Chuyện đời cơ cực của những lính thợ trên đất Pháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi Chiến tranh Thế giới thứ II sắp bùng nổ thì chính quốc Pháp có lệnh tuyển mộ người Việt sang làm lao công thuộc địa với dạng cưỡng bách, một số nhỏ trong đó là từ nguyện. Những chàng trai trẻ Việt Nam khi đó bị bắt ép làm công nhân trong các nhà máy sản xuất vũ khí, chịu nhiều cơ cực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà thân phận của họ bị che khuất suốt 70 năm.
Họa sĩ Lê Bá Đảng, một người lính thợ Việt Nam sang Pháp năm 1939.
Họa sĩ Lê Bá Đảng, một người lính thợ Việt Nam sang Pháp năm 1939.

Những phận đời tha hương

Tháng 9/1939, theo Kế hoạch Mandel của Bộ thuộc địa Pháp, chính phủ nước này bắt đầu tuyển chọn 20.000 nông dân trẻ Việt Nam và một số người Campuchia có thể hình tốt, đưa họ vào Pháp để làm việc tại các nhà máy sản xuất vũ khí và hoạt động liên quan.

Theo đó, trong số những lính thợ này, ngoại trừ 5% là con em gia đình khá giả và được học hành tử tế tình nguyện đăng ký làm thông ngôn, 95% còn lại đều là nông dân nghèo, mù chữ, bị cưỡng bức sang Pháp rồi đưa vào làm công nhân trong các nhà máy vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng. Những người lao động này được gọi nôm na là lính thợ Đông Dương hay ONS - thợ không có tay nghề chuyên môn.

Ông Nguyễn Ngọc Châu - một nhân chứng từng chia sẻ với báo giới rằng: “Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp phích ghi rằng: “Mẫu Quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ Mẫu Quốc”. Điều này khiến mọi người xúc động. Vì tôi học trường Pháp, nên tôi chấp nhận ra đi. Hơn nữa, với chúng tôi, đó là cơ hội để nhìn thấy nước Pháp. Tôi gia nhập với tư cách là giám thị - phiên dịch.

Sách “Lính thợ Đông Dương (giai đoạn 1932-1952)”.Sách “Lính thợ Đông Dương (giai đoạn 1932-1952)”.

Chúng tôi, những người phiên dịch, cùng với các quan chức địa phương, tới nhiều ngôi làng khác nhau để mộ phu. Ví dụ một làng có 20 hộ gia đình, thì phải tuyển đủ 20 người. Đúng kiểu bắt buộc.

Trong trường hợp, ví dụ, người con trai cả, 35 tuổi, đã có gia đình và có 3-4 người con, thì người con thứ hai hoặc thứ ba phải đi thay. Nếu gia đình không có con trai thứ nào để thay thế, thì người con cả, dù đã có gia đình và con cái, vẫn bị bắt buộc đi. Chính vì thế, trong thời kỳ đó, trong đoàn của chúng tôi, có nhiều người đã khoảng 30-35 tuổi”.

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/1939 tới tháng 5/1940, những người thợ Đông Dương được đưa lên trên 14 con tàu rời từ cảng Hải Phòng lênh đênh trên biển và cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Mỗi chuyến đi kéo dài tới 48 ngày, khiến nhiều người ốm và say sóng vì lần đầu tiên đi biển.

Khi đặt chân tới nước Pháp, tất cả lính thợ được chuyển tới tạm trú tại nhà tù cũ Baumette ở Marseille, nơi duy nhất có đủ chỗ chứa mọi người. Khi đó những người Việt Nam đều không biết trước đó là nhà tù, mãi sau này họ mới được biết. Vì bên trong nhà tù đã được tu sửa sạch sẽ để mọi người có thể ở tạm trong thời gian ngắn. 20.000 lính thợ từ Viễn Đông tới Pháp được gọi là “nguồn nhân lực Đông Dương” (hay M.O.I).

Thời điểm đó, cứ 6 người Việt phải chen chúc trong một buồng giam chật hẹp. Họ bắt đầu vỡ mộng thật sự sau nhiều tháng ngày lênh đênh trên biển, “nằm như cá mòi dưới hầm tàu” từ Việt Nam sang Pháp.

Tuần hành thể hiện lòng yêu nước của lính thợ Việt Nam trên đất Pháp.

Tuần hành thể hiện lòng yêu nước của lính thợ Việt Nam trên đất Pháp.

