Chuyện cũ cầu Thăng Long (Kỳ 9): Tấm biển đồng hữu nghị Việt Xô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong mấy năm làm phiên dịch, tôi không chỉ có những lần phiên dịch cho lãnh đạo “Ta”: từ Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… mà còn có lần làm phiên dịch cho “lãnh đạo”… Tây!
Toàn cảnh mitting chào đón đoàn của ông Gaiđar Aliev tại gầm chân cầu địa phận làng Đông Ngạc, ngày 31/10/1983.
Toàn cảnh mitting chào đón đoàn của ông Gaiđar Aliev tại gầm chân cầu địa phận làng Đông Ngạc, ngày 31/10/1983.

Đấy là những ngày cuối tháng 10/1983, sắp kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (03/11/1978 - 03/11/1983). Một phái đoàn hùng hậu của Liên Xô do ông Gaiđar Aliev, Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam.

Tính đến thời điểm đó, đã lâu lắm rồi mới có một phái đoàn Nhà nước Liên Xô do một nhân vật cấp cao như thế sang thăm chính thức Việt Nam, nếu không kể các nhân vật trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô sang dự các kỳ Đại hội Đảng. Thủ tướng Liên Xô Cô-xư-ghin cũng chỉ sang Việt Nam một lần năm 1969 viếng tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có lẽ cũng phải nói đôi dòng về các chuyến thăm Việt Nam của các nhân vật cấp cao Liên Xô: Các đời Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô khi đang đương chức, từ Stalin, Khơ-rút-sev đến Brê-giơ-nev, rồi An-đrô-pov, Trer-nen-cô, Gor-ba-trov đều chưa đến Việt Nam.

Khi ông Gor-ba-trov sang Việt Nam dự Đại hội V Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982 và đặt phiến đá ở vườn hoa Canh Nông, trên vị trí mà sau này đặt tượng Lê-Nin ở vườn hoa đối diện Bảo tàng Quân đội ngày nay, thì lúc ấy ông mới được bầu làm “tân Uỷ viên Bộ Chính trị”, chưa là Tổng Bí thư. Nói thế để thấy “tầm” phái đoàn của ông Aliev khi đó là như thế nào. Ông Gaiđar Aliev trước khi “lên” Trung ương làm Uỷ viên Bộ Chính trị và Phó thủ tướng thứ nhất Liên Xô là Bí thư thứ nhất của nước Cộng hoà Xô viết Azerbaijan.

Ông Aliev, ông Đồng Sỹ Nguyên cùng Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô và TGĐ cầu Thăng Long khai trương tấm biển đồng “Cầu Thăng Long, cầu hữu nghị Việt – Xô”.

Ông Aliev, ông Đồng Sỹ Nguyên cùng Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô và TGĐ cầu Thăng Long khai trương tấm biển đồng “Cầu Thăng Long, cầu hữu nghị Việt – Xô”.

***

Ông Gaiđar Aliev dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà nước Liên Xô thăm chính thức Việt Nam và đến thăm công trình cầu Thăng Long ngày 31/10/1983. Việc đến thăm công trình là một trong những hoạt động chính trong chuyến công du của ông tới Việt Nam. Tại đây ông sẽ khai trương lễ gắn biển: “Cầu Thăng Long, công trình hữu nghị Việt - Xô”.

Chính vì “tầm quan trọng” như thế nên an ninh 2 bên “dọn dẹp” trước vô cùng kỹ lưỡng. Địa điểm dự kiến mitting đón đoàn và tổ chức lễ gắn biển “cầu hữu nghị” tại trụ mố M15 chân bờ đê làng Đông Ngạc đã được lực lượng an ninh cả hai bên “phong toả” từ hôm trước. Họ dùng các thiết bị đặc chủng kiểm tra an toàn các khu vực mà đoàn sẽ đi qua và đặc biệt nơi diễn ra buổi đón và lễ mitting.

Khi đoàn đến, “mật vụ” của cả hai bên bố trí vòng trong, vòng ngoài. Đặc biệt các nhân viên anh ninh, mật vụ của phía Liên Xô, người nào cũng cao to lực lưỡng, bộ đàm gắn ngực áo, mắt chằm chằm quan sát, tư thế lăm lăm.

Tôi phiên dịch cho đoàn của ông Aliev. Nhiệm vụ đã được “quán triệt” từ mấy hôm trước…

10 giờ sáng ngày 31/10/1983 đoàn xe có xe cảnh sát hú còi, đèn xanh đỏ nhấp nháy dẫn đầu, theo đê Nhật Tân, Phú Thượng lên tới chân đê Đông Ngạc.

Cùng đi với ông Aliev lên công trình cầu Thăng Long về phía Việt Nam có Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên.

Lễ đón và mitting diễn ra ngay chân mố trụ bờ đê làng Đông Ngạc.

Ngày ấy lễ chào đón phái đoàn cấp cao nước ngoài nhưng hình thức cũng đơn giản lắm! Không có cổng chào xanh đỏ, hay nhà bạt gì cả. Tất cả đều diễn ra dưới gầm cầu, không có mái che. Trang trí duy nhất là hai tấm phông vải, màu xanh công nhân, dài, rộng chỉ bằng chiếc chiếu cói, mỗi chiều khoảng 2 mét, với mấy hàng chữ trắng: “Tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô đời đời bền vững" và tấm kia với nội dung như vậy bằng tiếng Nga.

