Chuyến đi cuộc đời và chiếc “va li” cha mẹ tặng

(PLO) -Chặng đường để một con người từ một đứa trẻ ngây ngô không biết gì đến một cá nhân trưởng thành có ích hay có gây họa cho xã hội thì dấu ấn của gia đình đều rất rõ nét. Nói thế để thấy rằng sự ảnh hưởng của cha mẹ, gia đình lên con cái là rất lớn và rất quan trọng. Hay nói cách khác, với một con người thì “nơi đến” khi trưởng thành chính là do “va li hành trang” được cha mẹ trang bị từ khi còn nhỏ quyết định.

Chuyện không phải của riêng Định

Đứng trước vành móng ngựa, Nguyễn Việt Định nức nở khóc. Định biết, mức án 1 năm tù vừa tuyên là quá nhẹ đối với mình vì lý do nhân thân tốt, vì mới phạm tội lần đầu, vì gia đình đã bồi thường đầy đủ thiệt hại cho nạn nhân. Nhưng, Định cũng biết cuộc đời mình sẽ khác nếu như…

Định vẫn nhớ như in ngày bố mình bị dẫn giải lên chiếc xe tù. Mức án 15 năm tù của người đàn ông trong gia đình đã đánh gục mọi sự hy vọng trong lòng người vợ ốm yếu và đứa con trai nhỏ. Đáng lẽ ra hạnh phúc đã ghé đậu trên ngưỡng cửa gia đình họ nếu như người chồng, cha của họ không vì mải mê rượu chè, lô đề mà xao nhãng gia đình, công việc. Mảnh đất hương hoả của ông bà để lại, rồi cửa hàng điện máy nhỏ nhưng đắt hàng nơi phố huyện đã nhảy múa theo những con số đề đóm rồi biến mất như khói sương.

Trong cơn cùng quẫn vì nợ nần, lại sẵn có hơi men nên khi bị chủ nợ hành hung, bố Định đã giết chết một mạng người. 15 năm - quãng thời gian không hề ngắn với cuộc đời một đứa trẻ. Trong thời gian bố ở tù, Định đã mất mẹ do căn bệnh ung thư cộng thêm nỗi đau tinh thần bà phải chịu đựng. Định cũng đã kịp trưởng thành để hiểu mình phải phấn đấu học hành bằng mọi giá để thay đổi cuộc đời, đem lại cho bà nội già yếu những ngày cuối đời sung sướng. Ngày bố mãn hạn tù cũng là ngày Định cầm tấm giấy báo điểm bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học. Nhưng, cũng từ đó trên đôi vai gầy của cậu lại có thêm một gánh nặng học phí…

"Xin Hội đồng xét xử cho tôi được hưởng án treo để có thể tiếp tục đi làm kiếm tiền trả nợ và có cơ hội được học trở lại.” Lóng ngóng mãi, Nguyễn Việt Định cũng trình bày được yêu cầu kháng cáo của mình. Bằng cái giọng nghèn nghẹn nước mắt, Định thổ lộ về hành trình phạm tội của mình.

Ngày nhập trường, để có tiền đóng những đồng học phí đầu tiên, nhìn bà nội rơm rớm nước mắt, thu vén nhiều thứ trong nhà đem bán lòng Định đau như cắt. Dù đã cố gắng đi làm thêm để có tiền trang trải nhưng cậu cũng chỉ trụ được hơn một năm tại giảng đường đại học. Vì không có tiền đóng học phí, Định bị hoãn thi.Về quê, Định nhói tim khi thấy dáng bà nội lọm khọm đứng đón mình với đôi mắt mờ đục loang loáng nước. Bước vào nhà, Định thấy cha ngồi bên chai rượu đã vơi quá nửa, mắt đỏ đọc buông tiếng thở dài…

Trong tâm trạng buồn bã, Định đến chơi với Minh, một người bạn cũ thời cấp hai. Trong lúc Minh đi ra ngoài mua đồ nhắm đãi bạn, Định đã vô tình nhìn thấy chiếc lắc vàng để trong chiếc tủ đầu giường không khoá. Trong một phút mềm lòng, Định đã nhón tay cầm lấy chiếc lắc và chào bạn ra về sớm. Đón xe ôm đến một hàng vàng trên thị xã,  số tiền gần 30 chục triệu bán chiếc lắc đã khiến Định choáng váng vì lần đầu tiên cậu được cầm số tiền lớn như thế và cũng vì Định biết thế là tay mình đã nhúng chàm. Nhưng ước mơ về tấm bằng đại học đã xoa dịu cậu phần nào. Rồi cuối cùng điều gì đến cũng đã đến, chưa kịp sử dụng số tiền Định đã bị công an mời lên làm việc và  khởi tố về hành vi “trộm cắp tài sản”…  

Chiếc xe tù chở đứa con trai đã lăn bánh khỏi phòng xử án đã lâu nhưng trên sân toà người cha của bị cáo Định vẫn còn đứng mãi với gương mặt hốc hác và cặp mắt đỏ hoe. Trong lòng ông ngổn ngang biết bao nhiêu cụm từ “giá như”.

Giá như ngày đó ông đừng ham mê cờ bạc, rượu chè, rồi đến nỗi giết người, tù tội đẩy vợ con mình vào cảnh khổ. Giá như ông là một người cha đàng hoàng biết giúp con hoàn thành giấc mơ giảng đường… Lảo đảo lê bước ra cổng tòa, trong tai ông vẫn như lùng bùng câu nói của người mẹ già đêm qua “Phải chi ngày trước mày đừng vậy, thì có phải bây giờ thằng Định không phải tù tội thế này  không. Đúng là sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, con ơi là con. Khổ thân cháu tôi!”.