Cuộc sống cực khổ

Những người Việt Nam khi đóđược chia thành nhiều nhóm để gửi tới 73 công ty phục vụ cho ngành quốc phòng, trong đó có các nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp nước Pháp (Bayonne, Toulouse, Saint Chams, Bourges, Tours, Rennes, Oissel, Bergerac...). Từ đây, những người thợ Đông Dương bắt đầu phải làm việc với cường độ cao và vô cùng nặng nhọc.

Đến 22/6/1940, Pháp thất trận, các xí nghiệp đóng cửa nên kế hoạch trên không được thực hiện như mong muốn. Khoảng 4.500 người Việt Nam được trả về nguyên quán trước khi nước Anh phong tỏa các tuyến đường thủy hướng về phương Đông của Pháp; do đó, 15.500 người Việt Nam phải ở lại đất Pháp và được di chuyển về miền Nam nước này để đến Marseille, Sorgues, Agde, Toulouse, Bergerac, Bordeaux, Saint-Chamas và Vénissieux.

Những lính thợ trẻ này bị giữ trong các lều trại do họ dựng lên vàphải sống trong cảnh thiếu thốn không điện nước, khôngnhà xí. Môi trường xung quanh hoang dại với nhiều côn trùng, đặc biệt là muỗi mòng, cuộc sống khi đó không khác nhà tù được quân đội quản lý.

Họ bị đối đãi rất khắc nghiệt, kỳ thị trong lúc chờ được phân phối làm các công việc không chuyên ngành nặng nhọc, như việc đồng áng, khai thác gỗ rừng, làm đường hoặc làm lao công tại các công nghiệp dệt vải, luyện kim và ngành nghề lao động khác với mức lương chỉ bằng 1/10 công nhân Pháp, chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu của họ. Những người lính thợ này không được Chính phủ Pháp công nhận để xem xét quyền lợi hưu trí.

Mỗi ngôi nhà trong Trại lính thợ chứa đến 60 lính thợ.

Mỗi ngôi nhà trong Trại lính thợ chứa đến 60 lính thợ.

Thuật chuyện với nhà báo Nathalie Dubois trong một bài viết trên website của Hội Hữu nghị Việt - Pháp tháng 5/2009, họa sĩ Lê Bá Đảng nói rằng năm 18 tuổi, ông mơ ước phiêu lưu. Ông rời khỏi làng Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong lúc mẹ ông nhìn theo chiếc xe tải chở tân binh và lặng lẽ khóc sau rặng cây. Còn cha ông không ngăn được ý muốn của con trai. Sau này, ông không gặp lại họ lần nào nữa.

Đến một đất nước của “Tự do và Bình đẳng” vào tháng 3/1940, tất cả chỉ đọng lại những kỷ niệm “đóng băng” trong lòng họa sĩ tương lai. Ông kể: “Một cái lạnh khủng khiếp, không một chiếc lá trên cành cây, không chim chóc. Tôi tự nhủ thầm rằng không thể sống trên đất nước này được”.

Mặc dù sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ Việt Nam luôn một lòng hướng về Tổ quốc, đã tiến hành nhiều hoạt động như làm báo, rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, đình công, biểu tình... nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, hàng nghìn lính thợ Việt Nam đã tổ chức mít-tinh trọng thể để chào đón vị lãnh tụ của dân tộc.

Những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp.

Những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp.

Cho đến năm 1948, Nhà nước Pháp cho các xí nghiệp công và tư thuê số nhân công này và bỏ túi hàng đống tiền nhưng không hề trả bất cứ đồng lương nào cho người thợ...

Mặc dù lời hứa của chính quyền sẽ trả họ về ngay khi chiến sự kết thúc nhưng đa phần đều bị bắt giữ lại ở biển 10-12 năm sau đó. Đến năm 1952, công cuộc hồi hương của những người lính thợ mới cơ bản hoàn thành. Trong tổng số 20.000 người Đông Dương bị cưỡng bức di cư sang Pháp từ năm 1939, khoảng 18.000 người về nước; 1.000 chết và 1.000 người ở lại Pháp sau năm 1952. Một vài người quyết định ở lại và lập gia đình tại đây.

Đặc biệt, trong thời gian từ 1941-1945, khoảng 1.500 người lính thợ đã được chuyển đến vùng Camargue miền Nam nước Pháp. Công việc chính của họ là rửa mặn cho đồng ruộng, phát triển trồng lúa và sản xuất muối. Theo một nhà báo Pháp, chính nhờ có những người lao động nhập cư Đông Dương mà vùng Camargue đã trồng được loại thóc lúa con người ăn được, góp phần vào sự phồn thịnh của vùng này.

Đọc thêm