Thời sơ khai, trà được canh tác như thế nào?
Khoảng thời gian hậu thế kỷ thứ 4 và trong thế kỷ thứ 5, trà được coi như một loại thuốc chữa bệnh tại Trung Quốc. Bởi lẽ đó mà lượng trà tiêu thụ ngày càng nhiều. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn đó, từ thu hoạch tự nhiên, trà đã được chuyển sang phương thức canh tác, trồng trọt.
Theo Laura C.Martin - tác giả cuốn sách “Lịch sử của trà”, một nguyên nhân khác là cây trà dại ở Tây Nam Trung Quốc phát triển khá cao khiến việc thu hoạch trở nên khó khăn. Các chủ nông trại và nông dân đã chặt cây trà xuống để lấy lá tươi, nhưng sau đó người ta thấy rõ nó sẽ sớm làm cạn kiệt toàn bộ rừng trà.
Bởi tất cả những nguyên nhân đó, nền lâm nghiệp sơ khai đã được hình thành giữa thế kỷ thứ 4. Nông dân Trung Quốc khi đó đã phát hiện ra rằng cây trà phát triển tốt trong đất sỏi có hệ thống thoát nước tốt nên đã vận dụng những điều kiện đó để trồng trà.
Việc canh tác trà có lẽ đã bắt đầu ở vùng đồi núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi những cây trà được trồng trên các sườn đồi. Những người trồng trà ngày nay biết được giá trị của loại đất thoát nước tốt, bởi vậy cây trà mọc bụi vẫn được trồng trên sườn đồi, nơi đáp ứng được tiêu chí đó.
Tranh cổ tái hiện cảnh người nông dân Trung Quốc xưa trồng chè. |
Trong cuốn “Lịch sử của Trà”, Laura C.Martin cho hay, dưới triều đại Bắc Ngụy (386-535), lá trà đã được chế biến sơ qua và khiến hương vị phần nào được cải thiện. Một cuốn từ điển của thời kỳ này nói rằng ở khu vực giữa các tỉnh Hồ Bắc và Tứ Xuyên, lá trà đã được thu hoạch, làm thành bánh và nướng cho đến khi cứng và có màu đỏ.
Những chiếc bánh sau đó được xắt thành miếng nhỏ và đặt trong một chiếc nồi sành. Đây có thể là nỗ lực đầu tiên trong việc truy tìm không ngừng nghỉ các phương pháp chế biến tốt nhất để sản xuất các loại trà có hương vị ngon nhất, một sự tìm kiếm mà chúng ta tiếp tục cho đến tận ngày nay.
Vào thời Nam triều (420-478) việc trồng trà trở nên phổ biến và trà được coi là một loại cây trồng có giá trị. Trong thời gian này, triều đình yêu cầu người nông dân phải cống nạp trà. Nhà văn Shan Chien Chil đã viết lại rằng: “Cách thành phố Vụ Thành 20 dặm về phía Tây, tại tỉnh Chiết Giang có núi Văn, trên núi trồng trà để tiến vua”.
Sự cống nạp thời kỳ đầu này là tiền thân của thuế trà, thứ đã gây ra hậu quả cho nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới.
Trà có mặt mọi lúc, mọi nơi
Rõ ràng ngay từ khi trở nên phổ biến, trà đã “len lỏi” và “ăn sâu” vào đời sống của người Trung Quốc. Điển hình như việc trà được dùng làm của hồi môn vào thời nhà Đường. Trong số của hồi môn mà Văn Thành công chúa (628-680, công chúa nhà Đường) mang theo khi xuất giá đến Tây Tạng đã có sản phẩm trà.
Tại miền Nam Trung Quốc, sính lễ mà phía nhà trai mang đến nhà gái được gọi là “trà lễ”, khi nhà gái tiếp nhận sính lễ thì được gọi là “ngật trà”. Nếu một cô gái mà nhận “trà lễ” của hai nơi thì sẽ bị mọi người chê cười và lên án.
Nguồn gốc phát sinh tục uống trà của người Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức của người xưa về cây trà. Họ cho rằng cây trà không được di chuyển, nếu di chuyển, nó sẽ bị chết. Ngoài ra, trà là một giống cây quanh năm xanh tốt, thông qua cây trà, con người muốn gửi gắm những ước vọng tốt đẹp về tình yêu và cuộc sống.
Vì vậy, cho đến tận ngày nay, tại nhiều vùng của Trung Quốc, vẫn giữ phong tục cổ lấy trà làm sính lễ và tuc uống trà trong hôn lễ.
