Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh vẫn kêu gọi đầu tư vào Finhay dù đang làm ăn thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ khi “chào đời”, Finhay liên tục lỗ lớn và ghi nhận lỗ luỹ kế 26,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020 nhưng chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh vẫn kêu gọi đầu tư vào đây và khẳng định “đáng tin cậy”.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh vẫn kêu gọi đầu tư vào Finhay dù đang làm ăn thua lỗ

Lỗ chồng lỗ

Thành lập năm 2017, trên website công ty, Finhay tự nhận mình là ứng dụng thông minh hàng đầu Việt Nam cho đầu tư - tích lũy vừa và nhỏ.

Với các sản phẩm tài chính cá nhân đa dạng và đột phá trên nền tảng số, sự minh bạch về tài chính và nền tảng công nghệ mạnh, Finhay khẳng định giúp người dùng tích lũy và đầu tư linh hoạt từ nguồn vốn nhỏ lẻ để tạo dựng tài sản và bảo vệ tương lai.

Cách thức hoạt động của Finhay là người dùng chỉ cần nạp từ 50.000 đồng trở lên thông qua ứng dụng (tạm gọi là app) Finhay. Tài sản của Người dùng sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.

Finhay giới thiệu đây chỉ là ứng dụng kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính. Các kênh tài chính đầu tư, sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng.

Hiểu một cách nôm na, Finhay là kênh trung gian mang lại lợi nhuận cho người dùng ứng dụng. Tuy nhiên, liệu Finhay có khả năng đó hay không khi mà chính bản thân công ty liên tục thua lỗ thảm.

Finhay Việt Nam thành lập trong năm 2017 với số vốn chỉ 200 triệu đồng. Tới nay, vốn cổ phần tăng lên mạnh nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn hơn 5 tỷ đồng. Tổng vốn góp của cổ đông là hơn 5 tỷ đồng thế mà tại thời điểm cuối năm 2020, Finhay Việt Nam lỗ luỹ kế 26,6 tỷ đồng. Đây là kết quả của hành trình thua lỗ kéo dài.

Năm 2020, với doanh thu chỉ 2,9 tỷ đồng, Finhay đã lỗ tới 20,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 417 triệu đồng của năm 2019. Như vậy, dựa vào số lỗ luỹ kế, có thể thấy Finhay Việt Nam không chỉ thua lỗ trong năm 2020 và 2019 mà điều này còn diễn ra từ trước đó.

Bất chấp lỗ vẫn mạnh tay marketing

Năm 2020, Finhay Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 2,9 tỷ đồng và lợi nhuận gộp là 183 triệu đồng. Cùng với khoản doanh thu tài chính 14,5 tỷ đồng, lẽ ra Finhay Việt Nam đã có kết quả khá tốt. Tuy nhiên, chi phí quá cao là nguyên nhân khiến công ty không thoát khỏi cảnh thua lỗ.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng “ngốn” nhiều nguồn lực của Finhay nhất. Năm 2020, Finhay dành cho 12,4 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng. Trong đó, có tới 10,7 tỷ đồng dành cho chi phí tiếp thị, quảng bá và truyền thông. Dành 10,7 tỷ đồng cho truyền thông nhưng doanh thu chỉ bằng 27% chi phí này.

10,7 tỷ đồng là con số dễ hiểu vì suốt thời gian qua, nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính liên tục “lăng xê” cho Finhay. Trong đó, nổi bật nhất là chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh và CEO Cen Land Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng).

Trong khi đó, chi phí tài chính tại Finhay Việt Nam lại là con số khiến nhà đầu tư dễ đặt ra nhiều dấu hỏi. Theo giới thiệu, Finhay chỉ là “trung gian”, tài sản của khách hàng được chuyển sang bên thứ ba.

Tuy nhiên, chi phí tài chính lên đến 15,3 tỷ đồng của Finhay lại xác nhận có tới 11,8 tỷ đồng là chi phí lãi trả cho người dùng. Còn lãi từ tiền gửi, trái tức lại chỉ là 9,5 tỷ đồng, thấp hơn chi phí lãi phải trả.

Liệu có còn “tin cậy được”?

Có thể thấy, một trong những mục tiêu của Finhay Việt Nam chính là kênh trung gian giúp nhà đầu tư sinh lợi. Thế nhưng, trên thực tế, chính Finhay Việt Nam không thể sinh lợi được cho bản thân. Không chỉ như vậy, Finhay Việt Nam còn có chuỗi ngày thua lỗ thảm.

Thế nhưng, trong khi các khoản lỗ của Finhay Việt Nam liên tục chồng chất, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh không ngừng quảng bá cho app Finhay. Ông xuất hiện trong lễ ra mắt Finhay, các toạ đàm về tài chính... để nói về tính “tin cậy được” của Finhay.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh nhiều lần xuất hiện quảng bá cho Finhay.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh nhiều lần xuất hiện quảng bá cho Finhay.

Ông Lâm Minh Chánh từng chia sẻ nhiều người không biết cách làm cho tiền sinh sôi nảy nở, không biết hiệu quả của lãi suất kép. Nhiều người có số tiền nhỏ nên không bõ đầu tư, nhiều người dính vào đa cấp...

Ông Chánh cũng đã chỉ ra nhiều kênh đầu tư hiệu quả như ngân hàng, vàng, bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu, quỹ đầu tư... Nhưng với những người có số vốn rất nhỏ, họ không thể tận dụng được những kênh này. Đó còn chưa kể các kênh này còn đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức, am hiểu sâu sắc về thị trường.

Sau khi phân tích những khó khăn đó với những người dân có ít tiền và ít kinh nghiệm, ông Chánh “gợi ý” một phương án có thể khắc phục được, đó chính là Finhay.

Ông Chánh giới thiệu Finhay là fintech - ứng dụng công nghệ trong tài chính, có đăng ký kinh doanh, nhận được đầu tư của vài quỹ, trong đó có Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt. Việc kinh doanh của Finhay được kiểm toán.

Ông Chánh khẳng định sau khi ông tìm hiểu, ông thấy Finhay “hướng tới làm ăn đàng hoàng”, kinh doanh bền vững, tính pháp lý là có đăng ký kinh doanh, giao dịch qua tài khoản công ty.

Dù vậy, ông Chánh cũng phải thừa nhận: “Không thể nói chắc chắn là Finhay không có vấn đề gì” nhưng thông qua 3 tiêu chí kể trên thì ông Chánh vẫn cho rằng: “Finhay có thể tin cậy được”. Ngoài ra, ông Chánh còn nhận xét: “Việc của Finhay là tiếp tục minh bạch, chứng minh khác các app kia. Các app kia không đăng ký kinh doanh”.

Tuy nhiên, khi giới thiệu Finhay, bản thân ông Lê Minh Chánh lại không đề cập đến những khoản lỗ chồng chất của Finhay Việt Nam như đã nêu ở trên.

(Còn nữa)

Đọc thêm