Lá thư không ngờ

"Cha mẹ yêu quý của con! Có thể khi đọc xong bức thư này cha mẹ sẽ cau mày và vò nát ném nó đi. Nhưng con vẫn phải viết, phải nói hết những gì đang suy nghĩ, dù sau đó cha mẹ có ghét bỏ con… Cha ơi, cha có nhớ không, có một lần vì trời mưa nên cha đã đưa con đến trường trên chiếc xe của cha. Bỗng, trước mặt cha con mình xuất hiện một vũng nước to nằm trên mặt đường và có hai ông cháu đang loay hoay trong đó cùng chiếc xe đạp tuột xích. Chắc là người ông đạp xe chở cháu đến trường nhưng chẳng may xe lại bị tuột xích ngay giữa vũng nước. Không muốn cháu mình bị ướt nên dù người yếu, người ông vẫn đang có gắng choãi chân, gồng tay đẩy cả chiếc xe và đứa cháu vượt qua vũng nước.

Đang mải quan sát hai ông cháu, con thốt nhiên giật mình vì tiếng còi xé tai vang lên từ chính chiếc xe mình đang ngồi. Tay cha liên tục ấn còi giục giã và nét mặt cha đầy cau có, bực bội. Sau đó, có vẻ như thấy tiếng còi không hiệu quả, cha quay kính xe thò đầu ra lớn tiếng: “Này ông già, lò dò lâu thế, đường nhà ông đấy hả. Đúng là đồ vô văn hóa!”.

Tư dưng bị chửi là vô văn hóa, ông già quay đầu lại sửng sốt nhìn cha. Rất nhanh, con thấy trên gương mặt quắc thước xấp xỉ tuổi ông nội mình, sự tức giận rồi lại nhanh chóng bình tĩnh lại. Con chắc rằng ông ấy đang nghĩ: Chẳng biết ai vô văn hóa ở đây…

Mẹ ơi, mẹ nhớ lần mẹ được nghỉ và đưa hai anh em con đi chơi công viên rồi cả ba mẹ con mình ghé vào một hàng hải sản không. Theo sở thích của cu Bin, mẹ gọi món sò nướng. Khi bưng đĩa sò ra, chú phục vụ cũng mang theo một cái bát nhựa to để khách đựng vỏ. Thế nhưng, thay vì vứt vỏ vào đó, cứ ăn xong con sò nào con thấy mẹ lại quăng vỏ thẳng xuống sàn quán. Tiếng lạch cạch cùng những mảnh vỏ vung vãi khắp sàn nhà sạch, đã khiến nhiều khách ngạc nhiên nhìn mẹ. Anh em chúng con lại còn ngạc nhiên hơn thế, mẹ biết không.

Vì ở nhà mẹ vẫn yêu cầu chúng con không được vứt bừa bãi, phải giữ vệ sinh sạch nhà, sạch cửa. Vậy mà… Hay đây không phải nhà mình nên không cần giữ hả mẹ? Cu Bin chắc là vì còn nhỏ nên sau khi trố mắt nhìn hành động của mẹ đã ngay lập tức “hưởng ứng”. Nó đá cho những vỏ sò lăn tứ tung và đổ nước đầy sàn. Khi chú phục vụ nhắc nhở Bin, còn còn nhớ mẹ đã lớn tiếng bênh em: Nó còn nhỏ biết gì. Làm cho Bin được đà càng nghịch và nhìn chú nhân viên đầy đắc chí

Cha mẹ yêu quý, chắc là đọc đến đây, cha mẹ rủa con là đồ nhãi ranh mới nứt mắt mà đã bày đặt để ý, dạy dỗ cha mẹ. Xin cha mẹ đừng nghĩ oan cho con. Con làm vậy chỉ để xin cha mẹ hãy một lần chia sẻ cùng con những cảm xúc, nghĩ suy.

Con vẫn nhớ, ông nội mình mỗi khi xem ti vi thấy cảnh bạo lực học đường, rồi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng,  vẫn thường bảo cả nhà: “Đừng trách con trẻ. Trẻ nhỏ giấy trắng chúng có biết gì đâu, chúng chỉ làm theo những hành động của người lớn thôi. Nếu người lớn chuẩn mực thì tất trẻ con sẽ ngoan ngoãn theo”. Từ câu nói của ông, con có thể hiểu rằng, nếu sau này anh em con lớn lên không được như ý muốn của cha mẹ, thì hẳn lúc đó chúng con sẽ bị đổ lỗi. Nhưng như thế thì quá oan cho chúng con phải không cha mẹ?"

.......

… Trẻ em thời nay cần được trang bị gì để tự tin bước vào đời, kiến thức, tiền, hay kỹ năng mềm? Câu hỏi này đã và đang luôn theo suốt các bậc cha mẹ và bất cứ câu trả lời nào dù hay ho đến đâu cũng đều có phần không chính xác (không phù hợp hoàn cảnh) hay mang tính giáo điều (nhiều lý thuyết hơn thực tiễn). Thế nên, thiết nghĩ hai câu chuyện trên đây từ lăng kính của một người trưởng thành và của một đứa trẻ sẽ để lại cho bạn đọc nhiều suy ngẫm, từ đó có câu trả lời phù hợp cho riêng mình.

Câu trả lời hay hay dở không quan trọng, điều quan trọng nhất là từ đó một đứa trẻ sẽ trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội,...

Đọc thêm