Chuyển đổi số trong giáo dục - bắt đầu từ đâu?

(PLVN) - Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” vừa diễn ra ở Hà Nội do Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp tổ chức, hầu hết các ý kiến đều thống nhất, cần tạo lập nền tảng giáo dục số quốc gia cho phép chia sẻ, khai thác để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giáo dục số (EdTech). 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GDĐT.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GDĐT.

Đây được xem là một trong những giải pháp cấp bách để có sự đột phá về công nghệ, để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Nền tảng số quốc gia từ quản lý đến dạy và học

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Qua đó, ngành giáo dục đã đặt mục tiêu cố gắng phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để đạt mục tiêu nói trên, trước hết là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GD-ĐT, các giáo viên, học sinh… đều có thể tham gia hoạt động nhanh, hiệu quả. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, chuyển đổi số giáo dục được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề, có lẽ là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá trong ngành. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ mang tính cách mạng, đó là các nền tảng số (platform). Không chỉ thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách và triệt để hơn nữa. 

“Những việc về công nghệ số, xây dựng các nền tảng cho ngành GD-ĐT, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao cho Bộ TTTT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm thì hãy giao cho chúng tôi 1 năm. Vì bây giờ việc khó dễ làm hơn do có nhiều giải pháp mới đột phá. Việc dễ lại khó làm vì làm theo cách cũ…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Là người trực tiếp tham gia xây dựng chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT phải bắt đầu từ công tác dạy và học. Đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, tạo lập nên môi trường học tập số, học liệu số. Từ đó thay đổi phương pháp dạy và học, qua đó hình thành nên những học viên số và giảng viên số. 

Đối với công tác quản lý dạy và học, có 2 khía cạnh cần ưu tiên. Một là thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái Edtech mà Bộ GD-ĐT có vai trò rất lớn, có thể đóng vai trò kiến tạo thông qua Nền tảng giáo dục số quốc gia. Hai là thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý của toàn ngành, từ bộ, sở, phòng đến nhà trường. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ GD-ĐT hiện đã có cơ sở dữ liệu (CSDL) từ bộ đến các cơ sở giáo dục định danh 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh kèm theo các thông tin cơ bản. “Nếu chúng ta có một Nền tảng giáo dục số quốc gia nhằm chia sẻ, khai thác hiệu quả CSDL này thì chúng ta có thể phát triển hệ sinh thái EdTech tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phân tích, “Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ tạo một sân chơi mở, bình đẳng, kích thích sáng tạo, tương đương như app store về giáo dục. Doanh nghiệp EdTech tiếp cận ngay được thị trường 25 triệu người dùng và 53.000 tổ chức”.

Hệ sinh thái giáo dục và kỹ năng số cho từng cấp học

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số trong GD-ĐT cần hướng tới mục tiêu kép: chuyển đổi số trong GD-ĐT và phát triển hệ sinh thái EdTech Việt Nam. Đây chính là việc mà một số doanh nghiệp công nghệ Việt đã có những bước đi từ rất sớm để đón đầu xu thế chuyển đổi số của lĩnh vực rộng lớn này. 

Đại diện doanh nghiệp ký kết hợp tác với Bộ GD-ĐT nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong GD ĐT.
Đại diện doanh nghiệp ký kết hợp tác với Bộ GD-ĐT nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong GD ĐT.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển và triển khai các giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, đến nay Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu4.0 do Tập đoàn VNPT phát triển đã bao gồm hơn 20 sản phẩm, dịch vụ bao phủ toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục, cung cấp nhưng phần mềm, công cụ hiệu quả cho từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh. Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu4.0 của VNPT đã triển khai được trên cả 63 tỉnh thành phố với hơn 29.000 cơ sở giáo dục. 

Theo ông Phạm Đức Long - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, dịch Covid-19 bùng phát đã trở thành một thách thức đồng thời là cơ hội cho việc triển khai các phương pháp học tập ứng dụng công nghệ số thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống, khi hàng chục triệu học sinh và giáo viên trong cả nước phải áp dụng giãn cách xã hội trong thời gian dài và phải học tập trực tuyến. Vào thời điểm đó, với hệ thống VNPT E-learning sẵn có trong tay, VNPT đã quyết định tiên phong miễn phí cung cấp hệ thống này cho tất cả các trường học trên toàn quốc với hàng triệu bài giảng online được tạo ra. “Giải pháp của VNPT đã mang lại được cho những em học sinh ở vùng sâu, vùng xa những công nghệ và phương pháp học tập hiệu quả, được tiếp cận những kho tàng tri thức mà với những phương pháp truyền thống khó tiếp cận được”, ông Phạm Đức Long cho biết.

Ông Phạm Đức Long cũng cho rằng, để chuyển đổi số thành công trong GD-ĐT, trước hết cần xây dựng CSDL ngành giáo dục, chuyển đổi số môi trường dạy và học, xây dựng nền tảng học và thi trực tuyến, phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, giáo viên và phát triển nhân lực chất lượng cao. “Với kinh nghiệm triển khai các hệ thống lớn của quốc gia như trục liên thông văn bản, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia với nguồn nhân lực và hạ tầng mạnh mẽ, VNPT cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng CSDL quốc gia ngành giáo dục”, ông Phạm Đức Long nói.

Từ thực tế triển khai dạy và học online trong thời gian qua, ông Phạm Đức Long đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các quy định về học online và công nhận kết quả học online để khuyến khích hình thành thói quen học trực tuyến. Đồng thời, mỗi một cấp học nên xây dựng một chương trình đào tạo về kỹ năng số và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về kỹ năng số cho từng cấp học. Đặc biệt là đối với sinh viên đại học cần hoàn thành tín chỉ về kỹ năng số trước khi tốt nghiệp ra trường. 

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, với việc chuyển đổi số, người học ngày càng trở nên tự do hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập, do đó, việc học tập càng mang dấu ấn “cá nhân hóa” một cách đậm nét hơn. “Môi trường học tập số mở rộng không gian học tập, tăng cường tương tác cả trong không gian thực và ảo, tăng khả năng tiếp cận, xử lý thông tin, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tăng cơ hội học tập với thời gian linh động, thúc đẩy giáo dục mở, bình đẳng và đáp ứng như cầu từng cá nhân. Đồng thời, môi trường học tập số cũng tạo chuỗi giá trị và gắn kết cao giữa cộng đồng người học với đơn vị đào tạo, kể cả trường hợp sau khi tốt nghiệp và đơn vị tuyển dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.

Đọc thêm