Ông Aliev xuống xe và bắt tay mọi người ra đón, trong đó có tôi. Ông Aliev rất cao to, có lẽ phải cao tới 2 mét. Bàn tay chúng tôi lọt thỏm trong tay ông. Khi đó ông ta đã 60 tuổi nhưng nhìn ông rất khoẻ, nhanh nhẹn, đi đứng oai vệ đúng kiểu “quan đại thần nước lớn”.

Mấy phút ổn định rồi sau giới thiệu và lời chào của chủ nhà là lãnh đạo cầu Thăng Long, ông Aliev phát biểu. Ông nói vo. Không có văn bản. Ông nói “đây là lần đầu tiên đến Việt Nam… rất vui mừng khi nhìn thấy sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô thể hiện cụ thể bằng công trình giao thông rất quan trọng này mà hôm nay chúng ta đang có mặt tại đây…”.

Mở đầu bài phát biểu chắc ông “say mê ngẫu hứng” nên nói khá dài, tôi xin lỗi nhắc ông tạm dừng để tôi phiên dịch, nhưng chắc đang “cao hứng” nên ông không nghe thấy. Có người trợ lý hay vệ sỹ của ông đứng sau khẽ chạm vào lưng ông và nhìn sang tôi ý nhắc ông Aliev tạm dừng để tôi dịch lại. Ông “À” một tiếng rồi quay sang tôi nói “Xin mời” (Pa-za-lui-sta)! Thế là từ đấy đến cuối buổi cứ nói một đoạn, ông lại quay sang tôi nói “Xin mời” để tôi dịch lại. Cả tôi và ông phối hợp khá nhịp nhàng.

Thời gian phát biểu của ông cộng với thời gian tôi phiên dịch lại, tổng cộng khoảng 15-20 phút.

Ông Aliev là người Azerbaijan, không phải người Nga, nên tiếng Nga của ông giọng khá nặng và hơi khó nghe. Tuy nhiên bài phát biểu của ông là những lời chào mừng mang tính ngoại giao nên cũng không có gì phức tạp đối với tôi trong việc phiên dịch.

Sau đó quan khách và chủ nhà là ông Aliev, ông Đồng Sỹ Nguyên, cùng Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô, Tổng Giám đốc cầu Thăng Long, tất cả 4 người, kéo dải băng nhỏ bằng vải đỏ khai trương tấm biển đồng gắn trên thân mố trụ M15 ngay chân đê Đông Ngạc. Tấm biển đồng với hai thứ tiếng Việt - Nga:

Dòng tiếng Việt phía trên: “Cầu Thăng Long, cầu hữu nghị Việt Xô"

Dòng tiếng Nga phía dưới: “MOCT TXAНГ ЛOHГ, OБЪEKT BЬETHAMO - COBETCKOЙ ДPУЖБЫ”.

Vị trí tấm biển đồng “Cầu hữu nghị” được trịnh trọng khai trương hôm ấy thì nay như thế này.Vị trí tấm biển đồng “Cầu hữu nghị” được trịnh trọng khai trương hôm ấy thì nay như thế này.

Sau khi đã khai trương tấm biển, quan khách lên xe ô tô đi một vòng qua cầu: từ bờ Nam sang bờ Bắc và từ bờ Bắc trở về bờ Nam trên hai đường cánh gà (hiện nay cho xe đạp và xe máy). Hôm ấy trên đường cánh gà này mới là các tấm bê tông đặt lên, chưa rải nhựa đường và cũng chỉ mới có đường tạm dẫn lên cánh gà chứ đường lên cầu Thăng Long chưa có.

Để cho quan khách hôm ấy ngồi xe đi qua cầu được thì bao nhiêu vấn đề phức tạp đã phải đưa ra bàn và giải quyết. Đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn với các xe đặc chủng khá nặng dùng chở nguyên thủ quốc gia khi mà đường trên cầu chưa hoàn thiện, còn đang thi công…

***

Gần 40 năm đã trôi qua!

Biết bao nhiêu nước sông Hồng đã chảy qua chân cầu Thăng Long xuôi về biển. Biết bao triệu lượt xe đã xuôi ngược qua cầu Thăng Long.

Tấm biển đồng được hai bên trịnh trọng khai trương ngày ấy đã bị kẻ nào lấy mất!

Không biết mất từ lúc nào! Chẳng ai quan tâm, đoái hoài! Dù để quản lý, khai thác cầu Thăng Long có hẳn một Xí nghiệp của ngành giao thông.

Bây giờ ai có dịp đi qua chân cầu Thăng Long theo đường đê Đông Ngạc thì chỉ thấy trên thân trụ mấy nẹp sắt gỉ hoen, đen xì là khung viền của tấm biển đồng khi xưa!

Biển đồng “hữu nghị…” ơi! Giờ “Mi” ở nơi nao?!!!

(Còn nữa)

Đọc thêm