vài người có trọng trách giải thích về việc đó. Nhưng chuyện đó để kể vào dịp khác.

Gần 40 năm với bao công việc, nỗi lo toan trong cuộc đời đã trôi qua…

Nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu cuộc gặp buổi trưa bất ngờ để “sát hạch” tôi ngày áp Tết năm ấy! Cứ tưởng nó mới diễn ra hôm qua…

Đọc thêm