Không chỉ xuất hiện trong lễ cưới, trước đây, cứ vào mùng 1 tháng Giêng, ngày Đông chí hoặc ngày mùng 1 các tháng trong năm, đồng bào dân tộc Hán lại tụ tập tại các từ đường để tiến hành lễ cúng tổ tiên.
Họ quan niệm tổ tiên chính là vị thần của gia tộc, luôn phù hộ cho sự yên bình, hưng thịnh và sinh tồn của gia tộc, vì thế, nghi thức cúng tế tổ tiên được diễn ra vô cùng long trọng và trang nghiêm. Các đồ cúng tế cũng đều là những đồ dùng riêng, ngoài bàn, ghế, bát hương, đèn cầy, còn có bình trà, ấm trà... Khi cúng tế, mọi người đều phải vái 3 vái, sau đó trưởng tộc sẽ rót rượu mời các vị nam thần và rót trà mời các nữ thần. Đây cũng chính là phong tục uống trà trong những nghi thức cũng tế.
Dù vậy, trước đây việc dùng trà trong các buổi hôn lễ và cúng tế cũng vẫn còn hạn chế, với cuộc sống thường ngày của người dân Trung Quốc, trà chủ yếu được sử dụng trong việc tăng cường sức khỏe, giải trí, và tiếp đãi khách.
Khi được sử dụng như một thú tiêu khiển giải trí của con người các quán trà bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Trà Quản (quán trà), thời xưa còn được gọi là Trà Liêu, Trà Tứ, Trà Phố... bắt đầu xuất hiện vào thời Đường - Tống và đặc biệt được thịnh hành trong thời Thanh.
Thời nhà Thanh, không những số lượng các quán trà xuất hiện ngày càng nhiều, mà cách thức kinh doanh cũng vô cùng linh hoạt. Ngoài việc cung cấp nước trà cho khách hàng, thì các quán trà còn mở thêm nhiều dịch vụ khác như ăn sáng, ăn vặt, thậm chí có những quán trà còn tính riêng tiền trà và tiền nước, vì thế khách hàng có thể tự mang trà của mình từ nhà đến và chỉ cần trả một ít tiền nước là được.
Trong quán trà, người ta có thể cùng bạn bè thưởng thức những phong tục uống trà của người Trung Quốc, nhưng cũng có thể chỉ ngồi một mình nhâm nhi chén trà; có thể nghỉ ngơi một vài phút, cũng có thể ngồi cả ngày; có thể xem đánh cờ, ngắm hoa, bình sách, chơi chim; cũng có thể trao đổi tin tức, bàn chuyện kinh doanh...
Mỗi quán trà đều mang những đặc điểm và hương vị riêng phù hợp với khẩu vị của từng người, vì thế, cho dù giầu sang hay hèn mọn, có học hay vô học, hiền tài hay ngu dốt, thì tất cả bọn họ đều có chung một sở thích đó là đến các quán trà.
Một quán trà ở Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay. |
Trong thời kỳ này, việc “bao” một quán trà đã trở thành một trào lưu trong xã hội, nghỉ ngơi và thưởng thức cái đẹp được người dân coi như một sự hưởng thụ tuyệt vời nhất, việc kết hợp giữa tục uống trà của người trung quốc với các hoạt động vui chơi giải trí cũng ngày càng phát triển hơn.
Trong số những quán trà của Trung Quốc, nổi tiếng hơn cả có lẽ phải kể đến các quán trà của Tứ Xuyên. Với mệnh danh là “Thiên Phủ Chi Quốc”, ngay từ thời xưa, nơi đây đã trở thành một trong những trọng điểm sản xuất trà của Trung Quốc. Lịch sử của ngành trồng và chế biến của nơi đây ít nhất cũng đã có đến hơn 2.000 năm. Tương truyền, ngay từ thời Tây Hán cho đến thời Tam Quốc, phong tục uống trà trong nhân dân đã bắt đầu xuất hiện tại nơi đây, đến thời nhà Đường đã trở nên thịnh hành trong toàn xã hội.
Cùng với sự phát triển của ngành sản xuất, uống trà đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Tứ Xuyên là một trong những nơi có nền văn hóa Trà Quản phát triển nhất Trung Quốc, theo những số liệu thống kê năm 1985, chỉ tính riêng các quán trà đăng ký kinh doanh tại thành phố đã lên tới hơn 600 quán, với hơn 4.000 nhân viên, doanh thu hàng năm vượt qua mức 10 triệu nhân dân tệ.